Thứ Năm, 23/11/2017 19:21

Một thành phố sách cho Huế, tại sao không?

TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy – Giảng viên khoa Ngữ Văn trường Đại học sư phạm, Đại học Huế đặt vấn đề như thế và nhận được sự đồng tình của rất nhiều người tham gia diễn đàn “Trao đổi nâng cao văn hóa đọc” do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức vào sáng 23/5.

Lan tỏa tủ sách gia đình và dòng họHội sách trực tuyến giữa mùa dịchChuyện nhặt ở nhà sách

TS. Tịnh Thy chia sẻ quan điểm của mình về văn hóa đọc, và ý tưởng một thành phố sách cho Huế

Diễn đàn còn nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết đến từ nhiều chuyên gia, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa... đang sinh sống làm việc ngay tại mảnh đất cố đô, cũng như nhiều người ở xa quan tâm đến việc thúc đẩy văn hóa đọc trong thời buổi hiện nay.

Bắt đầu câu chuyện, TS. Tịnh Thy khiến nhiều người suy ngẫm, tại sao hoạt động đọc sách được xem bình thường giờ đây trở thành vấn đề quan trọng, thậm chí phải “tôn vinh”. “Vì thế cần phải xem lại. Cơ thể chúng ta đói thì ăn, khát thì uống. Nhưng đói tâm hồn thì sao? đơn giản là đọc sách. Vậy mà xã hội hiện nay lại tôn vinh người đọc sách, tôi thấy buồn!”, TS. Thy trăn trở.

Nhớ lại trong một lần cùng ngồi ghế giám khảo chấm thi các thí sinh thi năng khiếu vào khoa giáo dục mầm non, TS. Tịnh Thy đến bây giờ vẫn cảm thấy ám ảnh và đau lòng. Một thí sinh người Huế bốc trúng đề kể câu chuyện Tấm Cám thông qua 6 bức tranh minh họa. Sau thời gian 3 phút chuẩn bị, thí sinh cầm lần lượt các bức tranh và tự tin trình bày: “Tấm và Cám là hai mẹ con”. Một trong số các vị giám khảo hỏi ai mẹ, ai con, thí sinh trả lời tiếp: “Tấm là mẹ và Cám là con” và đứng thế cho đến lúc hết giờ rồi ra khỏi phòng thi.

Các giám khảo chấm thi hôm đó thật sự bất ngờ, đau lòng khi mắt thấy tai nghe được những gì thí sinh ấy trả lời. Tất cả đã đặt ra nỗi lo lắng, sự xuống cấp của văn hóa đọc.

Từ câu chuyện đó, TS. Tịnh Thy chia sẻ, để tạo thói quen, cảm hứng đọc sách, yếu tố gia đình và nhà trường vô cùng quan trọng. Người Do Thái từ khi mới sinh ra được cha mẹ đọc sách cho nghe lúc còn chưa biết nói. Họ dạy con cảm nhận vị ngọt ngào từ sách. Đến khi chết đi cũng chôn sách, đi thăm người chết cũng đọc sách.

TS. Đặng Minh Nam - Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh trao đổi tạo diễn đàn

Còn với những gia đình người Việt chúng ta, trước kia từng coi trọng việc đọc sách thì nay chính việc ấy bị xem nhẹ. Hầu như cha mẹ thích nhìn vào thành tích học tập con cái hơn là việc đọc. Thay vì nhắc đọc sách đi con... thì học bài đi. Thay vì tuần này con đọc được cuốn nào rồi để trao đổi với ba mẹ thì hỏi tuần này được mấy điểm 10. Vô tình không kích thích sự đọc mà còn đẩy trẻ vào sự quên lãng việc đọc.

Về phía nhà trường việc không khuyến khích đọc sách đến từ rất nhiều lý do. Nhiều trường cho rằng sách giáo khoa là đủ, đủ để học, đủ để thi. Hơn nữa công tác thư viện, đầu tư cho thư viện không được coi trọng. “ Trong tất cả các báo cáo chi, tôi chưa thấy hội phụ huynh nào báo cáo chi ra việc mua sách cho các em, khi đó chính là quyền lợi của con em họ”, TS. Thy nói.

Đồng quan điểm, nhà văn – võ sư Nguyễn Văn Dũng cũng nhấn mạnh vai trò gia đình và nhà trường. Ông Dũng bảo rằng, đi nhiều nên trên thế giới và nhận ra cách đọc sách của người Việt mình khác rất xa với người nước ngoài, đặc biệt là phương Tây. Người phương Tây ngồi đọc sách ở khắp nơi, từ công viên, nhà ga, bến xe, trên máy bay... còn người mình thì hầu như chăm chú vào màn hình điện thoại. Tất cả điều được hình thành từ nhỏ, và trở thành thói quen sau này.

“Vai trò hình thành văn hóa đọc cho con phụ thuộc rất lớn vào ba mẹ. Ngược lại mẹ luôn bận rộn, ba đi nhậu đến khuya mới về thì coi như thất bại” – ông Dũng phân tích. Xa hơn, cần quan tâm đến môi trường, văn hóa đọc hiện nay, giúp mọi người có thể tiếp cận với sách, với các không gian đọc và phải thừa hưởng được những giá trị mà Huế đang có với hệ thống tủ sách gia đình, hệ thống thư viện có rất nhiều mục sách hay, sách quý, chất lượng.

TS. Tịnh Thy nói thêm, với tư cách công dân, mong muốn Huế sẽ trở thành một thành phố sách. Một khi làm được điều đó, chúng ta không truyền cảm hứng cho ai thì cảm hứng ấy cũng sẽ tự đến với mọi người.

Ngoài ra, diễn đàn cũng nhận rất nhiều ý kiến khác nhau về cách phát triển văn hóa đọc, tạo cảm hứng cho con trẻ đọc sách, xây dựng không gian đọc công cộng... Tất cả mong muốn văn hóa đọc sẽ trở thành “vết dầu loang” đến với mọi người.

Nhà văn – võ sư Nguyễn Văn Dũng trao thưởng cho các tác giải đạt giải

Cũng tại diễn đàn lần này, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh đã tổ chức trao giải cuộc thi viết và nhiếp ảnh “Mở sách, mở tương lai” cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc.

Cuộc thi được Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức từ 1/4 và nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các bạn trẻ. Các tác phẩm chủ yếu xoay quanh câu chuyện cả nước chống dịch COVID-19 thông qua việc khuyến khích hoạt động cá nhân, giúp nâng cao năng lực bản thân thông qua thói quen đọc sách, tự cập nhật thông tin, trau dồi kiến thức...

Bài, ảnh: NHẬT MINH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục phát triển đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, kỹ thuật
Tiếp tục phát triển đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, kỹ thuật

Chiều 27/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (gọi tắt Liên hiệp hội) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và hội thảo "Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".