1. Hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản và gợi ý chính sách cho Việt Nam trong xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) - Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) và đơn vị tư vấn - tổ chức Nippon Koei tổ chức vào sáng ngày 06/7/2022.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng ISPONRE chia sẻ, sau khi vấn đề KTTH được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 (tại Điều 142), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP qui định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và hoàn thiện kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH vào cuối năm 2023. Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH đóng vai trò thiết yếu trong việc định hướng và xác định các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ cần thiết nhằm tiến tới thực tiễn hóa KTTH tại Việt Nam. Nhật Bản là quốc gia thành công trong việc xây dựng và ban hành các chính sách về KTTH cũng như áp dụng mô hình KTTH vào thực tiễn. Các kinh nghiệm quý báu của Nhật Bản là cơ sở quan trọng hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách có liên quan đến KTTH tại Việt Nam.
TS. Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược,
Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu khai mạc tại Hội thảo Ảnh: Phòng NC Kinh tế
Trong phần thuyết trình của mình, nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã phân tích cấu trúc cơ sở pháp lý về KTTH tại Việt Nam, chia sẻ các kinh nghiệm trong xây dựng, triển khai KTTH của Nhật Bản và một số quốc gia khác trên thế giới, từ đó tìm ra điểm chung, đưa ra gợi ý về các kế hoạch cơ bản để thiết lập một xã hội tuần hoàn - vật chất an toàn, đề xuất cấu trúc kế hoạch hành động quốc gia về KTTH của Việt Nam.
Nhiều giải pháp nhằm phát triển KTTH tại Việt Nam đã được các đại biểu tham dự Hội thảo đưa ra như: (1) Chính phủ cần xây dựng lộ trình hợp lý và có hướng dẫn mang tính định hướng về KTTH theo từng giai đoạn phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam; (2) Tiếp cận triển khai KTTH từng bước theo nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế; theo quy mô nền kinh tế hoặc theo các mắt xích trong chuỗi cung ứng, đặc biệt có chiến lược cụ thể về KTTH đối với nhóm ngành, lĩnh vực sản phẩm theo tiêu chí ưu tiên (sử dụng nhiều tài nguyên, phát thải nhiều hoặc hiệu quả xã hội cao); (3) Phát triển kinh tế số, giảm thiểu sử dụng tài nguyên, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bền vững; (4) Phát triển ngành công nghiệp dịch vụ môi trường; (5) Tăng cường đối thoại công - tư về phát triển KTTH, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp và (5) Truyền thông thay đổi hành vi trong sản xuất, tiêu dùng…
2. Hội thảo tập huấn “Áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trong 02 ngày 07-08/7/2022.
Nội dung của Hội thảo tập trung vào việc cung cấp và trao đổi các thông tin liên quan đến việc xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn tại Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề quan trọng đối với việc phát triển mô hình này và những kinh nghiệm rút ra từ những doanh nghiệp đã áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.
Toàn cảnh Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức. Ảnh: Báo Lao động
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của các đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, địa phương; các trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Qua 02 Hội thảo kể trên, những nội dung cơ bản về KTTH đã được làm rõ, những lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường mà KTTH mang lại đã được đề cập. Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đang đứng trước rất nhiều thách thức về vấn đề biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Vì thế, phát triển KTTH là xu hướng tất yếu và cần sự chủ động nhập cuộc của toàn xã hội./.