Thứ Năm, 14/05/2020 06:34

Người nông dân tâm huyết với ruộng

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chi hội phó Chi hội Nông dân thôn Thanh Lam Bồ, xã Phú Gia (Phú Vang) là tấm gương vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chịu thương chịu khó để “sống chết” với ruộng, vững vàng đi lên từ ruộng.

Cùng nông dân ra đồng sau lũĐường dây nóng hỗ trợ ứng cứu trong phòng, chống mưa lũ“Chỗ đứng” cho sản phẩm làng nghề - Kỳ II: Xây dựng chuỗi liên kết gắn với du lịch làng nghề

Ông Toàn tận dụng rơm rạ để sản xuất nấm rơm, tăng thu nhập

“Vợ con ông Toàn đang làm chủ lò mì ở tỉnh Gia Lai. Chạy lui chạy tới giữa nhà và Gia Lai để phụ vợ, nhưng ông Toàn vẫn nhất quyết bám quê, một mình “ôm” 10 mẫu ruộng (5ha). Làm ruộng vất vả, cực nhọc lắm, lời lãi không bằng kinh doanh, gặp khi thiên tai là mất trắng, nhưng ông Toàn vẫn một lòng với ruộng, với lúa. Ông Toàn còn tỉ tê vận động bà con, nên rất nhiều nông dân nghe theo, ở lại với ruộng”. Lời kể của những nông dân Thanh Lam Bồ toát lên sự khâm phục đối với Chi hội phó Chi hội Nông dân thôn.

Ông Toàn cười mộc mạc khi nói rằng, là nông dân, ruộng chính là một phần “máu thịt” của cuộc sống. Dù làm ruộng rất vất vả, nhưng những hạt gạo trong mỗi bữa ăn hàng ngày đều từ ruộng. Cũng nhờ ruộng, vợ chồng ông Toàn đã nuôi các con ăn học, trưởng thành, dành dụm được vốn liếng để phát triển kinh doanh.

“Gia đình tôi chỉ có 3 mẫu ruộng. Vợ chồng tôi thuê thêm 7 mẫu. Chịu thương chịu khó cấy cày, chăm bón, nếu không gặp thiên tai bất trắc thì 2 vụ lúa cũng mang về tầm 50 triệu đồng lãi. Tận dụng rơm rạ để sản xuất nấm rơm, mỗi tháng kiếm thêm tầm 5 triệu đồng”. Ông Toàn kể, dành dụm, gom góp bao năm từ ruộng, từ lúa, vợ chồng ông mới sửa sang ngôi nhà hết 350 triệu đồng. Đồng thời, cách đây 5 năm, vợ chồng ông Toàn quyết định đầu tư vật dụng, máy móc các loại tổng chi phí 300 triệu đồng, làm lò mì. Người vợ và con trai phụ trách việc kinh doanh mì tại tỉnh Gia Lai, ông Toàn thường xuyên vào Gia Lai để phụ vợ con. Việc kinh doanh phát triển, nên trừ mọi chi phí và sinh hoạt, mỗi năm dư ra được tầm 150 triệu đồng.

Bằng phép tính đơn giản cũng thấy được tiền lãi thu được từ kinh doanh gấp nhiều lần làm ruộng. Thế nhưng ông Toàn biết ơn và cũng dành tình yêu với ruộng, với lúa, với quê hương, bởi đó là nghĩa tình bền chặt nhất. Ông Toàn nói, những cơn mưa lớn kéo dài trong vụ đông xuân năm vừa rồi, gây ngập nặng, lúa trên địa bàn gần như mất trắng. Giá phân bón lại tăng cao. Nông dân nhiều nơi trong huyện bỏ ruộng. “Trước tình hình thiên tai, mất mùa, trên địa bàn thôn Thanh Lam Bồ nói riêng, xã Phú Gia nói chung, những người cho thuê ruộng không lấy tiền thuê. Chúng tôi động viên bà con, ruộng đất gắn bó bao đời nay, là một phần cuộc sống của người nông dân, của làng quê mình, đừng vì khó khăn trước mắt mà bỏ ruộng”. Tình cảm, tinh thần của những người có tâm huyết với ruộng như ông Toàn đã lan tỏa đến người dân trong thôn, trong xã. Vậy nên, dù gần như mất trắng vụ đông xuân do thiên tai, đến vụ hè thu, người dân Thanh Lam Bồ vẫn gieo cấy trên 95% diện tích. “Kết quả như mong đợi, vụ hè thu vừa mới thu hoạch xong, được mùa, nên bà con vui và tin tưởng vào chính mình, tin tưởng vào sự đồng lòng” - ông Toàn chia sẻ. 

Tinh thần đoàn kết, đồng lòng ấy cũng đã được kết nối, duy trì và phát huy bao năm qua, kể từ khi mọi người cùng chung tay, chung sức, khắc phục khó khăn, để sản xuất hiệu quả trên diện tích gần 20 mẫu đất ở bàu Nếp. Địa thế thấp trũng, chỉ cần mưa nhỏ, nước cũng đổ về bàu, gây ngập. Bùn ở bàu Nếp luôn trong tình trạng lỏng, nên trước đây việc sản xuất thường thất bại. Sau khi các hộ nông dân cùng chung sức đóng góp đầu tư trạm bơm di động, thống nhất về việc quản lý, sử dụng, bảo quản trạm bơm và chi trả tiền điện, việc sản xuất trên diện tích ruộng bàu Nếp vụ nào cũng đạt hiệu quả cao.

Ông Toàn trải lòng, qua bao khó khăn, thử thách ông và rất nhiều nông dân trên địa bàn càng gắn bó, càng dành tình yêu sâu nặng với ruộng, với lúa. Từ ruộng, từ lúa, vợ chồng ông không chỉ sửa nhà cửa khang trang, phát triển kinh doanh, mà nuôi các con ăn học đàng hoàng. Vừa rồi, vợ chồng ông đầu tư hơn 250 triệu đồng, để con gái xuất khẩu sang Nhật lao động, với mức thu nhập tầm 30- 40 triệu đồng/tháng. Trong những thành quả từ lao động, từ tâm huyết với ruộng, ông Toàn vui mừng vì đã đóng góp một phần trong việc lan tỏa, vận động bà con trên địa bàn “giữ chắc” ruộng, để gieo trồng, gặt hái những vụ mùa bội thu. Nhiều năm liền ông Nguyễn Văn Toàn được Chủ tịch UBND xã tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân; thành tích trong cuộc vận động “nông dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người thầy tâm huyết với khuyến học
Người thầy tâm huyết với khuyến học

“Phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn xã ngày càng phát triển có một phần đóng góp rất quan trọng của thầy giáo Trần Đình Thiện, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Thuận”. Đó là nhận xét đầy trân trọng của ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang).

Người thương binh tâm huyết với công tác xã hội
Người thương binh tâm huyết với công tác xã hội

Trở về sau chiến tranh với những thương tật trên cơ thể, thương binh Dương Thắng (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) vượt qua mọi khó khăn, tích cực cống hiến cho công tác xã hội ở địa phương.

Tâm huyết với công việc
Tâm huyết với công việc

Bằng nhiều nỗ lực, tâm huyết thực hiện tốt nhiệm vụ, Đại úy Đỗ Tiến Thành Đạt, trợ lý quân nhu Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh nhiều năm liền được UBND tỉnh, Tổng cục Hậu cần tặng Bằng khen.

Đam mê và tâm huyết
Đam mê và tâm huyết

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, những phóng viên, chiến sĩ, người lính làm công tác tuyên truyền có những chia sẻ về nghề, niềm đam mê, tâm huyết của những người làm báo.