Thứ Ba, 27/11/2018 10:13

Để con tự lập

“Sắp tới, con trai tôi nếu đậu Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, chắc tôi cũng phải theo nó vào Đà Nẵng sống”, anh bạn kể với giọng khẽ khàng.

Giữ gốc

“Sắp tới, con trai tôi nếu đậu Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, chắc tôi cũng phải theo nó vào Đà Nẵng sống”, anh bạn kể với giọng khẽ khàng. Ánh nắng chiều bên bờ sông An Cựu hắt lên mặt người đàn ông xấp xỉ tuổi 50 khiến cho những nếp nhăn nơi khóe mắt càng thêm rõ nét. Nói về chuyện tương lai, học hành của con, nhất là đứa con trai học vô cùng giỏi của mình nhưng tôi hoàn toàn chẳng nhận ra chút phấn khởi nào từ anh. “Con anh đi học, anh đi theo nó làm gì?”, tôi thắc mắc. “Đi theo để giặt giũ, nấu cơm cho nó”. Câu trả lời của anh khiến tôi chưng hửng. Cũng vì chuyện này, mà vợ chồng anh cãi nhau suốt cả tuần nay.

Anh kể, hôm trước vợ anh vừa “quán triệt” với chồng, anh cần phải theo con trai đi học xa. Chị làm giáo viên, không thể nghỉ việc để theo con vào Đà Nẵng, mà đứa con gái nhỏ mới học đầu cấp 2 cũng cần mẹ chăm sóc hơn. Trong khi anh làm nghề nhôm kính, công việc tự do, nếu vào Đà Nẵng không kiếm được việc cũng có thể đi làm xe ôm hay bốc vác. Vợ anh bàn thế.

Con trai anh đang học lớp 12, trường chuyên Quốc Học, học kỳ nào cũng có học bổng. Ngày trước, thấy con thích học, suốt ngày chỉ chăm chăm lo học hành, nên anh chị cũng không bắt buộc con phải làm việc nhà. Dần dần, ngoài việc học ra, con trai anh chẳng biết làm gì. Không biết chăm sóc bản thân, đến những kỹ năng cần thiết ngoài xã hội, con anh cũng ngơ ngác. Anh cũng không ngờ, niềm tự hào của vợ chồng anh, đến giờ lại trở thành nỗi lo lắng.

Tôi kể anh nghe chuyện nhà cô bạn mình. Vợ chồng cô ấy bận bịu kiếm tiền, còn việc nhà đều do hai đứa con 1 trai, 1 gái lo liệu. Mà cả hai đứa đều chỉ mới bước vào cấp hai. Bạn tôi luôn nói với hai đứa con, trách nhiệm của bố mẹ là kiếm tiền, còn trách nhiệm của các con là học tập và chăm lo nhà cửa. Từ chăm lo nhà cửa là sự bao quát từ nấu ăn, giặt giũ, quét tước. Hai đứa bé cứ thế chia nhau làm. Anh lau nhà, em sẽ rửa chén. Anh nấu cơm, em gấp áo quần.

Thời gian đầu, con làm chưa quen tay, áo quần gấp xiên xẹo, nhà lau xong đầy nước, cơm con nấu lúc sống lúc nhão, mâm cơm chỉ có rau luộc, thịt luộc, trứng luộc vì con chưa biết chiên, xào hay nấu canh, nhưng anh chị đều ăn ngon lành, vừa khen vừa động viên con. Đến bây giờ, chị chỉ việc cuối tuần dẫn các con đi siêu thị, muốn mua gì các con đều tự lên thực đơn và chọn nguyên liệu. Tôi từng ái ngại bảo bạn “hành” con dữ quá. Bạn cười, bạn luôn muốn hai đứa con bên cạnh việc học phải biết tự chăm sóc bản thân, làm việc nhà. Đàn ông hay phụ nữ, ngoài việc kiếm tiền đều cần phải biết chăm sóc gia đình.

Tôi nói với anh bạn, bây giờ cho đến lúc vào đại học vẫn còn lâu, anh chị có thể tập dần tính tự lập cho cháu. Anh trầm ngâm rồi gật đầu cái rụp đầy quyết tâm. Phen này, chắc anh sẽ “đấu tranh” với vợ đến cùng. Muộn còn hơn không. Bởi anh chị rồi cũng già, chẳng có cha mẹ nào có thể ở mãi để lo cho con được, mà chúng cũng phải tự mình lớn lên.

Linh Chi

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ
Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ

Qua thực tế giáo dục con trẻ mới thấm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Dạy con bằng chính tấm gương của bố mẹ là một trong những phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.