Chủ Nhật, 25/05/2008 16:26

Người tìm “lửa” cho sân khấu ca kịch Huế

Nghệ thuật là một khái niệm mà ở đó luôn có những điểm nhấn trầm, bổng dẫn đến sự thành công của người nghệ sĩ. Nhưng đôi lúc, đó cũng là sự đa đoan khi “trót mang nghiệp diễn vào thân”. Tuy vậy, suy cho cùng mỗi một con người khi đã dấn thân vào nghệ thuật thì ánh đèn sân khấu cũng là lẽ sống của cuộc đời với đầy đủ những khắc khoải, hạnh phúc, đau buồn...

NSƯT Ngọc Bình

Không nằm ngoài qui luật đó, Đạo diễn - NSƯT Ngọc Bình - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, một trong số ít các nghệ sĩ Việt Nam thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trên sàn diễn sân khấu chuyên nghiệp, người cũng đã không ít lần hóa thân vào nhân vật để bóc tách cuộc đời mình với khán giả.

Ngọc Bình tâm sự, anh không quan tâm mình có phải là người đàn ông nổi tiếng trên mảnh đất cố đố Huế hay không, anh chỉ biết, mình đã hơn nửa đời người miệt mài đi tìm “lửa” để thổi hồn cho từng tuyến nhân vật của sân khấu Ca kịch Huế, loại hình nghệ thuật mà nhiều thế hệ trong gia đình anh đã trót đam mê.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, người dẫn dắt anh nối nghiệp không ai khác chính là mẹ anh, nghệ sĩ Kim Oanh và bố anh NSƯT Nguyễn Ngọc Yến. Đây là hai gương mặt nổi tiếng một thời ở Đoàn nghệ thuật Bình Trị Thiên cũ, có lẽ vì vậy mà cuộc đời đã dành sẵn cho anh một chỗ đứng dưới ánh đèn sân khấu như một định mệnh. Đến hôm nay, người đàn ông vừa đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” đã kịp dàn dựng, thổi hồn cho hơn 100 tác phẩm tham gia các hội diễn sân khấu toàn quốc.
Năm 1972, mới 14 tuổi Ngọc Bình được tuyển vào Đoàn nghệ thuật Trị Thiên Trung ương, dù chưa được đào tạo qua một trường chính quy nào nhưng với lối giảng dạy nghệ thuật truyền khẩu của cha mẹ và những nghệ sĩ cùng đoàn, cộng với năng khiếu bẩm sinh và sự chịu khó Ngọc Bình đã tiến bộ nhanh chóng. Năm 1973, anh chính thức có vai diễn đầu tiên (Châu Tuấn trong vở “Thoại Khanh Châu Tuấn”) và đã để lại ấn tượng tốt đẹp với khán giả nhờ vào tài năng diễn xuất giàu tính sáng tạo, tự tin và giọng hát trầm ấm.
Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất anh theo bố mẹ trở về Huế. Như một sự thử thách, năm 1978 anh mang ba lô lên đường làm nhiệm vụ của người trai trẻ, hai năm đi bộ đội khiến anh nhớ ánh đèn sân khấu da diết. Anh tâm sự, thời gian hai năm đã cho anh hiểu ra một điều, anh và sân khấu khó có thể tách làm hai được...
Năm 1989 sau khi ba tỉnh Bình Trị Thiên tách riêng, anh được lãnh đạo điều trở về lại Đoàn Nghệ thuật ca kịch Huế với cương vị Phó đoàn - phụ trách chuyên môn. Nhưng có lẽ để khẳng định vị trí của một đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp chắc tay, Ngọc Bình đã theo học và tốt nghiệp Khoa đạo diễn Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 1995. Sau khi tốt nghiệp, anh được đề bạt làm trưởng đoàn và sau này, khi đoàn nghệ thuật Ca kịch Huế được nâng cấp thành nhà hát, anh được cử làm giám đốc, tất cả như một qui luật “có hậu” trong vòng xoay của tạo hóa.


Hình tượng Bác Hồ do NSƯT Ngọc Bình thể hiện trong vở “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ”

Làm diễn viên rồi làm đạo diễn, nhưng thật sự Ngọc Bình đã bắt đầu dàn dựng các vở diễn từ năm 1984 khi vẫn còn là diễn viên, và vở diễn đầu tay được anh dàn dựng có tên “Ngọn lửa tình yêu”. Anh nói, những ngày làm diễn viên đã cho anh nhiều vốn sống, chính vốn sống này đã được anh gắn cho từng nhân vật của các tác phẩm do anh làm đạo diễn.
Viết về Ngọc Bình là viết về những thành công của các vai diễn như: vai Đê - mi - lốp trong vở “Mảnh đất đời người”, Châu Tuấn trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. Hay hai nhân vật đã đem đến cho anh hai huy chương vàng trong các kỳ tham gia hội diễn như: Vai T.Lừng trong vở “Người đẹp suối tiên” và vai Đức trong vở “Lời trăn trối’. Thân phận mỗi nhân vật đều có một số phận khác nhau, nhưng cái “tôi” của nhân vật thì không lẫn vào đâu được. Đặc biệt, năm 2000, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngọc Bình thể hiện hình tượng Bác Hồ trong vở diễn “Ca múa nhạc sử thi” đã để lại ấn tượng sâu sắc trong khán giả nhiều vùng miền từ Cà Mau, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nghệ An... Chính sự thể hiện xuất sắc này thêm một lần nữa tái hiện trong vở “Hương sen đất Việt”, và NSƯT Ngọc Bình đã vinh dự được trao giải B - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô Huế lần thứ 3 (năm 2004).
Làm diễn viên hay làm đạo diễn, ở vị trí nào Ngọc Bình cũng cho người xem thấy được cái đẹp của nghệ thuật được xây dựng lên từ những ý tưởng sân khấu mang đầy “chất lửa” của nhân vật. Niềm hạnh phúc đã đi kèm với anh trong những vở diễn do chính anh làm đạo diễn như: vở “Hàn Mạc Tử” đạt huy chương vàng trong Liên hoan Sân khấu toàn quốc năm 1996; vở “Điều không thể mất” đạt huy chương vàng trong Liên hoan Sân khấu Bắc miền Trung năm 2001; vở “Vú cát” đạt giải B trong liên hoan sân khấu miền Trung và Tây Nguyên năm 2004; vở “Bác Hồ - Hồi ức màu đỏ” đạt giải đặc biệt xuất sắc do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch trao tặng, được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng giải đặc biệt trong Liên hoan Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc tại Đà Nẵng năm 2009. Ngoài ra, hình tượng Bác Hồ trong vở diễn do anh thể hiện cũng đã mang về cho anh tấm huy chương vàng danh giá.
 
Đã 38 năm làm nghệ thuật, đến hôm nay Đạo diễn - NSƯT Ngọc Bình đã thổi vào nghệ thuật Ca kịch Huế một sắc thái mới mang đầy đủ âm hưởng của thời đại. Anh nói, tôi muốn phát triển văn hóa truyền thống tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chứ tôi không dựa vào tiên tiến để lai căng, bóp méo... hay không dựa vào “đậm đà” để làm cho nó quá “đậm đặc” dẫn đến sự thủ cựu...
 
Bình Nhi
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.