Thứ Tư, 13/05/2020 08:56

Một thuở giếng khơi

Đắn đo, suy tính mãi, cha mẹ tôi quyết định dựng lại gian bếp và khu công trình phụ tắm giặt, vệ sinh.

Ký ức giếng làng

Đắn đo, suy tính mãi, cha mẹ tôi quyết định dựng lại gian bếp và khu công trình phụ tắm giặt, vệ sinh. Muốn quy hoạch cho gọn ghẽ, dự tính phải bịt miệng giếng khơi lại. Giọng mẹ nghe chiều trăn trở, rằng nhiều năm nay nông thôn mới phát triển, người làng đua nhau ly hương, tích cóp được bao nhiêu về cất nhà cửa khang trang. Nhưng mạnh ai nấy làm, vô tình làm nguồn nước ô nhiễm hết cả. Giếng khơi xưa trong mát là thế, nay đâu còn dám dùng ăn uống gì, chỉ để tắm giặt, tưới cây thôi. Tôi chợt thấy lòng trống trải, như kiểu sắp mất mát một điều gì thật thiêng liêng, thương quý.

Cách đây mươi lăm, hầu như nhà nào cũng có một cái. Đến nhà ai mà không có giếng, là thấy bất thường, lạ lẫm lắm. Nhớ chiếc gàu cao su khum tròn có miếng gỗ “làm cầu” để buộc dây thừng vào múc nước. Thỉnh thoảng gàu bị tuột dây rơi xuống giếng, cha kiếm cái thang dài, luồn chiếc đòn gánh hay đoạn cây tre qua bậc thang trên cùng rồi đặt ngang miệng giếng, rồi cẩn thận lần từng bậc một di chuyển xuống sâu. Có khi giếng sâu, chiếc thang không đủ dài, cha phải thiết kế thêm một cái gậy có cột đầu móc, lựa mãi mới móc gàu lên được.

Múc nước ở độ sâu hàng chục mét, tôi chỉ kéo được mấy gàu là đã thở dốc, hai bàn tay đỏ rát. Nước giếng khơi trong và mát lịm những ngày hè. Đi học, đi chăn trâu, đi làm cỏ lúa, bụm tay vục nước lên mặt, mệt nhọc như vơi đi mấy phần. Sáng mùa đông rét buốt, kéo gàu nước từ giếng lên, thấy làn hơi như khói mỏng bảng lảng bay, chạm tay vào thấy ấm. Nước ở giếng khơi kỳ diệu như vậy.

Có giếng khơi là sẽ có giàn rau trái phủ xanh quanh năm. Mùa nào thức ấy, mẹ ươm đủ loại dây leo, nào bầu, bí, mướp, su su, đậu ván... Dưới giàn cây xanh mướt, nhịp sống thường ngày bên thềm giếng cũng thung dung, nhẹ nhõm hơn. Chẳng biết gì về mạch, nguồn nước, nhưng tôi cảm nhận, dường như mỗi chiếc giếng đều có thân phận riêng. Có giếng nước trong và ngọt, hãm chè xanh rất thơm và đẹp nước, nấu cơm thì đậm vị. Nhưng có giếng nước lại lờ lợ, khó lòng mà ăn uống.

Làng quê trở mình thay da đổi thịt từng ngày, người ta có điều kiện sắm sanh nhiều tiện nghi phục vụ đời sống, thu vén mọi thứ sao cho thật gọn ghẽ, sạch đẹp. Nhưng hệ lụy là mạch nước ngầm của hàng trăm, hàng ngàn chiếc giếng khơi làng quê đã dần trở nên vấy bẩn. Vì sợ ô nhiễm và bệnh tật, nên nhà thì lấp, nhà thì bịt miệng để cải tổ không gian sống giống nhà tôi, chẳng mấy ai còn dám ăn uống bằng nước giếng nữa. Bây giờ tới nhà ai cũng thấy bể chứa nước mưa, nhiều nhà bể to thì trữ dùng ăn uống được cả năm. Người ta làm vậy vì niềm tin cảm tính, nước mưa của trời là sạch. Cùng với đó, nước máy sạch đã về tận làng, đường ống bắt đến từng nhà, khiến những chiếc giếng khơi cứ ngày một hao hụt dần.

Nghĩ về giếng khơi cho nguồn nước ngọt lành qua năm tháng, một ngày nào đó rồi sẽ chỉ còn trong hoài niệm, lòng dâng nỗi bâng khuâng nhớ tiếc. Có lẽ, những chiếc giếng đã hoàn thành sứ mệnh thời đại của nó, nhưng liệu rằng khi buộc phải trôi vào ký ức, giếng có biết buồn?

MAI ĐÌNH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nệm rơm nồng nàn
Nệm rơm nồng nàn

Ngày mùa đông lạnh giá, đáng sợ nhất là cái rét buốt tê cóng kèm theo mưa phùn. Sáng sớm hé cửa trông ra thấy trời bàng bạc màu sương, con gái tôi năn nỉ xin mẹ được nghỉ học một buổi. Nghe con nói, tôi bất giác bật cười. Ngày xưa, mình cũng… lười y thế. Cũng tìm đủ lý do để được ở nhà vào ngày mưa lạnh, nằm lì trên chiếc nệm rơm nồng nàn hơi ấm.

Ký ức của người trở về
Ký ức của người trở về

Trong dòng ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt, những tháng ngày cầm súng nơi chiến trường thì có lẽ Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 là khoảng thời gian người cựu binh, Đại tá Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1943, tại Bố Trạch, Quảng Bình) không thể nào quên. Bởi ông đã cùng đồng đội can trường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và may mắn trở về...

Ký ức đồng chiêm
Ký ức đồng chiêm

Lễ hội đua ghe thực sự chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong đời sống tinh thần và cả đời sống tâm linh của cư dân đầm phá...

Ký ức trò chơi dân gian
Ký ức trò chơi dân gian

Nghe tin Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đưa trò chơi dân gian vào các tiết sinh hoạt, ngoại khóa ở các trường học và khuyến khích các trường đưa một số trò chơi dân gian thành môn thi đấu trong các cuộc thi thể thao, tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ.

Ao làng
Ao làng

Khu dân cư của làng nằm giữa con sông nhỏ, dân làng quen gọi là Hói, ranh giới tự nhiên của hai làng - La Chử và Phụ Ổ và cánh đồng.