Thứ Ba, 25/07/2017 12:45

Mùi Tết

Không một hương thơm nào, bay ngược chiều gió thổi. Chỉ hương người đức hạnh, bay ngược gió bốn phương

Khám phá tết Huế với những điều khác biệt"Canh" tết cùng di sản

Niềm vui ngày Tết

Đôi khi mùi cũng đóng vai trò sứ giả của thời gian. Ví như khi mùi gừng tươi bay lên, thơm từ đầu xóm đến cuối xóm thì dù người có vô tình mấy đi chăng nữa cũng biết là tết đang về - đó là mùi của một loại mứt không thể thiếu trong ngày tết của người Huế - mứt gừng.

Từ thiên nhiên, nhiều cây lá trong vườn báo hiệu tết về còn sớm hơn. Ấy là khi cây mai già trước sân gặp tiết trời tháng Chạp nhiều nắng, nở hoa trước Tết cả nửa tháng. Rồi cây mộc trồng kế chiếc bể cạn cũng nở từng chùm hoa nhỏ xiu, trắng muốt đưa hương tinh khiết.

Mùi Tết còn là mùi thơm của lá. Khi tiếng kéo “xắp xắp” cắt tỉa hai hàng chè tàu chuẩn bị đón tết vang lên từ nhiều ngôi nhà vườn Huế, thì cái mùi như là dịu ngọt, nhẹ thoảng của lá đẫm sương cũng mang một thông điệp báo tết đang về.

Khi tạo ra lửa, người tiền sử đã biết đến mùi lá chín. Với người Việt, có một mùi lá chín mang ý nghĩa đặc biệt báo mùa vui mới của đất trời - mùa xuân - ấy là mùi bánh chưng, bánh tét, món bánh tết truyền thống. “Cứ nghĩ lá không có mùi thơm, thật không công bằng với lá”- đó là lời của mụ Vàng chuyên nghề buôn trái cây vườn nhà. Nhớ những ngày gần tết hồi còn nhỏ, tôi thường đi theo mụ Vàng sang vườn mệ Cả Trợ xem chặt lá chuối. Vườn nhà mệ Cả Trợ trồng toàn chuối sứ. Bao giờ mụ cũng bảo: “Gói bánh chưng, bánh tét phải dùng lá chuối sứ thì bánh chín mới xanh, mới thơm được”. Tôi hỏi làm sao biết được, mụ Vàng nói nghe mùi lá chín là biết!

Tết năm nào nhà mụ Vàng cũng là địa chỉ nấu bánh chưng, bánh tét của cả xóm. Câu chuyện bên bếp lửa hồng của người lớn càng về khuya nghe rủ rỉ, rù rì... Trong mơ, đôi khi tôi chập chờn với hình ảnh của đoàn quân áo vải Tây Sơn trong cuộc hành quân thần tốc từ Phú Xuân ra Thăng Long đánh quân Thanh. Lương thực của binh sĩ trên đường chiến trận ấy có món bánh tét. Đó là câu đố mà bác Vui thử tài cả nhóm: “Quân Quang Trung ăn gì khi đánh quân Thanh?”. Tôi nhớ cả bọn tranh nhau nói “vừa đi vừa nấu cơm dọc đường” như hình thức thi nấu cơm trong các đợt cắm trại ở trường mà quên mất món bánh tét, bánh chưng có thể để được cả tháng trời và đó cũng là món bánh tết.

Tết không về thăm nhà được, bạn điện thoại nghe nao nao: “Xóm mình còn nấu bánh chưng, bánh tét không, ở trong này mà nhớ cái mùi bánh xóm mình quá!”. Tôi tin là bạn nói thật, đó không phải là mùi tết được cộng thêm từ nỗi nhớ, từ ký ức mà chính thật là vậy. Trước thời các chúa Nguyễn đến cắm đô ở vùng này, cây lá ở đây đã cho một hương thơm đặc biệt như để trả ơn con người đã chọn, gắn bó với dải đất này.

Có một mùi tết mà bây giờ nghĩ đến lòng vẫn còn mơn man, đó là mùi áo mới. Cái mùi ấy cũng “linh thiêng” như... tết. Nghĩa là, khi mạ may cho bộ đồ mới thì nó được cất kỹ trong tủ, ngày lôi ra lôi vô cũng vài ba lượt, hít hà cái mùi vải thơm chờ đúng ngày mồng Một tết mới mặc. Còn với nhiều bà mạ như mạ tôi, những năm khó khăn, áo tết cũng là chiếc áo dài duy nhất đã qua nhiều mùa đón Giao thừa. Và cái mùi tết từ tấm áo cũ của nhiều bà mạ ấy là mùi quanh năm tết, thơm một tấm lòng nhường niềm vui ăn no, mặc ấm cho con.

Khi trời Huế đang còn dầm dề những cơn mưa của tháng 10 thì những người trồng hoa tết, chăm hoa cảnh bước vào vụ mùa của mình. Bên chén trà nóng trong một sáng Huế vừa hửng nắng sau cơn lụt, ôn Thành “tóc bạc”, nguyên chủ một vườn mai cảnh ở Vỹ Dạ, chân thành: “Cũng như trồng người, trồng chân thật mới ra hoa chân thật. Như ôn đây, nhất quyết không thuốc này, thuốc nọ để hoa to, hoa nhiều mà mau tàn, mau héo. Ngày tết, người ta chưng chậu mai, thích lắm, thương lắm, có người nhịn tiêu tết để mua mai, mình làm sao dối lừa người ta được”. Vườn mai Huế của ôn Thành giờ chỉ còn vài chậu mai “cụ”, mai “lão” mà ôn tiếc không bán, ôn và con trai trồng còn thêm hoa cúc. Tháng mười Âm lịch, đất vườn nhà ôn thoảng mùi ẩm ướt của rơm rạ mục, mùi bùn non, mùi phân chuồng hoai hoai... Đi ngang vườn nhà ôn, nhiều người biết còn gần ba tháng nữa là đến tết.

Không tỏa hương, hoa giấy làng nghề Thanh Tiên, tranh làng Sình cũng rộn ràng “mùi tết” từ tháng 11 Âm lịch. Một thời gian khá dài, hoa giấy phải nhường chỗ cho hoa nhựa, hoa kẽm... Bây giờ thì người Huế đã thật sự quay trở về với hoa giấy Thanh Tiên trong thờ cúng tết và cả trong trang trí. Tranh làng Sình cũng đã thăng hoa trong đời sống hiện đại với bộ lịch mười hai con giáp, với những lễ hội mùa xuân. “Mùi tết của mình là những mùi dân dã, gần gũi và thẳm sâu, như có trong từng hơi thở là cái mùi của hoa lá vườn nhà, mùi của giấy, của hồ dán”. Nghệ nhân Thân Văn Huy đã chia sẻ với một nụ cười an nhiên về chọn lựa đi với hoa giấy để giữ lại cái mùi tết của làng mình như thế.

“Sương mù sắc tím nồng đượm mà hương thơm nức phòng the”, một sớm tinh sương tháng Chạp, theo thuyền ngược sông Hương lên phía thượng nguồn, bắt gặp mùi thơm dịu nhẹ của các loài hoa trong vườn, tôi bất chợt nhận ra thêm chiều sâu tinh khiết trong tình yêu của người vợ - nàng công chúa đất Thăng Long, Lê Ngọc Hân - mừng thọ 40 tuổi chồng mình, vua Quang Trung. Tình yêu ấy, cuộc đời bão táp ấy, hóa ra nhẹ như thinh không trong mùi thơm của hương hoa vùng đất Phú Xuân những ngày cuối năm.

“Không một hương thơm nào, bay ngược chiều gió thổi. Chỉ hương người đức hạnh, bay ngược gió bốn phương”, lời kinh Pháp cú ghi ở chùa Từ Đàm - ngôi cổ tự của xứ Huế - đến và ở lại trong trí nhớ của tôi ngay từ lần đầu tiên tôi đọc được. Trên chuyến đò ngang Tiên Nộn - Bao Vinh ngày đưa ông Táo về trời, câu chuyện ngập ngừng giữa hai chị bán hoa cúc và hoa giấy Thanh Tiên là một bản hòa ca của tết: “Bán hết vồng cúc ni là chị đi mua cho mạ chị chiếc áo dài gấm mặc tết, mừng mạ năm ni 90 tuổi”- “Trưa ni bán hết cây bông giấy ni em cũng vô chợ mua cho ông chồng cái áo ấm . Mấy năm rồi ông cứ mặc áo cũ”. Tôi nghe trong sương sớm mùi tết của những con người lao động bình dị như có lời kinh Từ Bi mà ngày mồng Một tết thầy chùa làng tôi thường trò chuyện.

Phải có một cột mốc thời gian ghi nhận chính thức cái mùi tết Huế là bắt đầu từ khi nào chứ. Nếu vậy thì có lẽ chỉ duy nhất là mùi nhang trầm của lễ thượng nêu vào ngày hai mươi ba tháng Chạp. Ấy là khi cây nêu được dựng lên ở trước sân điện Thái Hòa và Thế Miếu (Đại Nội); ở đầu làng hay ở vườn chùa. Khi mùi trầm nhang hòa quyện cùng hương hoa mai thoảng nhẹ trong sương sớm vườn chùa chưa tan, mùi tết ở chốn thiền môn như đưa con người vào cõi nhẹ không: không tham đắm, không cầu danh lợi, chuyên tu một chữ “Đạo” để sống với đời.

Mùi tết Huế, hương vị chỉ cảm nhận bằng tâm thức ấy cũng là căn nguyên để nhận diện đời sống của một vùng đất. Mà cáichỉ có thể nhìn thấy bằng tâm thức chỉ có thể là văn hóa.

Bài: Diệu Hà

Ảnh: Linh Thanh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm dâu tháng Chạp
Làm dâu tháng Chạp

“Nó có thể cắt lá đổ chuồng bò, mót khoai, nhặt củi khô, nấu cám heo các thứ.

Rộn ràng tết
Rộn ràng tết

Ai cũng muốn chuẩn bị những gì “xuân” nhất để tết nhà được đủ đầy, tươi mới, như lời ước nguyện thêm một năm mới trọn vẹn, hanh thông.

Gói bánh chưng, mừng sum vầy
Gói bánh chưng, mừng sum vầy

Dịch COVID-19 được kiểm soát, việc đi lại thuận tiện, năm nay nhiều gia đình được quây quần bên nhau. Nếp, lá, đậu, thịt được soạn ra để mọi người gói bánh, cùng sống trong không khí đầm ấm thân thương những ngày cuối năm.

“Ăn ngon, chơi vui, nghe hay” ở phiên chợ tết Gia Lạc
“Ăn ngon, chơi vui, nghe hay” ở phiên chợ tết Gia Lạc

LTS: Suốt cả năm mua bán làm ăn, lẽ thường, tết là các chợ đều nghỉ, bởi ai cũng lo sắm sanh mọi thứ đủ dùng cho những ngày tết, đâu ai đi chợ nữa mà chợ đông. Lại nữa, bà con tiểu thương ai cũng có gia đình, chồng con, cả năm bán buôn, ba ngày tết còn dành cho gia nương nhà cửa nữa chứ... Vậy mà ở Huế, lại có một phiên chợ tết. Rất kỳ lạ nữa là chợ chỉ đông 3 ngày tết, còn rồi thôi. Nghe có vẻ hơi “ngụy tặc”, nhưng mà là có thật 100%. “Ngụy tặc” hơn nữa là phiên chợ này không cốt để bán mua làm giàu làm có, mà chủ yếu để... chơi, mà lấy hên lấy lộc đầu năm. Đó là chợ Gia Lạc - một phiên chợ đẫm chất văn hóa rất riêng của xứ Huế.