Thứ Năm, 17/01/2019 14:18

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất tiêu dùng

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng những ngày qua tại Thừa Thiên Huế đã có phương án đảm bảo phương tiện vận tải hàng hóa ra vào, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng ở địa phương.

Tạo điều kiện tối đa trong vận chuyển hàng hóa khu vực phía NamCần những chính sách hỗ trợ dễ tiếp cận cho doanh nghiệp vận tải

Lực lượng chức năng phun khử khuẩn cho phương tiện tại chốt trước khi vào địa bàn

Anh Hồ Viết Cường, tài xế chuyên vận chuyển hàng hóa từ Huế - Đà Nẵng và ngược lại mấy ngày qua vẫn hoạt động 1-2 chuyến/ngày.  Anh vui vì mùa dịch mà công việc không gián đoạn như những lần trước. Anh chia sẻ, hiện nay nếu vận chuyển hàng từ địa phương đi các tỉnh khác thì chịu sự giám sát kiểm tra phòng dịch của các tỉnh, thành nơi đến; nhưng nhận hàng hóa từ các tỉnh, thành về Thừa Thiên Huế là chủ xe, doanh nghiệp (DN) phải đăng ký khai báo y tế trực tuyến tại Sở GTVT và có sự giám sát, kiểm tra phòng ngừa dịch COVID-19 của các lượng chức năng địa phương. "Đây là giải pháp thuận lợi so với những kỳ dịch trước, vì xe vận tải hàng hóa muốn vào địa bàn phải đổi tài xế rất phiền hà", anh Cường chia sẻ.

Thừa Thiên Huế nằm ở khúc ruột miền Trung, là tuyến đường "huyết mạch" quốc gia. Mỗi ngày phương tiện vận tải các tỉnh, thành đang có dịch COVID-19 bùng phát qua lại đông. Với tình trạng này, tỉnh đã ban hành những quy định chặt chẽ, quyết liệt trong phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các phương tiện vận tải liên tỉnh chở hàng hóa vào và đi qua địa bàn.

Hiện nay, xe vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành về Thừa Thiên Huế là chủ xe, DN phải đăng ký trước 3 giờ đồng hồ và được đồng ý tại mục "Đăng ký xe giao/nhận hàng" thông qua việc khai báo y tế, lịch trình di chuyển nguồn hàng đi/đến bằng hình thức trực tuyến trên phần mềm của Sở GTVT hoạt động 24/24h. Sau đó, quá trình xe di chuyển sẽ được các lực lượng chức năng phân luồng từ các chốt chặn kiểm soát ở các cửa ngõ ra vào.

Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa về từ vùng dịch, lái phụ xe sẽ được test nhanh tại các chốt kiểm soát để sàng lọc và quá trình giao, chuyển, chủ nhận hàng (đơn vị, tổ chức, DN... ) có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện cách ly tạm thời cho lái, phụ xe... dưới sự giám sát, kiểm tra của lực lượng chức năng, địa phương về công tác phòng dịch.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc siết chặt quản lý đối với các tuyến xe liên tỉnh là hết sức cần thiết. Thời điểm này, hầu hết các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ Thừa Thiên Huế đi/đến các vùng dịch đã tạm dừng. Riêng với vận tải hàng hóa, Thừa Thiên Huế luôn xác định tạo những "huyết mạch" thông thương, tránh tình trạng "ngăn sông cấm chợ" làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa; góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Theo con số ghi nhận, hiện mỗi ngày bình quân có khoảng 22.000 lượt xe vận chuyển hàng hóa, hành khách đi qua địa bàn và hơn 1.500 lượt xe vận tải hàng hóa vào địa bàn Thừa Thiên Huế. Đây là con số không hề nhỏ nếu chỉ có lực lượng chức năng đảm nhiệm thì sẽ kiểm tra không xuể; nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các phương tiện này rất cao. Do đó cần có thêm các kênh giám sát từ chính quyền cơ sở, tin báo của người dân và quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành của các DN vận tải, nhà xe, tài xế... trong việc thực hiện các quy định phòng dịch.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền các quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có các phương tiện vận tải hàng hóa để mỗi DN vận tải, nhà xe, tài xế, người dân hiểu rõ, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh cũng là giải pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa các nguồn lây dịch bệnh từ các tỉnh, thành khác vào Thừa Thiên Huế, tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản tiếp tục thực hiện công tác quản lý phương tiện vận tải ra vào Thừa Thiên Huế, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, theo hình thức cấp “phiếu kiểm soát” (phù hiệu). Cụ thể với xe chỉ đi ngang qua Thừa Thiên Huế, không giao nhận hàng tại tỉnh được cấp phù hiệu màu vàng và đi không quá 3 giờ đồng hồ. Những phương tiện này không cần đăng ký trước, chỉ khai báo tại các chốt để được cấp phù hiệu. Sau khi xe ra khỏi địa bàn, yêu cầu trả lại phù hiệu tại chốt đầu ra.

Đối với xe giao hàng tại Thừa Thiên Huế yêu cầu chủ xe, DN phải đăng ký trước qua mạng và được Sở GTVT phê duyệt. Nếu xe đến từ vùng có dịch được cấp phiếu màu đỏ; vùng không có dịch được cấp phiếu xanh. Sau khi giao trả hàng xong đến chốt đầu ra của tỉnh trả lại phù hiệu.

Bài, ảnh: SONG MINH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã (HTX) làm khâu trung gian kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm đang được ngành nông nghiệp từng bước nhân rộng.

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên Huế sẽ hoạt động trở lại vào ngày 18 2
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên Huế sẽ hoạt động trở lại vào ngày 18/2

Từ chiều 13/2, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên Huế (Trung tâm) tạm dừng hoạt động để lực lượng chức năng khám xét do đội ngũ lãnh đạo Trung tâm này bị phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến quy trình đăng kiểm xe cơ giới. Cụ thể là khi nhiều phương tiện đến đăng kiểm không đảm bảo an toàn giao thông nhưng vẫn được Trung tâm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.