Thứ Sáu, 06/07/2018 07:30

Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I năm 1946 ở Thừa Thiên Huế

Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký ban hành Sắc lệnh số 51 về Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội khóa đầu tiên trong cả nước. Để Nhân dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này, Tổng bộ Việt Minh ra tuyên bố cùng quốc dân.

Nhìn lại mình để nỗ lực hơnQuy trình Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danhHội nghị Tỉnh ủy bất thường để tiến hành các bước về tổ chức cán bộ

Chỉ một ngày sau tuyên bố của Việt Minh Tổng bộ, Việt Minh tỉnh Thừa Thiên đã gửi cho các bậc thân sĩ yêu nước một bức thư kêu gọi: 

“Hỡi các bậc thân sĩ,

Hỡi các danh nhân có tài năng đức hạnh. 

Ngày Tổng tuyển cử gần đến. Cũng như đồng bào toàn quốc, đồng bào trong tỉnh Thừa Thiên đương chăm chú đợi chờ ngày lịch sử lớn lao ấy để tự mình chọn lấy những người xứng đáng thay mặt mình quyết định vận mệnh cho Tổ quốc. Chúng tôi, Ủy ban Chấp hành Việt Minh tỉnh Thừa Thiên xin kêu gọi hết thảy các bậc thân sĩ thành thật yêu nước, các vị danh nhân tự nhận thấy mình có đủ tài năng đức hạnh để đảm đương việc nước, hãy mau mau đưa đơn ứng cử. Chúng tôi xin hứa sẽ hết sức ủng hộ những người xứng đáng, không phân biệt người của đoàn thể nào, đảng phái nào, hay tỉnh nào; vì chúng tôi luôn luôn đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết thảy”.

Thực hiện lời kêu gọi của Việt Minh tích cực hưởng ứng cuộc Tổng tuyển cử, Ủy viên Nội vụ tỉnh Thừa Thiên căn cứ Sắc lệnh số 51 của Chủ tịch Chính phủ ban hành ngày 17/10/1945, giải đáp những thắc mắc với dân chúng.

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I. Ảnh: Tư liệu (Quochoi.vn)

Mọi công việc hướng đến ngày bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên được triển khai một cách rốt ráo. Đồng bào trong cả tỉnh, cả nước vừa thoát cảnh lầm than nô lệ rất đỗi phấn khởi và tự hào về quyền làm chủ vận mệnh đất nước của mình. Nhưng gần đến ngày bầu cử (23/12/1945), Chủ tịch Chính phủ đã ký Sắc lệnh số 76 quyết định lùi ngày bầu cử lại sau hai tuần nữa, tức vào ngày mồng 6/1/1946.

Theo Sắc lệnh 76 ký ngày 18/12/1945, sở dĩ cuộc Tổng tuyển cử hoãn lại là để cho thân sĩ có đủ thời giờ nộp đơn ứng cử. Nước nhà đương qua một giai đoạn vô cùng khó khăn, đang cần sự tham gia của tất cả những người có tài năng đức hạnh, Chính phủ không muốn hấp tấp vội vàng để bỏ sót một số nhân tài có khả năng giúp nước.

Để giải thích rõ thêm “về ngày bầu cử phải lùi lại hai tuần nữa”, UBND Thừa Thiên đã ra thông báo, in công khai trên các ấn phẩm xuất bản ở Huế.

Theo thông báo của UBND Thừa Thiên, nhờ công tác tuyên truyền, vận động một cách rộng rãi và dân chủ, chỉ một thời gian ngắn, ở thành phố Thuận Hóa (Huế) và tỉnh Thừa Thiên, sau ngày 23/12/1945, đã có rất nhiều người tự nộp đơn đăng ký ứng cử vào Quốc dân đại hội nước Việt Nam mới.

Danh sách ứng cử ở Thuận Hóa có 13 người, ở Thừa Thiên là 46 người. Sau  khi danh sách những người ứng cử ở tỉnh Thừa Thiên được niêm yết rộng rãi và in công khai trên báo Quyết Chiến, chỉ ít hôm sau một người trong danh sách này “Vì lý do riêng ông Trương Đình Trung ở làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, xin rút tên ứng cử”. Như vậy, đơn vị Thừa Thiên còn lại 45 người.

Tổng hợp cả hai danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế là 58 người được bầu lấy 7 đại biểu Quốc hội.

Cũng theo danh sách này, ở vào thời điểm ứng cử, ông Hoàng Anh giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tuyên truyền và Tư pháp UBND Thừa Thiên (không phải chủ tịch như nhiều người viết. Người giữ chức Chủ tịch UBND Thừa Thiên lúc bấy giờ là ông Tôn Quang Phiệt).

Và trong danh sách này có một người đặc biệt ra ứng cử, là ông Nguyễn Tất Đạt, thầy thuốc Bắc, chính là cụ Nguyễn Sinh Khiêm (dân Quảng Điền gọi cụ là thầy Đồ Nghệ, hay còn gọi ông Cả Đạt), sau này nhiều người Huế mới biết đó anh ruột của Bác Hồ.

Trước ngày bầu cử diễn ra, ở Thừa Thiên lan truyền câu ca như khẩu hiệu rằng: “Chính trị - Hoàng Anh. Tu hành – Mật Thể. Y tế - Kinh Chi. Lúa mỳ - Trọng Truyến. Nước điện – Đăng Khoa”. Còn ở Thuận Hóa thì câu: “Dực – Phiệt!” (tức ông Trần Hữu Dực và Tôn Quang Phiệt).

Hơn một tháng sau ngày bầu cử, theo danh sách công bố của Ban Bầu cử Trung ương, kết quả, đơn vị Thừa Thiên có 5 người trúng cử đại biểu Quốc hội là các vị: ông Hoàng Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tuyên truyền và Tư pháp Thừa Thiên; Thượng tọa Thích Mật Thể, Trú trì chùa Phổ Quang, Hương Trà; bác sĩ Nguyễn Kinh Chi, Ủy trưởng Y tế Trung bộ; kỹ sư Đoàn Trọng Truyến, Ủy trưởng Kinh tế Trung bộ và kỹ sư Trần Đăng Khoa, Giám đốc Công chánh Trung bộ. Đơn vị thành phố Huế có 2 vị trúng cử: Ông Trần Hữu Dực, Chủ tịch UBND Trung bộ và ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch UBND Thừa Thiên.

Dương Phước Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế
Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế

Chiều 17/2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học (ĐH) Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo. Cùng tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Biến giá trị văn hóa thành nguồn lực phát triển
Biến giá trị văn hóa thành nguồn lực phát triển

Sáng 17/2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Quốc hội khóa XV do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực giáo dục (GD), đào tạo (ĐT), văn hóa (VH), du lịch (DL).