Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá có xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ nữ giới đang có chiều hướng tăng. Ảnh: D.TR
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc hại, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khói thuốc lá thụ động gây tử vong cho 1,2 triệu người mỗi năm, trong đó có 64% nạn nhân là phụ nữ và 15% là trẻ em. Tình trạng hút thuốc cũng như các hình thức sử dụng thuốc lá khác của phụ nữ và trẻ em đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Việc phơi nhiễm với khói thuốc sẽ gây hại với sức khỏe, sự phát triển của trẻ em và chất lượng nòi giống...
Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội bao gồm chi phí bỏ ra cho hút thuốc và chi phí điều trị cho các nhóm bệnh có liên quan đến hút thuốc lá như ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa và hô hấp trên, bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim và đột quỵ…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà. Riêng đối với tỷ lệ hút thuốc trong học sinh, kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2019 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm gần 50%). Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng gặp nhiều thách thức. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao; đặc biệt hiện nay, trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha và được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ, trong đó có các em là học sinh nữ...
Gần đây nhất là trường hợp nữ sinh 14 tuổi (Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng hôn mê, tím tái, suy hô hấp, nguy cơ tử vong do ngộ độc thuốc lá điện tử. Trước đó, nữ sinh hút thử thuốc lá điện tử của bạn học, không rõ nguồn gốc. Sau đó, em co giật, mất ý thức, kích thích, tím tái, đồng tử giãn. Các bác sĩ xử trí cấp cứu, truyền dịch, thở oxy... Đáng lo ngại, đây là trường hợp thứ 5 phải nhập viện do ngộ độc nicotine (sau hút thuốc lá điện tử) mà Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn tiếp nhận trong hơn một tháng gần đây.
Việt Nam có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá thấp so với nam giới. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng gia tăng nhanh chóng, kèm theo đó là các hệ lụy về chất lượng giống nòi. Vì vậy, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, bảo vệ phụ nữ trẻ em khỏi tác hại của thuốc là là việc hết sức cần thiết.
ĐỒNG VĂN