Thứ Sáu, 21/08/2020 07:40

Nhiều học sinh lớp 12 phân vân chọn ngành học

Trong cuộc đời học sinh, kỳ thi đại học được coi là một bước ngoặt vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các bạn trẻ. Chính vì vậy, các em học sinh thường có tâm lý lo lắng, áp lực trong quá trình chuẩn bị thi cử, đặc biệt là về vấn đề chọn ngành, chọn trường học.

Tăng tốc vượt vũ môn kỳ thi tốt nghiệp THPTĐăng ký thi tốt nghiệp THPT không thể bỏ qua những lưu ý nàyGặp cậu học trò đoạt huy chương bạc quốc tế

Những ngày hội Open day kết hợp trải nghiệm thực tế là cơ hội để các bạn học sinh hiểu thêm về ngành học. Ảnh: NVCC

Quyết định khó khăn

Quãng thời gian sau tết cũng là lúc các bạn học sinh lớp 12 tất bật trong việc tìm hiểu và nghiên cứu các ngành học, trường học phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình. Các trường đại học (ĐH) cũng thường xuyên có những buổi tư vấn tuyển sinh, ngày hội tư vấn hướng nghiệp  nhằm thu hút thí sinh tiềm năng. Tuy nhiên, đối với các bạn học sinh, việc lựa chọn và đưa ra quyết định là không hề dễ dàng.

Nguyễn Thùy Dương, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học chia sẻ: “Trong việc lựa chọn trường và ngành học em đắn đo khá nhiều thứ, vì phải xem xét từ nhiều khía cạnh: học lực, môi trường học tập tại trường đại học, chương trình của ngành học, cơ hội việc làm, học bổng… xem những điều kiện đó có đáp ứng được mong muốn, sở thích của em, cũng như tạo cho em nhiều cơ hội trong tương lai hay không”.

Lê Bảo Khánh (Trường THPT Đặng Huy Trứ) cho biết, trong quá trình chọn ngành, chọn trường học, em cũng mất phương hướng và hoang mang, không biết mình nên làm gì. “Em có định hướng chọn ngành thiết kế đồ họa, tuy nhiên em cũng thấy khá áp lực vì em không quá giỏi, không biết có đậu vào trường mong muốn được không. Những ngành nghề khác thì em lại không mấy hứng thú, nên vẫn phân vân nhiều trong việc xác định nguyện vọng của bản thân”, Bảo Khánh bộc bạch.

Việc các bạn học sinh chưa thật sự xác định được mình muốn học gì, làm gì trong tương lai, cũng như sự cạnh tranh trong quá trình thi cử, xét tuyển đang khiến các bạn cảm thấy áp lực, lo lắng và mất tự tin trong khoảng thời gian cuối cấp.

Chọn ngành học đúng đam mê

Chia sẻ về cách vượt qua áp lực chọn ngành, chọn trường của bản thân, bạn Nguyễn Tuấn Anh (Trường THPT Hai Bà Trưng) bật mí: “Từ những năm lớp 10, lớp 11, em đã xác định mình thích học toán, lý, hóa nên đã cố gắng học thật tốt ba môn học này. Lúc chọn ngành, em vạch ra 3 chỉ tiêu lựa chọn: một là những ngành em thấy hứng thú, hai là những ngành thuộc thế mạnh của bản thân em, ba là những ngành hiện đang “hot”. Sau khi quyết định được ngành mình muốn học thì em bắt đầu tìm hiểu về các trường đại học có ngành đó, đồng thời xin những lời khuyên từ các anh chị khóa trên và gia đình để đưa ra lựa chọn phù hợp”.

Bên cạnh việc các bạn học sinh tự tìm hiểu về các ngành học ở các trường ĐH, những hoạt động tư vấn tuyển sinh của các trường ĐH, ngày hội tư vấn hướng nghiệp (Open day), hoạt động tư vấn về ngành học như chương trình “Nhịp cầu tương lai”,… cũng là nơi để các bạn có thể tiếp xúc với những đàn anh, đàn chị đi trước, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, qua đó cho mình cái nhìn toàn diện hơn về ngành nghề mà mình sẽ lựa chọn.

Theo PGS. TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, có nhiều em học sinh khi chọn trường, chọn ngành có xu hướng bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài như bạn bè cùng học ngành đó, chọn ngành theo mong muốn của phụ huynh. Tuy nhiên, các em nên chọn ngành bản thân có đam mê. Bởi vì trong quá trình làm việc, công việc sẽ có những sự thay đổi, nên các em cần có sự thích nghi. Nếu các em chọn đúng đam mê thì sẽ có những khả năng thích nghi và theo đuổi ngành nghề dài lâu, thuận tiện hơn trong công việc.

"Với các bạn học sinh, có thể lắng nghe lời khuyên từ những người đi trước, những người có kinh nghiệm, nhưng các bạn vẫn nên dành nhiều hơn cho niềm đam mê của mình. Bởi vì kinh nghiệm của những người đi trước có thể đúng tại thời điểm đó, nhưng sau này có thể khác đi. Quan trọng là mình phải duy trì được niềm đam mê của mình trong tương lai", PGS. TS. Hoàng Công Tín nhấn mạnh.

ĐĂNG TRÌNH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều thay đổi ở phương thức riêng
Nhiều thay đổi ở phương thức riêng

Đại học (ĐH) Huế vừa công bố phương án tuyển sinh trình độ ĐH hệ chính quy năm 2022. Năm nay, sẽ có nhiều thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thí sinh và thực tiễn đào tạo, thị trường lao động.

Tuyển sinh 2021 Thận trọng với ngành học… hot
Tuyển sinh 2021: Thận trọng với ngành học… hot

Đề án tuyển sinh 2021 của các trường đại học mới công bố đều cho thấy các phương thức tuyển sinh ngày càng đa dạng và tiếp cận năng lực từng đối tượng thí sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký ngành nghề.

Mở ngành mới không khó, khó ở chỗ “nuôi sống” ngành
Mở ngành mới không khó, khó ở chỗ “nuôi sống” ngành

Đó là khẳng định của TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế khi trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về xu hướng mở thêm ngành mới của các cơ sở giáo dục ĐH những năm gần đây; nhất là trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) “trao quyền” nhiều hơn cho các cơ sở đào tạo.

Hơn 200 học sinh trải nghiệm môi trường đào tạo sư phạm
Hơn 200 học sinh trải nghiệm môi trường đào tạo sư phạm

Ngày 28/6, tại Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế, hơn 200 học sinh khối 12 các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn TP. Huế đã tham dự chương trình Thắp sáng ước mơ cùng HUEdu “Nơi tri thức trở thành giá trị”.