Thứ Năm, 01/02/2018 13:45

Mở ngành mới không khó, khó ở chỗ “nuôi sống” ngành

Đó là khẳng định của TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế khi trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về xu hướng mở thêm ngành mới của các cơ sở giáo dục ĐH những năm gần đây; nhất là trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) “trao quyền” nhiều hơn cho các cơ sở đào tạo.

Ưu thế thuộc về khối ngành kinh tế, ngoại ngữ

TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế

Dưới góc độ chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh và người làm quản lý về đào tạo, TS. Phan Thanh Hoàn cho rằng, việc mở ngành mới hiện nay không còn quá khó, nhưng quan trọng là mở ngành gì để đáp ứng nhu cầu xã hội, người học có lựa chọn và làm cách nào để duy trì, “nuôi sống” ngành. Ngành “hot”, ngành mới nhưng nếu không tổ chức đào tạo hiệu quả sẽ chịu quy luật như những ngành tuyển sinh khó.

TS đánh giá thế nào việc mở ngành mới hiện nay?

Trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường ĐH mở thêm ngành là chuyện dễ hiểu. Hiện nay, việc mở ngành mới không còn quá khó, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT về mở ngành như đội ngũ, cơ sở vật chất cùng một số điều kiện liên quan thì sẽ mở được.

Về mặt tích cực, mở ngành mới có điểm hay là đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhu cầu xã hội, thị trường lao động có những thay đổi, ngành mới ra đời để đáp ứng, nhất là giải quyết nguồn lực lao động khi xã hội cần.

Tuy nhiên, theo tôi, cũng cần có sự tính toán kỹ. Mở ngành mới nhưng chưa quan tâm tốt về đào tạo, chạy theo số lượng ngành dễ dẫn đến phân tán. Có thực trạng tại nhiều cơ sở đào tạo trong nước là các trường có nhiều khoa, khoa nào cũng muốn có ngành và nhiều ngành để tuyển sinh, thu hút người học nhằm đảm bảo nguồn thu vì học phí là nguồn thu chính. Tuy nhiên, nhiều ngành mở ra nhưng một vài năm lại khó tuyển sinh. Bài toán duy trì, “nuôi sống” ngành luôn là bài toán khó.

Vấn đề quan trọng không phải số lượng mà là chất lượng ngành. Mở ngành phải đáp ứng thực tế nhu cầu xã hội, đồng thời phải đầu tư, cải tiến, tổ chức đào tạo hiệu quả. Nhu cầu xã hội lớn thì phải chứng minh được người học ra trường có việc làm, làm đúng ngành học.

Trường ĐH Kinh tế năm 2020 tuyển sinh 2 ngành mới. Điều đó có mâu thuẫn với phân tích trên của TS?

Như tôi đã nói, mở ngành mới về khía cạnh nào đó là tích cực, để đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường ĐH Kinh tế mở hai ngành “Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng”, “Kinh tế quốc tế” từ năm 2019 và đến năm 2020 bắt đầu tuyển sinh. Nhu cầu nhân lực của hai ngành trên rất lớn. Dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030 và nhiều tổ chức quốc tế cũng khẳng định, đang thiếu rất lớn nguồn nhân lực về  logistics (hậu cần).

Khu vực miền Trung, nhất là Huế - Đà Nẵng đang phát triển những lĩnh vực kinh tế liên quan, có cảng biển, hàng không, các dự án ở các khu kinh tế, khu công nghiệp… cần nhân lực lớn về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng trong khi số lượng và quy mô đào tạo ngành này trong cả nước còn rất ít. Ngành Kinh tế quốc tế cũng vậy, bối cảnh hội nhập, vừa qua, các hiệp định kinh tế quốc tế được ký kết như: Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh Á Âu; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… là cơ hội lớn cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Điều này tạo ra cơ hội cho ngành Kinh tế quốc tế.

Đến nay, Trường ĐH Kinh tế có 16 ngành. So sánh với các trường ĐH đào tạo về nhóm ngành kinh tế trong cả nước, con số ấy ở mức trung bình.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, điều cần quan tâm tới đây là làm sao tổ chức đào tạo vào khuôn khổ và hiệu quả. Bởi vì chỉ có thực chất đào tạo và đảm bảo được đầu ra, ngành đó mới duy trì lâu dài.

Khi mở ngành, bao giờ các trường cũng khẳng định nhu cầu xã hội lớn. Thực tế có đúng như thế không, thưa TS?

Để mở ngành, trải qua quá trình với quy trình nhiều bước trong đó có khảo sát người học, nhu cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, giải thích cho vấn đề trên, tôi nghĩ rằng là do cung cầu về nhân lực không “gặp nhau”. Đúng là nhu cầu thị trường cao, nhưng người học có chọn học không và nhà tuyển dụng có “dùng” chính sản phẩm đào tạo đó ra không hay buộc phải tuyển người trái ngành để đào tạo lại là điều phải nhìn lại.

Trên thực tế, có những ngành có nhu cầu rất lớn nhưng người học có đầy đủ thông tin để tiếp cận ngành nghề chưa hay vẫn còn chọn theo trào lưu, theo định hướng của người thân hoặc theo bạn bè. Nhiều khảo sát của chúng tôi cho thấy, có khi hỏi ngành gì đang “hot”, thí sinh hoàn toàn không biết. Nguyên nhân có một phần từ công tác hướng nghiệp chưa tốt nhưng cũng có bất cập từ phía người học.

Ngay tại trường chúng tôi, chuyên ngành kinh tế môi trường thuộc ngành Kinh tế nhu cầu rất lớn, bởi vì bảo vệ môi trường liên quan đến hầu hết tổ chức, doanh nghiệp…  song, số lượng người đăng ký học ít. Đó là một thực tế.

Một yếu tố khác không thể phủ nhận là các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được thực tế nhu cầu thị trường lao động, dẫn đến các doanh nghiệp tuyển dụng buộc phải tuyển nhân lực trái ngành, phải đào tạo lại từ đầu sau khi tuyển dụng.

Tuyển sinh có quy luật bão hòa, kể cả với ngành “hot”. TS có nghĩ vấn đề đó cần phải nhìn xa trước khi mở ngành?

Bất kể ngành nào đều chịu quy luật chung. Đối với nhóm ngành Kinh tế và ngay tại Trường ĐH Kinh tế, cũng đã từng gặp phải vấn đề này. Như ngành Tài chính Ngân hàng giai đoạn 2008 – 2009 đến 2014 – 2015 là ngành cực kỳ “hot”, được ví như ngành số 1 nhưng sau đó một vài năm có dấu hiệu bão hòa trong tuyển sinh. Quy luật trên tùy thuộc vào nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đào tạo tốt, kết nối doanh nghiệp hiệu quả để đảm bảo đầu ra việc làm thì tuyển sinh sẽ không quá khó khăn. Ngành “hot”, ngành mới nhưng quan trọng phải tổ chức đào tạo hiệu quả, nếu không sẽ chịu quy luật như những ngành tuyển sinh khó.

Mới đây, khi làm việc với ĐH Huế, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, đa ngành là tốt nhưng cần có ngành mũi nhọn. “Sinh sau, đẻ muộn”, ngành mới làm sao đáp ứng được?

Việc mở ngành theo nhu cầu xã hội cần là tất yếu và các trường nên có ngành thương hiệu. Nhưng, ngành thương hiệu phải là những ngành truyền thống đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động. Đơn cử như tại Trường ĐH Kinh tế thì ngành Quản trị kinh doanh được mở ra đầu tiên và đến nay thuộc top tuyển sinh tốt nhất, cần đầu tư chất lượng cho ngành nay.

Xây dựng ngành thương hiệu thì phải trải qua thời gian, có cơ sở để đánh giá. Dĩ nhiên, theo dự báo thị trường lao động, những ngành mới có thể là những ngành tạo nên thương hiệu và là ngành mũi nhọn trong tương lai. Điều quan trọng, công tác khảo sát khi mở ngành phải tiến hành kỹ, sau đó quan tâm tổ chức đào tạo hiệu quả, gắn kết doanh nghiệp để đẩy mạnh thực hành, thực tế và tìm đầu ra việc làm đúng ngành nghề.

Trong cơ cấu ngành, cũng cần có những ngành chung thu hút số đông, mang tính đại trà nhưng cũng có thể mở những ngành hẹp, vị trí công việc chuyên biệt.

Xin cảm ơn những chia sẻ của TS!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

Nhiều học sinh lớp 12 phân vân chọn ngành học
Nhiều học sinh lớp 12 phân vân chọn ngành học

Trong cuộc đời học sinh, kỳ thi đại học được coi là một bước ngoặt vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các bạn trẻ. Chính vì vậy, các em học sinh thường có tâm lý lo lắng, áp lực trong quá trình chuẩn bị thi cử, đặc biệt là về vấn đề chọn ngành, chọn trường học.

Sinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn
Sinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn

Tranh cổ động kỷ niệm ngày thành lập Đảng, chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp hay tranh chân dung về các vị lãnh tụ... vốn là đề tài không dễ với những người còn non tuổi nghề như sinh viên. Bằng cảm nhận, niềm tin với Đảng, Bác Hồ và tri ân những người có công với đất nước, nhiều sinh viên khối ngành nghệ thuật đã đặt được trọn cảm xúc với những đề tài mỹ thuật lớn.

Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế
Giải quyết khó khăn, thách thức để phát triển Đại học Huế

Chiều 17/2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học (ĐH) Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo. Cùng tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.