Thứ Sáu, 15/05/2020 14:43

Nét đẹp văn hóa học đường, cần một hệ chuẩn mực

Văn hóa học đường - nét đẹp nhân văn đã hình thành từ bao đời nay với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo... Để xây dựng văn hóa học đường, nhà trường phải xây dựng một hệ chuẩn mực, giá trị phù hợp với mục tiêu chung và được các thành viên trong nhà trường tham gia.

Xây dựng văn hóa giao thông trong học đườngXây dựng văn hóa học đườngXây dựng văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục

Người thầy phải xem đạo đức nghề nghiệp là nền tảng của nhân cách nhà giáo. Ảnh: TCV

Theo đó, các quy tắc ứng xử phải được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực đạo đức, văn hóa công sở… và là tiêu chuẩn để đánh giá, quy chiếu và lan tỏa cho mọi hành vi ứng xử của các thành viên trong nhà trường. Trong môi trường giáo dục, hình tượng của người thầy, nhân cách, đạo đức của người thầy đóng vai trò cực kỳ quan trọng để định hướng thái độ và hành vi, lối sống của học sinh. Vậy nên, người thầy phải xem đạo đức nghề nghiệp là nền tảng của nhân cách nhà giáo.Trong nhà trường, chỉ cần một giáo viên thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tình thương dành cho học trò hoặc ứng xử thiếu chuẩn mực thì cũng có thể làm phá vỡ đi nét đẹp của một môi trường văn hóa mà bao thế hệ thầy và trò xây dựng nên.

Trong cuộc sống hiện đại, văn hóa giao tiếp ứng xử có ý nghĩa rất quan trọng, là cầu nối của các mối quan hệ, là chất keo gắn kết tình cảm giữa người với người, với cộng đồng xã hội. Trong trường học, văn hóa giao tiếp ứng xử là thước đo của tình cảm thầy trò, trách nhiệm giữa người dạy – người học, giữa lãnh đạo nhà trường với cán bộ giáo viên, học sinh và giữa giáo viên đối với nhau... Xây dựng văn hóa học đường phải được xem là khâu then chốt để từ đó lan tỏa nghĩa bạn, tình thầy, nhằm hướng tới xây dựng mối quan hệ thầy - trò, thầy - thầy minh bạch, trong sáng, lành mạnh, thân thiện, không vụ lợi, không thiên vị, không phân biệt đối xử... Nói thì dễ, làm thì khó, bởi có phải ai cũng ý thức được vậy đâu. Nhiều người ý thức được nhưng làm không được, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như: tính cố chấp của bản thân, ảnh hưởng của dư luận xấu, lợi ích cá nhân…

Bên cạnh người thầy, đối tượng quan trọng để xây dựng nên môi trường học đường văn hóa chính là người học. Có người cho rằng, học sinh bây giờ không ngoan như ngày xưa. Ở đây, phải hiểu “ngoan” là như thế nào. Không phải “ngoan” có nghĩa là người lớn bảo sao thì làm vậy, kể cả khi người lớn sai. “Ngoan” không có nghĩa là “im lặng không dám nói lên chính kiến của mình”. Ngoan phải hiểu theo nghĩa “khôn ngoan”, lễ phép, thái độ nhã nhặn, lịch sự, biết kính trên nhường dưới, biết cách cư xử đúng mực, nhưng không “phục tùng một cách bất lực trước sai trái”. Cao hơn nữa là biết đấu tranh, phê phán những tiêu cực để xây dựng một môi trường học tập lành mạnh. Không phải dễ dàng để hình thành cho tất cả học sinh sự “khôn ngoan” như thế, bởi chỉ cần một vài em không đủ khôn ngoan cũng có thể phá vỡ sự hài hòa của một môi trường văn hóa.

Em Nguyễn Quang Huy, học sinh trường THPT Hai Bà Trưng chia sẻ: “Để xây dựng một môi trường học tập lành mạnh thì trước hết mỗi học sinh chúng con phải ý thức, chăm ngoan, ứng xử đúng mực với bạn bè, thầy cô và cả trên mạng xã hội”. Với thầy cô đang mang trong mình trọng trách lớn lao thì bản thân phải hết lòng yêu thương, quan tâm và chỉ bảo tận tình cho học sinh, giữ gìn sự trong sạch cho môi trường giáo dục.

Xây thì khó, phá bỏ thì quá dễ dàng. Vẫn biết rằng, nét đẹp văn hóa học đường được xây đắp bởi một môi trường giáo dục dân chủ, thân thiện, giàu tình thương, không khí dân chủ trường học chính là bầu khí quyển mang tính nhân văn sâu sắc nhưng phải hiểu đúng từ “dân chủ”. “Dân chủ” hiểu đơn giản là bình đẳng, tự do nhưng phải gắn với kỷ luật, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Dân chủ mở ra một mối quan hệ tích cực, thân thiện giữa thầy, cô và học sinh, tạo cơ hội cho thầy, cô tự chủ, tự tin để cống hiến tài năng của mình, luôn hướng các hoạt động giáo dục của mình vào mục tiêu “tất cả vì học sinh thân yêu”.

Cách giáo dục áp đặt gây những trở ngại trong học tập của học sinh cần phải sớm thay đổi. Phải để cho người học phát huy vai trò làm chủ, tích cực, chủ động xây dựng và cống hiến. Với người dạy cần thay đổi về nhận thức rằng: người thầy không phải là trung tâm của quá trình dạy học, học sinh mới là trung tâm, là đối tượng nhận thức và cũng là đối tượng đánh giá khách quan và chính xác nhất quá trình dạy của giáo viên và học của chính bản thân họ.

Nguyễn Thị Hoa Phượng

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh
Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh

Ngày 25/2, Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh, TP. Huế phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức chương trình Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh và học sinh các khối 8,9.

Giữ chữ cho em
Giữ chữ cho em

Thống kê sơ bộ, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30 học sinh nghỉ học sau Tết.

Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022
Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022

Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục,... Đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.