Thứ Hai, 24/11/2014 05:26

Ngư dân lại khổ vì tàu giã cào

Sau sự cố môi trường biển, ngư dân các địa phương vùng bãi ngang vừa mới “lai tỉnh” khi bước vào vụ đánh bắt mới. Tuy nhiên, tàu giã cào (TGC) hoành hành trên các vùng biển gần bờ khiến hàng nghìn hộ dân đánh bắt trong vùng nước lộng điêu đứng...

Tàu giã cào hoành hành, dùng lưới càn quét trên vùng biển bãi ngang

Dùng cả thuốc nổ

Xã Phú Diên (Phú Vang), có 3 thôn Mỹ Khánh, Phương Diên, Diên Lộc với hơn 400 phương tiện ghe thuyền chuyên hoạt động ngư nghiệp của khoảng 1.000 hộ dân, giải quyết lao động thường xuyên cho gần 2.200 lao động trên biển. Thế nhưng, ngay từ những ngày bước vào khai thác vụ cá, ngư dân đã “nếm mùi” của TGC khi có hàng chục tay lưới, hàng tấn hải sản bị “cào rách”, thất thoát ra biển.

Ông Nguyễn Tự, một ngư dân ở thôn Diên Lộc bức xúc: “Đầu vụ bà con đầu tư phao trà, lưới cụ để đánh bắt vì đây là thời điểm bước vào vụ đánh cá chính. TGC hoạt động ban ngày cách bờ chừng 1-2 hải lý; từ chiều tối đến 22 giờ đêm thì vào cách bờ chừng 200-300m, đèn đuốc sáng trưng. Nơi đâu TGC đi qua thì lưới, trộ ngư dân bị xé toạc, cá thất thoát hết”.

Thôn Diên Lộc có khoảng 200 hộ dân, trong đó 70% theo nghề biển. Từ ngày TGC hoành hành đến nay, bình quân mỗi hộ thiệt hại cũng vài chục triệu đồng. Cá biệt, giữa tháng 5/2017, có 30 hộ dân bị TGC “cào” mất hết phao trà lưới màn, lưới mó, thiệt hại 50 triệu đồng; chưa kể số hải sản bị thất thoát.

Ông Hồ Đông, Trưởng thôn Diên Lộc cho biết, hàng năm, TGC phá nát của ngư dân gần cả tỷ đồng tiền lưới và từ 50-70 tấn cá các loại. Khi TGC hoạt động nếu thấy ít cá thì chiếu đèn công suất lớn hoặc dùng thuốc nổ đánh trên biển.

Ông Nguyễn Thanh Phát, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Vinh Thanh cho biết, gần như ngày nào cũng có TGC hoạt động cách bờ chừng 2-3 hải lý, có khi vào sát trong vùng gần bờ. Khi ngư dân đặt lưới trộ đều có đánh dấu trên biển, chỉ cần TGC quét qua là ngư lưới cụ bị cuốn sạch. “Gần như hàng tháng ngư dân đều báo cho chúng tôi có thiệt hại tài sản trên biển do tàu này. Trong nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, ngư dân đều kiến nghị các ngành chức năng can thiệp”, ông Phát khẳng định.

Tại huyện Phú Lộc, vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã xử lý 1 TGC nội tỉnh khi hoạt động đánh bắt trái phép ven bờ và đã xử lý vi phạm hành chính tàu này.

 Tàu giã cào ngoại tỉnh hoạt động trên vùng biển Phú Vang

Nhiều bất cập trong kiểm tra, xử lý 

Theo nhiều ngư dân ở vùng biển bãi ngang Phú Vang, Phú Lộc, do một số tư thương trên địa bàn tỉnh tham gia thu mua thủy sản, cung cấp nhu yếu phẩm cho TGC nên thường “cảnh giới” cơ quan chức năng khi họ ra quân xử lý loại phương tiện này.

Ông Phạm Tăng Đoàn, Chủ tịch UBND xã Phú Diên khẳng định, TGC công suất từ 400-500CV, hoạt động trên vùng biển gần bờ ở địa phương, rõ ràng sai quy định trong giấy phép khai thác thủy sản. “Vấn đề này bà con ngư dân kiến nghị nhiều lần. Địa phương cũng chia sẻ với người dân chứ không thể xử lý triệt để được vì thiếu con người, thiếu phương tiện cũng như chế tài”, ông Đoàn nói.

Ông Đoàn cho biết thêm, các đối tượng hành nghề TGC hoạt động tinh vi, sử dụng lưới có chì nhấn chìm dưới đáy biển. Có khi luồng ít cá còn sử dụng cả thuốc nổ, không chỉ gây tổn hại tài sản ngư lưới cụ, hải sản đánh bắt của ngư dân mà con hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển. “Một số TGC đánh bắt xong, vào đậu ở các cảng ở Phú Vang, Phú Lộc, tại sao cơ quan chức năng như lực lượng kiểm ngư, các đồn biên phòng không xử lý được? Chỉ cần họ nắm số hiệu, khi tàu chạy vào cảng thì xử lý được ngay”, ông Đoàn đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Hải Thụy, Phó Trưởng phòng Thanh tra- Pháp chế Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, các TGC ngọai tỉnh như Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… đều có công suất lớn từ 500-900CV. Khó khăn nhất hiện nay trong việc xử lý các TGC hoạt động trái phép ven bờ là thiếu bằng chứng, cơ sở pháp lý khi tàu không ở trong bờ mà hoạt động trên biển. “Khi mình đưa tàu ra thì họ đã thu lưới giã cào lại hoặc cắt lưới bỏ chạy mất nên khó có cơ sở để đấu tranh với các đối tượng vi phạm. Mỗi lần tuần tra thì vùng biển “lặng sóng” vì nhiều tư thương thu mua hải sản, móc nối làm cảnh giới cho loại tàu này hoạt động trái phép”, ông Thụy khẳng định.

Ông Thụy cũng cho rằng, chế tài xử phạt hiện nay đối với loại TGC dù “tột khung” cũng chỉ 24 triệu đồng/tàu, không đủ sức răng đe bởi hoạt động giã cào lợi nhuận cao. Phương tiện, con người của lực lượng tranh tra pháp chế của chi cục cũng hạn chế. “Mỗi năm thường có kế hoạch tuần tra khoảng 8 đợt, nhưng kinh phí bố trí chỉ 3 đợt (mỗi đợt tuần tra tốn khoảng 2.500 lít dầu). Toàn phòng pháp chế có 3 công chức thanh tra mà phụ trách cả trên mặt biển, đầm phá và vật tư nuôi trồng thủy sản thì chúng tôi khó mà quán xuyến hết được”, ông Thụy nói.  

Đại tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh khẳng định, những ngày qua, chúng tôi đã chỉ đạo cho các đồn biên phòng nói chung và đặc biệt là Đồn Biên phòng Vinh Xuân nói riêng nắm thông tin, tổng hợp tình hình về các TGC ngoại tỉnh đang hoạt động và sẵn sàng điều động lực lượng và phương tiện của các đồn, phối hợp cùng lực lượng kiểm ngư tiến hành hành tuần tra, xử lý các TGC này. “Chủ yếu là lực lượng kiểm ngư, chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp và giải quyết các vụ việc trong quá trình tuần tra kiểm soát ở trên biển mà thôi”, Đại tá Nguyễn Văn Hiền nói.

Xã gửi văn bản “cầu cứu” tỉnh

Trước tình trạng TGC hoạt động ngày một rầm rộ, phá hoại ngư lưới cụ, môi trường biển, UBND xã Phú Diên đã gửi văn bản “cầu cứu” UBND tỉnh, thường trực HĐND tỉnh và lực lượng BĐBP, UBND huyện Phú Vang, yêu cầu tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát và có chế tài mạnh xử lý các TGC ngoại tỉnh hoạt động trái phép.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phái yếu ra khơi
Phái yếu ra khơi

Dong thuyền ra biển giờ đây không còn dành riêng cho đàn ông. Với nhiều gia đình ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), điều khiển thuyền đi đánh bắt xa bờ (ĐBXB) đã trở thành nghề chính của phụ nữ.

Tìm thấy thi thể ngư dân mất tích trên biển
Tìm thấy thi thể ngư dân mất tích trên biển

Trưa 25/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, Đồn Biên phòng Phong Hải phối hợp với gia đình nạn nhân vừa tìm thấy thi thể ngư dân Nguyễn Văn Siêu trôi dạt vào bờ biển xóm Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền.

Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.