Một học sinh hút thuốc
Dạo quanh một vòng dọc các quán nước cạnh các trường THPT trong TP. Huế, không khó để bắt gặp hình ảnh các em học sinh dù chưa đủ 18 tuổi nhưng miệng luôn ngậm điếu thuốc phì phèo, rồi chuyền tay nhau phả ra những làn khói nghi ngút. Khói thuốc thật sự đã xâm nhập và len lỏi vào trường học, nơi vốn là không gian của tri thức và những con chữ. Trong làn khói thuốc độc hại là những khuôn mặt ngây thơ, thậm chí “khờ dại” và các em không hề hay biết tương lai của mình đang mờ dần theo những làn khói thuốc và những căn bệnh nguy hại mà thuốc lá gây nên.
Chị Huyền, hiện có con đang theo học tại một trường THPT trong thành phố chia sẻ rằng: Mỗi lần đưa đón con đi học đến trước cổng trường, chị thường bắt gặp hình ảnh nhiều em mặc áo quần đồng phục học sinh, tụ tập lại thành từng nhóm trong các quán trò chuyện, hút thuốc lá, uống cà phê. Thấy những hình ảnh đó tôi thật sự rất lo cho con em mình bị lôi kéo, khó kiểm soát..., trong khi học sinh lại đang trong độ tuổi phát triển, tò mò và thích khám phá.
Qua lời chia sẻ của chị Huyền, có dịp nói chuyện với chị Lan một người dân sống ở gần một trường THPT kể: Tôi sống ở đây hơn hai mươi năm nay, cứ mỗi lần ra chơi hay tan học là thấy các em thi nhau chạy ra quán mua thuốc lá để hút. Điều đáng nói ở đây là, các chủ quán biết các em là học sinh nhưng vẫn bán thuốc cho các em.
Chị Lan nói tiếp, thuốc lá nó bày bán tràn lan ở các quán cà phê, tạp hóa lớn nhỏ, mua thuốc lá dễ dàng cũng là nguyên nhân gia tăng tình trạng hút thuốc ở các em học sinh... Thật đáng lo ngại khi nhìn thấy các em học sinh đang độ tuổi cắp sách đến trường mà không biết do thiếu sự quản lý của gia đình, hay do vấn đề phát triển về tâm, sinh lý mà các em hút thuốc như một thói quen, một thú vui. Nam có, rồi thỉnh thoảng còn có cả bạn nữ, thật sự đáng buồn...
Cũng như thuốc lá thông thường, giờ đây các bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên lại có thói quen sử dụng thuốc lá điện tử. Bởi vì mùi hương của nó rất thơm như mùi trái cây nên các bạn nghĩ nó vô hại, nhưng thực tế nó là chất có tác hại khủng khiếp, tàn phá cơ thể.
Đứng trước thực trạng trên, cần đề ra những giải pháp cấp thiết để ngăn chặn và hạn chế những tác hại do thuốc lá gây ra. Trước hết, cần nâng cao nhận thức cho các em về tác hại cũng như ảnh hưởng của khói thuốc đối với sức khỏe, cùng với đó cần tổ chức thêm nhiều hoạt động tuyên truyền. Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ, sinh hoạt lớp, các hoạt động thực tế được đẩy mạnh để giúp các em học sinh hiểu được và có cái nhìn toàn diện về chất gây bệnh này.
Các trường học trên địa bàn tỉnh cần phải siết chặt hơn, nghiêm cấm học sinh sử dụng thuốc lá và các cơ sở kinh doanh không được buôn bán thuốc lá phía ngoài cổng trường. Đồng thời, nhà trường cần phối hợp với gia đình trong việc giáo dục và quan tâm đến những thay đổi trong tâm lý của trẻ vị thành niên. Về phía gia đình, cần phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc, quản lý, trò chuyện, tiếp cận sinh hoạt hàng ngày của các con để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để dẫn đến tình trạng con em mình bị nghiện thuốc lá. Qua đó, xây dựng một thế hệ trẻ nói không với khói thuốc để có sức khỏe, góp phần cho sự phát triển của đất nước.
Bài, ảnh: PHÚC KHANG