Cựu chiến binh Đoàn Văn Mảng kể cho cháu nghe những ký ức hào hùng của một thời khói lửa
Trận địa giả, chiến công thật
Cựu chiến binh Đoàn Văn Mảng (hiện đang sinh sống tại phường Phú Bài – TX. Hương Thủy) nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Trọng pháo cơ giới 45, Đại đoàn Pháo binh 351 - người được đơn vị phân công trực tiếp tham gia “trận địa giả” trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy.
Sinh ra và lớn lên ở xã Phú Thượng (Phú Vang), năm 1950, khi vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai Đoàn Văn Mảng lên đường nhập ngũ. Từ tháng 8/1951 đến tháng 12/1952, ông cùng đơn vị được cử sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chỉnh huấn quân sự, chuyên về pháo 105 nhằm chuẩn bị cho những chiến dịch lớn sau này.
Đầu năm 1954, đơn vị của ông được lệnh di chuyển bí mật về nơi tập kết của trung đoàn. Lúc đó, ông cùng đồng đội ngày đêm ra sức luyện tập, chỉ mong tới ngày được đứng sau họng pháo, hướng hỏa lực về phía quân thù. Ông không bao giờ nghĩ đến sẽ trở thành một trong những người được cấp trên tin tưởng giao phó nhiệm vụ thu hút hỏa lực của địch bằng “trận địa giả”. “Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi không hề lo lắng, ngược lại, ai cũng xem đó là vinh dự. Vinh dự với đất nước, với độc lập dân tộc”, ông Mảng tự hào.
Trong suốt 56 ngày đêm oanh liệt ấy, trước việc địch cho máy bay trinh sát suốt ngày quần thảo, chỉ điểm cho pháo binh oanh tạc vào những địa điểm nghi ngờ, “trận địa giả” được bộ đội ta dựng lên, bài bố bằng những khúc gỗ đem thui cho đen, sau đó ghếch nòng lấp ló khỏi miệng hầm ngụy trang thành pháo. Khi phía trận địa thật khai hỏa, các chiến sĩ đảm nhận nghi binh sẽ ném bộc phá từ công sự lên trời để đánh lừa địa điểm đặt pháo của bộ đội ta.
Về “trận địa giả”, những người tham gia chỉ biết được nhiệm vụ trước khi chiến dịch diễn ra một ngày. Mọi công việc chuẩn bị như hầm trú ẩn, bộc phá, trạm thông tin... phục vụ cho “trận địa giả” đã được sắp xếp bí mật trước đó.
“Cùng với những “trận địa giả” của đồng đội, tôi cùng 2 chiến sĩ được bố trí trong một căn hầm, cứ nghe pháo của ta nổ 1 phát thì anh em chúng tôi lại tung 3 quả bộc phá. Nếu pháo ta nổ liên tiếp một loạt thì chúng tôi phải tung bộc phá tương ứng để nghi binh. Chiến thuật này khiến quân Pháp mắc bẫy nên chúng cấp tập phản pháo vào trận địa giả, có những ngày lên đến hàng trăm quả. Có lần, sau 3 đợt phản pháo liên tục, hầm chúng tôi sập, 3 anh em phải dùng tay cào bới đống đổ nát để chui ra. Gian khổ là vậy nhưng chẳng ai nao núng, ngược lại, càng bùng lên ngọn lửa quyết tâm, luôn trong tâm thế sẵn sàng hy sinh để tiêu hao khí tài, thu hút hỏa lực của địch, cũng như bảo vệ những trọng pháo quý giá mà quân và dân Việt Nam phải đánh đổi bằng sinh mạng mới kéo lên được trận địa thật”, ông Mảng nhớ lại.
Ngay sau chiến thắng đồi Him Lam, với những đóng góp của mình, ông cùng một chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 2 vinh dự được trao tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba. Cho đến bây giờ, đó là kỷ vật thiêng liêng mà ông luôn trân trọng và tự hào.
Đau thương & tự hào
Hơn 65 năm đã trôi qua kể từ ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, người lính của “trận địa giả” năm xưa giờ đã ở vào độ tuổi “gần đất xa trời” nhưng ký ức về một thời oanh liệt vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Xen lẫn niềm hân hoan, vui mừng của chiến thắng là cảm giác ngậm ngùi, xúc động khi nghĩ về những người đồng đội kề vai sát cánh trên chiến trường đã ngã xuống vì non sông đất nước, vì độc lập, tự do của dân tộc. Những ngày ở “trận địa giả”, có một việc ông không hề muốn là phải chôn cất những đồng đội của mình...
“Hồi ở đơn vị, tôi chơi rất thân với một đồng chí tên Trụ, chỉ nhớ là anh ấy quê ở ngoài Bắc. Là chiến sĩ thông tin ở trận địa thật, bên cạnh trao đổi công việc theo nhiệm vụ được phân công, khi chiến trường tạm im tiếng súng, tôi và người đồng đội thân thiết vẫn thường liên lạc, chia sẻ và động viên nhau.
Rồi một ngày, sau khi hứng chịu mấy đợt phản pháo của quân Pháp, tôi không thể liên lạc với anh Trụ. Mấy ngày sau mới biết, trong lần thu hút hỏa lực của địch, một đợt phản pháo đã phá hư đường dây liên lạc. Quyết phải để thông tin chiến trường thông suốt, dưới làn mưa bom bão đạn, anh Trụ liều mình lao lên sửa chữa thì dính loạt phản pháo tiếp theo của quân thù nên anh đã anh dũng hy sinh”, ông Mảng nghẹn ngào.
Với những cựu chiến binh như ông Mảng, ký ức về chiến tranh thường là những câu chuyện chưa bao giờ dứt mỗi khi gặp lại đồng đội cũ. Dù mới khỏe lại sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, nhưng trong những ngày này, ông vẫn muốn đến thăm những người đã cùng mình vào sinh ra tử, mà với ông, đơn giản chỉ để ôn lại những kỷ niệm năm xưa trên chiến trường.
Là ông nghĩ vậy, mong muốn vậy. Với người viết, đó là cuộc gặp của những quá khứ hào hùng, của những nhân chứng sống lịch sử và của thế hệ đã làm vẻ vang trang sử của dân tộc.
Bài, ảnh: Võ Nhân