Thứ Hai, 21/11/2016 14:15

Nghiêng về một phía

Tôi nhớ cách H. sảng khoái khi nói “nghiêng về một phía”, biết người đàn ông làng biển này đã chọn cách đứng thẳng trong cuộc sống và trở thành trụ cột yêu thương của gia đình.

Yêu thương bằng cả tấm lòngMối tình son sắc“Vị ngọt” trong bữa cơm gia đình

H. nói như thế, khi đã mặn chuyện. Người đàn ông làng chài, vừa qua tuổi 40 trông rắn rỏi trong màu da đen bóng, khỏe mạnh. Nụ cười trông cũng hồn hậu, thoải mái. Chiều đó, H. ra phụ giúp bác thợ chính gia cố lại chiếc thuyền nhỏ kiếm cơm hàng đêm trên biển của mình và tôi vô tình lạc vào câu chuyện của họ, khi tha thẩn lại xem cách người ta sửa thuyền.

“Ngày mô em cũng đi biển, kiếm vài trăm đồng, đỡ vợ đỡ con – H. kể - Chị chưa biết ngày xưa em cực răng mô. Nhà cũng không có, lại thuộc diện di dời sau cơn lũ vỡ đập Hòa Duân, may mà thuộc diện định canh định cư nên được cấp cho miếng đất cắm dùi. Em cũng lang thang hoài chớ. Bạn bè đủ các kiểu. Có khi cũng la đà lắm. Tới chừng em nghĩ, chẳng lẽ cứ chấp nhận đời mình ri hoài? Rứa nên em quyết định phải khác”.

Việc đầu tiên của quyết định phải khác đó là lấy vợ. H. nói, hồi đó vợ em mập, đen nữa chớ không được như chừ mô, nhưng em nghĩ kệ, cứ quen rồi cưới để ổn định cái đã. Rồi hai vợ chồng lập nghiệp trên mảnh đất được chính quyền cấp. Một tay H. dựng nhà, dù không phải là thợ xây thợ nề chi cả, trong tay lại chỉ có chưa đầy 15 triệu đồng, may mà được mẹ vợ thương, cho vay 1 cây vàng. Em bán rồi cứ từ từ mà làm thôi. Rứa mà đâu cũng vào đó hết, kể cả khoản vay nóng để mua vàng trả lại mẹ vợ khi bà cũng cất nhà vào năm sau. Mà giá vàng lại lên phi mã mới nghiệt chớ...

Tôi hỏi H. số điện thoại vì muốn nhờ mua giúp một chiếc ghe nhỏ, cũ. H. nói, chị cứ xuống chỗ này, hỏi bà chủ quán phía trên đó là dễ tìm nhất. Em bỏ điện thoại từ lâu rồi. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, H. bảo, thực ra là em tránh các cuộc gọi từ bạn bè. Nhiều lắm. Bạn mời đi café chẳng lẽ từ chối hoài? Gọi nhậu vào cuối chiều cũng đâu tránh được mãi. Mà nhiều lý do lắm. Ví dụ vừa có đứa là Việt kiều về quê, nhà khác có tiệc thôi nôi, sinh nhật đứa con, mừng nhà mới hay có khi là có món mồi ngon… Mà đi là chắc chắn sẽ có tăng hai, buồn thì có thêm tăng ba nữa. Rứa là không đi biển được, lại phải tốn thêm tiền cho vợ con. “Em nghĩ rồi chị, tuổi ni là phải nghiêng về một phía. Hồi mới lấy vợ, em không nghĩ rứa mô. Con em 13 tuổi nhưng 4 năm đầu tiên, em chưa nghiêng về vợ con mô. Ban đầu lấy vợ để cột đời mình lại mà. Mãi rồi thương. Nhất là khi có con. Giờ vợ chồng em cũng thuận, cả hai cùng phụ nhau lo gia đình, con cái. Đi biển về thấy vợ con ríu rít, nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, mấy đứa nhỏ lễ phép là vui lắm chị. Đời em rứa là ngon hung rồi, thiệt!”.

Tôi nhớ cách H. sảng khoái khi nói “nghiêng về một phía”, biết người đàn ông làng biển này đã chọn cách đứng thẳng trong cuộc sống và trở thành trụ cột yêu thương của gia đình.

An Nguyễn

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.