Thứ Sáu, 09/09/2016 12:28

Những trang sách lưu dấu trên các nẻo đường sáng tạo

“Những nẻo đường quê hương”, còn phảng phất mùi giấy mới do NXB Thuận Hóa cấp phép xuất bản tháng 12/2018, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế vừa tổ chức phát hành; là một cuốn sách lưu dấu ấn của các văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế trên các nẻo đường sáng tạo hai năm qua.

“Phía bên kia cầu vồng” mở ra những trang đời mới

Bìa sách “Những nẻo đường quê hương”

Từ những chuyến đi

Trên không gian văn hóa Thừa Thiên Huế, Liên hiệp Hội và các hội chuyên ngành đã tổ chức nhiều chuyến thực tế. Đầu tiên phải kể đến Trại sáng tác văn học nghệ thuật A Lưới vào tháng 8/2017: Các văn nghệ sĩ đã tham quan một số di tích lịch sử chiến tranh cách mạng nổi tiếng của núi rừng A Lưới; gặp gỡ chuyện trò với người dân A Lưới chất phác, thân thiện. Tháng 6/2018, các văn nghệ sĩ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Múa đã trở lại A Lưới và đã có những sáng tác mới hóa thân các động tác sinh hoạt đời thường của người dân miền cao vào các vũ điệu mới…

Các nhà văn đã về ăn cùng dân, ở cùng dân; sự sâu sát đó đã khiến các trang văn ngồn ngộn đời sống hiện thực. Về cùng ăn ở với nhân dân của các nhà văn thuộc Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế cũng là mô hình mà nhiều hội văn học nghệ thuật trong nước rất muốn tham khảo để tổ chức. Đầu tháng 10/2018, những văn nghệ sĩ trẻ đã áp dụng mô hình này khi tham gia Trại sáng tác VHNT Trẻ ở xã Phong Mỹ (Phong Điền). Bà con người dân tộc Pahy, Vân Kiều đã cùng các văn nghệ sĩ tổ chức đêm lửa trại thắp sáng tình yêu thương và niềm cảm hứng sáng tạo. Cuối tháng 10/2018, Trại sáng tác “Nhịp sống Huế” được tổ chức ở Lăng Cô. Tháng 11/2018, Trại sáng tác “Văn hóa và con người Nam Đông” thêm lần nữa tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tìm hiểu thêm nét đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người vùng miền núi Thừa Thiên Huế. Với nhiều cách thức khác nhau, các văn nghệ sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm đẹp, mang nhiều cảm xúc thẩm mỹ, giai điệu ngọt ngào về các vùng quê trù mật.

Các văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế cũng đã tham gia một số trại sáng tác ở các vùng miền khác nhau trong cả nước, như: Trại sáng tác VHNT ở Hà Giang; đến thăm Mặt trận biên giới Vị Xuyên chống xâm lược Trung Quốc và dâng hương cho các liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới 1984-1989 tại Đàn Hương, Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên...

Đến những trang sách

Để lưu lại những tác phẩm do các văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế sáng tác từ các trại sáng tác nói trên trong hai năm 2017 -2018; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tổ chức ấn hành cuốn sách “Những nẻo đường quê hương”, tuyển chọn các tác phẩm sáng tạo qua các vùng miền quê hương, đất nước.

Cuốn sách này, vì thế, như là dấu ấn kỷ niệm cho văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế tham gia các trại sáng tác, là những cảm xúc được lưu lại, vì thế, sẽ có những tác phẩm đã hoàn thiện, song cũng có những tác phẩm đang còn dạng phác thảo, chưa có điều kiện hoàn chỉnh. Cuốn sách phản ánh sinh động cuộc sống đa chiều trên “những nẻo đường quê hương” qua lăng kính nghệ thuật của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà biên kịch ở Huế tham gia các trại sáng tác.

Lần giở trên 200 trang sách, bạn đọc sẽ nhận ra cuốn sách chia làm các phần khá rõ rệt: Phần thơ, có thơ của các tác giả Võ Quê, Trần Bá Đại Dương, Phạm Nguyên Tường, Lê Tấn Quỳnh, Lãng Hiển Xuân, Ngàn Thương, Nguyễn Thiền Nghi, Ngô Công Tấn, Đức Sơn, Nguyễn Văn Quang, Triệu Nguyên Phong, Trần Văn Liêm, Văn Công Toàn, Mai Văn Hoan, Trường Thắng… Phần văn xuôi đáng chú ý có các truyện – ký “Vệt mưa cứa mặt Hồ Quao” (Lê Vũ Trường Giang), “Gìn giữ góc non sông” (Nguyễn Nguyên An), “Chân giả gặp chân tình” (Phạm Xuân Phụng), “Chuyện nón bài thơ và hương đất cao nguyên” (Ngô Minh)… Có khá nhiều vở kịch được trích đoạn như “Hồn của biển” (Ngô Sinh), “Tình yêu bên suối Pi Lung” (Nguyễn Đình Việt), “Hoa quỳnh biển” (Nguyễn Tất Đính), “Câu hò nối những dòng sông” (Phan Dy)…

Có thể, đó là những tác phẩm đã chỉnh chu hoàn tất hoặc có những tác phẩm đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng phần nào đã đáp ứng nguyện vọng của nhiều văn nghệ sĩ Huế và độc giả. Cuốn sách không chỉ là sự lưu giữ và giới thiệu với rộng rãi độc giả những sáng tác mới, đó còn là chiếc cầu nối tạo sự giao lưu, chia sẻ đồng cảm, kết nối anh em làm công tác văn nghệ, sống và làm việc ở vùng đất Cố đô.

Bài, ảnh: HẠ NGUYÊN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải có dấu ấn liên kết vùng
Phải có dấu ấn liên kết vùng

Kinh tế biển là lợi thế chung của các tỉnh trong khu vực và đây được xem là chìa khóa để phát triển và liên kết vùng.

ASEAN Dấu ấn 2022  triển vọng 2023
ASEAN: Dấu ấn 2022 & triển vọng 2023

Năm 2022, khu vực Đông Nam Á đã tập trung sự chú ý của thế giới với một loạt các hội nghị cấp cao, cho thấy sự thành công của chính sách kinh tế trong việc giải quyết các vấn đề địa chính trị. Trong năm 2023, ngay cả khi dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, Đông Nam Á vẫn được giới chuyên gia nhận định và tin tưởng là đang nổi lên với tư cách là “người chiến thắng” về đầu tư và thương mại.

Dấu ấn trên hành trình góp sức, vươn mình
Dấu ấn trên hành trình góp sức, vươn mình

Vượt qua những thách thức từ công tác đào tạo và tuyển sinh, Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật, ĐH Huế đã và đang góp sức cùng các trường ĐH thành viên xây dựng và phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia.