Thứ Bảy, 06/06/2020 13:45

Những giọt buồn chơi vơi

Những mùa yêu đi qua, trái tim cứ thế mà bao lần thổn thức, nhưng cứ xanh hoài xanh mãi, đầy kiêu hãnh. “Xanh hoài không thôi”, tập thơ đầu tay của Hải Hạc Phan do NXB Thuận Hóa ấn hành đã để lại trong tôi thật nhiều rung cảm giữa một ngày mưa lênh loang như thế.

Bồng bềnh mắt núiĐọc & xem Thanh Tùng phỏng vấn

Tập thơ “Xanh hoài không thôi”

Hơn 100 trang sách với 79 bài thơ được Hải Hạc Phan chọn lọc gửi đến độc giả đã gói gọn một hành trình dài sáng tác của cô. Hải Hạc bắt đầu làm thơ từ năm 7 tuổi. Những bài thơ non nớt được viết ra, rồi bị cô vo tròn ném đi. Chính mẹ là người đã nhặt những trang giấy ấy, vuốt phẳng phiu và cất giữ lại. Tình yêu của mẹ, sự nâng niu trân quý từ mẹ chính là giọt mật ngọt lành đã nuôi dưỡng hồn thơ của Hải Hạc lớn lên qua tháng ngày. Để trái tim người con gái ấy cứ “Xanh hoài không thôi” như tên tập thơ mà cô chọn, dẫu phải trải qua những được, mất đắng cay, những chông chênh, đổ vỡ thì trái tim ấy vẫn mãi ngân lên những giai điệu đẹp nhất.

Hải Hạc Phan tên thật là Phan Thị Hòa, quê ở Hà Tĩnh, nhưng cô học tập và làm việc tại Huế, gắn bó với Huế như quê hương thứ hai của mình. Hải Hạc có giọng thơ dịu dàng và sâu lắng y như tính cách của cô vậy. Những vầng thơ của Hải Hạc lúc nào cũng miên man buồn, sâu thẳm và da diết tựa như dòng sông dùng dằng đi qua muôn tháng năm vẫn ăm ắp ngọt lành phù sa. Sông có lúc vơi lúc đầy, tình có khi sâu khi cạn, có những đắm say, nhưng cũng có những chia lìa, đổ vỡ. Dẫu “Tôi nát tan như đóa hồng gai thấm máu/Tôi có lúc khép lòng mình run rẩy” (Gọi), nhưng trái tim ấy vẫn mãi thiết tha với đời, với tình không dứt. Dường như những khổ đau hôm nay chẳng thể dập tắt được tình yêu trong tim người con gái ấy. Bóng tối sẽ đi qua, bình mình lại rực rỡ nơi chân trời, lũ chim sẽ ríu rít hát khúc hoan ca. Có cơn mưa nào mà rơi mãi không dứt, nắng lại về và lòng sẽ ấm lên. “Sẽ có một ngày nỗi nhớ buồn bơ vơ/Chẳng thể nào làm tôi lo sợ nữa/Sẽ có ngày tìm trong mùa gió lạnh/Một nồng nàn, một thắm thiết thành đôi (Gọi).

Đọc thơ Hải Hạc, người đọc như thấy nỗi buồn cứ sóng sánh tràn ra, lúc nào cũng ăm ắp như mặt nước hồ thu. Nỗi cô đơn có khi như vo tròn lại, gặm nhấm chính mình giữa thao thiết canh khuya “Dòng nước mắt hỡi lăn chậm nhé đêm sâu/Nếu ngừng lại ta cô độc biết mấy/Nên lăn chậm như đang lau khô vậy/Những nỗi niềm đang chẳng tỏ cùng ai” (Đời hoa nở bằng nước mắt). Nhưng nỗi buồn ấy cũng toát lên một vẻ đẹp long lanh như giọt nắng đầu ngày “Ta sẽ đập những nhịp trái tim bỏng rát nỗi đau/Và sẽ cười lung linh hạt nắng” hay “Có thể một ngày ta đủ vững vàng/Sau ta, nỗi buồn không còn tuyệt vọng/Niềm đau ai gieo đã mọc lên sức sống” (Phía sau và phía trước). Tình yêu thật đẹp, nỗi cô đơn cũng thật đẹp “Nên ta làm bạn với nắng thơm/Rót mật vàng lên những nỗi niềm/Làm bạn với mưa chiều hiu quạnh/Để rồi mưa lạnh thấm hồn mưa” (Nắng chiều).

Ở “Xanh hoài không thôi”, người đọc sẽ bắt gặp những nỗi buồn cứ miên man trôi dài không dứt. Nỗi buồn cứ luynh loang bồng bềnh màu sương khói “Hoa ru em ngủ buồn mơ mộng/Nỗi buồn nhè nhẹ tựa hư không” (Ngủ trên đồng). Nỗi buồn như cơn mưa chiều qua ngõ vắng, rả rích rả rích.

Ngày đã thôi ngọt ngào bởi “Anh đi rồi năm tháng chênh vênh” (Ngôi sao biển tình). Em ở lại, dù “Có thể đợi cạn đời/Đâu chắc người quên nhớ/Khi trái tim vụn vỡ/Cười đâu chắc không đau" (Đợi). Có những ngày, đợi chờ rồi đợi chờ. Đợi cho trời kia tắt nắng, đợi cho ngày qua đi, đợi mơ rồi đợi tỉnh, đợi cho lòng thôi đau. Để rồi lại ngậm ngùi “Ừ thôi” xin hẹn kiếp sau/Nói gì cũng được miễn là nhớ nhau/Ừ thôi “rứa đó” âu sầu/Giọt nào rơi rụng cũng đành lẻ loi” (Ừ thôi).

Đọc “Xanh hoài không thôi” của Hải Hạc Phan, người đọc sẽ phiêu diêu qua những miền cảm xúc, đủ những cung bậc đắm say chất ngất. Nhưng cuối cùng, đọng lại vẫn là nỗi buồn day dứt của một trái tim luôn khát khao yêu, luôn tìm kiếm một tình yêu nhưng mãi hoài vẫn chưa trọn.

Bài, ảnh: Hà Lê

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phiêu bạt cùng “Bốn mùa hoang vu xứ Kiwi”
Phiêu bạt cùng “Bốn mùa hoang vu xứ Kiwi”

Nhà văn Trần Băng Khuê sinh năm 1982, vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên Huế đầu năm nay. Trần Băng Khuê viết nhiều thể loại như truyện ngắn, tùy bút, bút ký, tản văn… Ở mỗi thể loại, chị đều có những thành tựu đáng kể.

Đại tá - Đại sứ Hà Văn Lâu, chuyện chưa phải ai cũng biết
Đại tá - Đại sứ Hà Văn Lâu, chuyện chưa phải ai cũng biết

Cuộc đời gần một thế kỷ của nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu phong phú, đa dạng và hấp dẫn như một trường thiên tiểu thuyết. Cách đây 18 năm, nhà văn Trần Công Tấn đã viết tác phẩm “Hà Văn Lâu, người đi từ bến làng Sình” dày 600 trang (NXB Phụ Nữ, 2004). Có thể nói, cuốn truyện ký khá sinh động này và cuốn sách “Đại tá Hà Văn Lâu, Hồi ức cách mạng trong kỷ niệm” - Hà Thị Diệu Hồng & Kiều Mai Sơn tuyển chọn - biên soạn, do NXB Thông tin & Truyền thông vừa in, nhân dịp tiến tới kỷ niệm 105 ngày sinh nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu (9/12/1918 - 6/12/2016) là những tư liệu quý, chân thực và phong phú để có thể dựng nên một tiểu thuyết sử thi về cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Bồng bềnh mắt núi
Bồng bềnh mắt núi

“Mắt núi” là tập thơ đầu tay của Nguyễn Thị Nam do NXB Thuận Hóa ấn hành cuối năm 2021.