Thứ Năm, 26/10/2017 13:57

Nhớ ánh đèn sân khấu

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tất cả các chương trình biểu diễn nghệ thuật đều phải tạm dừng, nghệ sĩ rất nhớ nghề sau mấy tháng xa ánh đèn sân khấu.

Mang âm nhạc về làngPhô diễn tinh hoa âm nhạc truyền thống Mông CổNgười tìm “lửa” cho sân khấu ca kịch Huế

Mấy tháng nay, nghệ sĩ không được đứng trên sân khấu biểu diễn nên rất nhớ nghề (Ảnh minh họa)

Nhớ nghề

Sau Tết Nguyên đán, tất cả các lễ hội, chương trình nghệ thuật đều tạm dừng, nghệ sĩ không còn được đứng trên sân khấu biểu diễn. Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế chỉ duy trì tập luyện theo từng nhóm và làm công việc chuyên môn, dừng tất cả các chương trình biểu diễn.

NSƯT Đình Dũng, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế cho hay, ngay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà hát đã dừng tất cả các chương trình biểu diễn và khuyến cáo nghệ sĩ không nên tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch. Từ khi thực hiện giãn cách xã hội, tất cả các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế đều ở nhà học lời, tập vở diễn chuẩn bị tham gia các liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp. Dù vậy, dịch bệnh khiến hoạt động của nhà hát bị ảnh hưởng, hoạt động tập luyện bị ngưng trệ, tiến độ dàn dựng các vở diễn kéo dài.

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế vẫn tập chương trình “Văn hiến kinh kỳ” và một số tiết mục trong chương trình khai mạc Festival Huế 2020 do nhà hát đảm nhận. Khi thực hiện 15 ngày giãn cách xã hội, nhà hát cho quay video các tiết mục để nghệ sĩ tự tập luyện ở nhà. “Sắp tới, nhà hát sẽ tổ chức tập luyện trở lại, chia theo nhóm không quá 20 người và thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang”, NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho biết.

Đã mấy tháng không được biểu diễn trên sân khấu, các nghệ sĩ rất nhớ nghề. Khi ở nhà, nhiều người nhận ra, lúc trước đi diễn cực nhưng vui vì được sống với nghề. Nghệ sĩ Tuấn Lin bộc bạch: “Nghệ sĩ không được biểu diễn như bó tay, bó chân. Nghề cũng sẽ bị ảnh hưởng do lâu không được lên sân khấu, mặc dù chúng tôi vẫn tự ôn luyện tại nhà. Chỉ mong đại dịch qua mau để nghệ sĩ lại được đứng trên sâu khấu, đem niềm vui đến cho khán giả”.

Mong dịch sớm qua

Theo NSND Bạch Hạc, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tạm đóng cửa, không đón khách tham quan nên chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn thu. Các hoạt động chuyên môn của nhà hát đều phải ngưng lại, chuyển sang quý 3 và quý 4. Nếu di tích mở cửa trở lại và thu vé đảm bảo, nhà hát mới có kinh phí để tổ chức các hoạt động chuyên môn. Nếu khó khăn, nhà hát vẫn tập luyện, duy trì các hoạt động hàng ngày. Ở Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật phải hủy cũng ảnh hưởng đến doanh thu của nhà hát.

Không chỉ nhớ nghề, việc dừng tất cả các chương trình biểu diễn nghệ thuật do dịch bệnh khiến đời sống nghệ sĩ gặp không ít khó khăn. Với sự quan tâm của Sở Văn hóa và Thể thao và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các nghệ sĩ ở hai nhà hát vẫn được nhận lương cơ bản, kể cả nghệ sĩ diện hợp đồng và thời vụ, đảm bảo đời sống cho nghệ sĩ. Tuy nhiên, các khoản thu nhập tăng thêm, bồi dưỡng biểu diễn và thu nhập từ việc tham gia biểu diễn thêm bên ngoài đều không có nên khá khó khăn.

Với nghệ sĩ tự do, cuộc sống càng khó khăn hơn khi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật bị ngưng trệ. Thu nhập chính của nghệ sĩ P.H. là từ việc dạy đàn và biểu diễn Ca Huế trên sông. Từ khi dịch bệnh bùng phát, học sinh nghỉ học, Ca Huế trên sông cũng dừng hoạt động, nghệ sĩ P.H. không có thu nhập, cuộc sống chật vật. Nghệ sĩ T.T, một nghệ sĩ hát Ca Huế trên sông cũng thất nghiệp, phải trả lại phòng trọ ở Huế để về quê nhà ở Phong Điền.

Nghệ sĩ P.H. mong mỏi: “Nhiều nghệ sĩ đi Ca Huế trên sông chỉ là nghề tay trái nên khi dừng hoạt động, họ vẫn có lương. Nhưng với những người coi việc đi Ca Huế trên sông là công việc chính như tôi, cuộc sống rất khó khăn. Trước đây, mùa hè mỗi đêm tôi biểu diễn Ca Huế 1-2 sô, mùa đông ít hơn nhưng vẫn đủ trang trải cuộc sống, nhưng giờ thì… Chỉ mong dịch bệnh qua mau để ổn định cuộc sống”.

Mùa dịch, khó khăn không phải của riêng nghệ sĩ nên họ vẫn tỏ ra lạc quan, tin tưởng dịch bệnh COVID-19 sẽ nhanh chóng được đẩy lùi. Nghệ sĩ Tuấn Lin chia sẻ: “Mùa dịch tất nhiên phải khó rồi, tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng vào các chính sách quyết liệt của cả hệ thống chính trị sẽ chiến thắng đại dịch. Nghệ sĩ cũng thực hiện nghiêm túc các quy định của tỉnh và Chính phủ, đồng thời bằng những hành động cụ thể nhằm góp phần vào công cuộc chống dịch, như quyên góp quỹ chống dịch, sáng tác thơ và ca khúc để cổ vũ tinh thần chống dịch”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đón giao thừa trên sân khấu
Đón giao thừa trên sân khấu

Khi mọi người nghỉ ngơi đón tết thì các nghệ sĩ trẻ vẫn ngày đêm tập luyện, biểu diễn để mang không khí rộn ràng của mùa xuân đến với mọi người.

Nghệ sĩ Konoba thu hút khán giả đến sân khấu
Nghệ sĩ Konoba thu hút khán giả đến sân khấu

Tối 27/6, rất đông khán giả đã có mặt tại sân khấu Bia Quốc Học để thưởng thức tiếng hát của nghệ sĩ Konoba - người được mệnh danh là nghệ sĩ triệu view từ nước Bỉ.

Giữ “lửa” cho sân khấu truyền thống
Giữ “lửa” cho sân khấu truyền thống

Dẫu sân khấu truyền thống đang gặp khó khăn nhưng các nghệ sĩ vẫn giữ được “lửa” đam mê, dựng nhiều vở diễn tạo được tiếng vang trong lòng công chúng.

Ánh đèn sáng lòng dân
Ánh đèn sáng lòng dân

“Tết này, mời chị về Phú Thuận để ngắm ánh đèn đêm” – Lời mời chân thành của oong Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) đã thu hút sự tò mò của tôi.

Tôn vinh sân khấu truyền thống
Tôn vinh sân khấu truyền thống

Ngày 10/9, Hội Nghệ sĩ sân khấu Thừa Thiên Huế phối hợp với Chi hội Nghệ sĩ sân khấu tại Huế tổ chức kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 Âm lịch).