Thứ Hai, 17/10/2016 09:36

Nhà thờ Đức Bà Paris từng không ít lần “sống lại” từ đống đổ nát

Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhà thờ Đức Bà Paris vẫn đứng vững và nhiều người hy vọng sau trận hỏa hoạn ngày 15/4, nhà thờ này sẽ lại “hồi sinh”.

Công cuộc tái xây dựng nhà thờ Đức Bà sẽ hoàn thành vào năm 2024Thế giới chung tay xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris6 câu hỏi đặt ra sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ParisVụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Quốc tế bày tỏ nỗi buồn và sự đoàn kết

Nhà thờ Đức Bà Paris đã có hơn 850 tuổi, đứng vững qua nhiều cuộc chiến tranh, xung đột tôn giáo và nhiều thập kỷ bị lãng quên, trở thành di tích lịch sử và địa điểm thu hút khách du lịch ở thủ đô Paris của Pháp trước khi bị hư hỏng nghiêm trọng trong một vụ hỏa hoạn hôm 15/4.

Bức ảnh chụp Nhà thờ Đức Bà Paris hồi năm 2016. Ảnh: Reuters

Lịch sử lâu đời

Nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng dưới thời vua Louis VII trên một hòn đảo nằm bên bờ sông Seine gần trung tâm lịch sử của Paris. Vào năm 1160, Giám mục Maurice de Sully đã đề xuất xây dựng một nhà thờ để tôn kính Đức Mẹ. Sau đó 3 năm, viên đá đầu tiên đánh dấu việc xây dựng nhà thờ Đức Bà Paris đã được đặt trước sự chứng kiến của Giáo hoàng Alexander III.

Bàn thờ chính của nhà thờ được thánh hiến vào năm 1182 nhưng phải đến năm 1345 nhà thờ Đức Bà Paris mới được chính thức hoàn thành.

Nhà thờ được trang trí với nhiều bức phù điêu mô tả các câu chuyện trong Kinh thánh, các bức tượng của hai vị thánh Kitô giáo, máng xối nước đặc trưng của kiến trúc Gothic, tượng quái vật… Một số bức tượng đã bị hư hại vào thế kỷ 16 trong thời kỳ xung đột tôn giáo ở Pháp.

Nhà thờ Đức Bà đã trải qua nhiều đợt cải tạo, nâng cấp trong thế kỷ 18 dưới triều đại của Vua Louis XIV và Louis XV, thay thế những cửa sổ kính màu ban đầu, sắp xếp lại vị trí các thánh đường và loại bỏ một số kết cấu tháp hình chóp.

“Nạn nhân” của xung đột tôn giáo

Cuối thế kỷ 18, trong thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Pháp (1789), Nhà thờ Đức Bà Paris đã bị phá huỷ nặng nề. Dưới sự phẫn nộ của dân chúng với tầng lớp quý tộc và giáo hội, Nhà thờ Đức Bà Paris đã bị tàn phá. 28 bức tượng trong Phòng trưng bày các vị Vua của nhà thờ bị phá hủy trong khi nhà thờ bị lục soát. Bức tượng Đức Mẹ Maria đã bị thay thế bằng tượng Nữ thần tự do.

Các tác phẩm điêu khắc lịch sử trang trí cho các ô cửa, các bức tượng đồng và mái nhà... cũng bị hủy hoại. Thậm chí, những chiếc chuông đồng nặng hàng chục tấn cũng bị mang xuống nấu chảy để làm pháo, phục vụ cho cuộc cách mạng.

Sau một thập kỷ diễn ra cuộc cách mạng, nhà thờ lúc ấy đổ nát và hoang tàn đến mức gần như bị lãng quên và biến mất hoàn toàn. 

Sau Cách mạng Pháp, vào năm 1801, Napoléon Bonaparte (1769-1821) ký một thỏa thuận có tên Concordat, cho phép Giáo hội Công giáo nắm quyền kiểm soát Nhà thờ Đức Bà và đây cũng chính là địa điểm chứng kiến lễ đăng quang của vị hoàng đế cuối cùng của nước Pháp.

Những năm 1800: Đổi mới và tái sinh

Sau sự sụp đổ của đế chế Napoléon năm 1815, nhà thờ Đức Bà một lần nữa lại rơi vào tình trạng bị lãng quên và hỗn loạn trong nhiều năm cho đến khi Victor Hugo cho ra đời tác phẩm "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà" năm 1831.

Tác phẩm của Victor Hugo khơi dậy sự quan tâm của công chúng đến công trình thế kỷ bị lãng quên giữa lòng Paris hoa lệ. Vua Louis Philippe đã ra lệnh khôi phục nhà thờ vào năm 1848, và giao nhiệm vụ này cho các kiến trúc sư Jean-Baptiste-Antoine Lassus và Eugène Viollet-le-Duc.

Dự án trùng tu kéo dài trong 25 năm mang lại một hình ảnh của Nhà thờ Đức Bà Paris gần như nguyên mẫu. Đối với những kết cấu, chi tiết không thể phục dựng, các nghệ nhân cũng cố gắng để tạo ra sản phẩm tương đồng nhất, phù hợp nhất có thể.

Nhà thờ Đức Bà Paris sau khi được trùng tu đẹp đến nỗi khi các nhà cách mạng của Công xã Paris vào năm 1871 muốn phá hủy nó, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng phản đối và quyết tâm sử dụng mọi cách để gìn giữ nhà thờ này.

Nhà thờ Đức Bà Paris thời hiện đại

Những ô cửa kính màu của nhà thờ đã bị hư hỏng khi quân Đồng minh giải phóng Paris vào năm 1944 và được thay thế bằng các thiết kế trừu tượng, hiện đại hơn. Vào năm 1963, tám thế kỷ sau khi được khởi công xây dựng, Chính phủ Pháp đã cho làm sạch mặt tiền của nhà thờ, khôi phục lại màu sắc ban đầu. Một dự án trùng tu, tôn tạo khác cũng đã được tiến hành vào năm 1991, tập trung vào các tòa tháp và phần mặt tiền phía Tây của nhà thờ.

Tuy nhiên đến năm 2017, người phát ngôn của nhà thờ André Finot cho biết, các vấn đề liên quan đến kết cấu của nhà thờ Đức Bà Paris đang ngày một chồng chất. Chính phủ Pháp đã sở hữu nhà thờ từ năm 1905 và vẫn chi 2 triệu euro mỗi năm cho việc bảo trì. Giáo hội Công giáo có quyền sử dụng vĩnh viễn nhà thờ cho mục đích tôn giáo gần đây cũng đã tìm cách quyên góp hàng chục triệu euro cho việc cải tạo.

Năm 2018, nhà thờ Đức Bà Paris ghi nhận con số 12 triệu du khách ghé thăm – đánh đấu việc nơi đây trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn hơn cả bảo tàng Louvre hay tháp Eiffel.

Sẽ lại “hồi sinh”

Ngọn lửa dữ dội bùng lên lúc 18h50 ngày 15/4 (theo giờ địa phương, tức 23h50 giờ Hà Nội) tại Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris của Pháp, khiến tháp chuông và phần lớn mái vòm nhà thờ đổ sập trước sự chứng kiến của nhiều người. 

Theo một nguồn tin từ lực lượng cứu hộ, 2/3 diện tích Nhà thờ Đức Bà Paris đã bị lửa tàn phá. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra, các nỗ lực dập lửa suốt đêm đã giúp giữ được cấu trúc chính và mặt tiền của nhà thờ, giúp cho khả năng khôi phục trong thời gian tới thuận lợi hơn. Và người ta hoàn toàn có thể hy vọng, nhà thờ Đức Bà Paris sẽ lại một lần nữa trở lại huy hoàng từ đống tro tàn, như những gì từng xảy ra trong quá khứ./.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại hội đàm Paris qua báo giới phương tây
Nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại hội đàm Paris qua báo giới phương tây

Tròn nửa thế kỷ trôi qua, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris vào ngày 27/1/1973 giữa bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) và Việt Nam Cộng hòa, mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam, nhằm thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, tạo tiền đề để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975 lịch sử.

Từ bến làng Sình đến “bàn tròn” Paris
Từ bến làng Sình đến “bàn tròn” Paris

Mùa xuân, tròn nửa thế kỷ trước - ngày 27/1/1973, quanh cái “bàn tròn” tại Paris, Thủ đô nước Pháp, đã diễn ra một sự kiện lớn xoay chuyển lịch sử Việt Nam, được cả thế giới quan tâm chào đón. Đó là nơi “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết sau 5 năm đàm phán gay go và quyết liệt giữa 4 bên...

Kinh đô ánh sáng đón Giáng sinh với tinh thần tiết kiệm năng lượng
'Kinh đô ánh sáng' đón Giáng sinh với tinh thần tiết kiệm năng lượng

Tại Pháp, cứ đến dịp cuối năm, người dân Paris lại nóng lòng chờ đợi lễ thắp đèn Giáng sinh và đón Năm mới, còn khách du lịch thì không giấu được sự háo hức với ánh sáng kỳ diệu của những bóng đèn trang trí ở nơi vốn được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng".