Thứ Hai, 17/08/2015 14:34

Những đứa trẻ chờ tết

Mùng Hai Tết, nhiều em ở làng SOS Huế vẫn chờ Tết khi chưa có người thân đến đón...

Tôi vẫn bị ám ảnh bởi  đôi mắt tròn xoe của cậu bé mới học lớp 1, kéo tay tôi thì thầm hỏi: “Tết đi ngang mô rồi dì?”. Em sốt ruột khi các anh chị có người thân đón, còn em, đã thay hai bộ áo quần mới để chờ Tết mà đợi hoài vẫn chưa được về nhà. Trong tâm hồn non nớt ấy đang mong về được gặp mẹ. Dù, người mẹ không đủ tỉnh táo để lo cho con, còn bố thì em không hề biết mặt. Em đã quen với cảnh ở lại tết tại làng SOS, nhưng lời hứa của người cậu trong một lần lên thăm khiến em nuôi hy vọng...

Những đứa trẻ ở Làng SOS

Mỗi lần nghe tiếng xe máy, bọn trẻ lại nháo nháo chạy ra. Có đứa vui vẻ khi được đón về, đứa tiu nghỉu quay vào nhà và tiếp tục... chờ đợi. Ba chị em gái Thanh, Loan, Hương đang cùng nhau soạn sửa đồ đạc chờ dì đến đón về nhà ăn tết. Khuôn mặt ngây thơ, không giấu nổi niềm vui. Ba mất khi chúng em còn quá nhỏ, mẹ đi bước nữa nhưng lại qua đời sau đó không lâu vì bạo bệnh. Chúng em ở lại với bà ngoại nhưng bà quá nghèo, lại già cả nên không nuôi nổi 3 chị em. Mỗi dịp lễ tết, bà lại xuống đón cháu về thăm nhà, thắp hương cho bố mẹ. Tôi hiểu ước mơ bình dị của các em, mong hơi ấm người thân và khát khao được trở về bên họ hàng trong những Tết.

Theo Giám đốc Làng SOS Huế Nguyễn Kim Dung, Làng SOS Huế có gần 10 em không còn gia đình, anh em nên không có điều kiện đón về quê ăn tết. Cả tuổi thơ các em lớn lên trong vòng tay yêu thương của mọi người, của các cô bảo mẫu, của những người cha, người mẹ tinh thần. Có bé chỉ mới vài ngày tuổi đã được mẹ đem đến bỏ trước làng, rồi người mẹ trẻ cứ thế mà bỏ đi chẳng quay lại nhìn con lấy một lần. Có những bé, bố mất, mẹ đi lấy chồng, đưa em vào làng, từ đó em thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chẳng bao giờ mẹ quay về thăm em nữa...

Ngỡ ngàng và không khỏi xót xa khi nghe các em lắc đầu không biết khi tôi hỏi về bố mẹ, quê hương... Thậm chí, có em đi làm, có thu nhập ổn định, Tết lại quay về làng vì không có nơi nào để đi... Khao khát được trở về mái ấm, có bố, có mẹ, quây quần bên mâm cơm với ông bà, nội ngoại trong ba ngày Tết vẫn là điều xa vời đối với những đứa trẻ ở làng SOS Huế. Trò chuyện với các em trong những ngày đầu năm, tôi học từ các em sự nghị lực lạc quan và sẵn sàng đối mặt với cuộc sống để vượt qua. Các em không than thân trách phận, trách những người đã bỏ rơi mình mà tự nỗ lực vươn lên. Nhiều em trong đó học rất giỏi và thành đạt.

Tiếng gọi nhau í ới của bọn trẻ ngay đầu cổng, báo hiệu chuyến về quê ngắn ngủi thăm người thân của chúng đã kết thúc. Dẫu được đón về chỉ hơn một ngày nhưng khuôn mặt các em rạng ngời hạnh phúc. Chúng líu lo kể bao nhiêu là chuyện và không quên động viên bạn mình, biết đâu, ngày mai lại có người đến đón. Tết muộn cũng được, có còn hơn không...

 Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm có quy định cho trẻ em khi tham gia mạng xã hội
Sớm có quy định cho trẻ em khi tham gia mạng xã hội

Trong thời đại 4.0, internet và mạng xã hội (MXH) xuất hiện phổ biến hơn với trẻ em, góp phần hỗ trợ trẻ cả về mục đích giáo dục và giải trí. Tuy nhiên, MXH cũng là nơi tiềm ẩn nhiều mối nguy cho trẻ.

UNICEF 8 xu hướng sẽ tác động đến trẻ em trong năm 2023
UNICEF: 8 xu hướng sẽ tác động đến trẻ em trong năm 2023

Một loạt các cuộc khủng hoảng có mối liên hệ với nhau được dự báo sẽ tác động lớn đến trẻ em vào năm 2023. Một báo cáo vừa được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố đã nêu chi tiết những xu hướng sẽ định hình cuộc sống của các em trong những tháng tới.

Nhiều trẻ em thiếu kỹ năng sống
Nhiều trẻ em thiếu kỹ năng sống

Những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong đầu năm 2023 với nạn nhân là trẻ em cho thấy, trẻ em trong thời đại hiện nay đang quá thiếu về kỹ năng sống.