Thứ Năm, 31/01/2019 06:45

Nợ bảo hiểm xã hội, đâu chỉ bởi dịch COVID-19

Nhiều doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) kéo dài. Không để tình trạng vin vào dịch bệnh ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động là vấn đề đặt ra.

Doanh nghiệp và người lao động cùng khó

Tư vấn cho NLĐ tìm việc làm mới khi rơi vào thất nghiệp

Dịch bệnh khiến nợ BHXH tăng

Tại Diễn đàn Du lịch Huế 2021, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, dịch COVID-19 đã làm tê liệt ngành du lịch và các ngành dịch vụ liên quan, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp và điểm đến… và tỉnh Thừa Thiên Huế cũng không ngoại lệ. Thực tế cho thấy, cùng với các doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ giao thông vận tải, nông lâm nghiệp và thuỷ sản, dệt may... là các nhóm doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Sản xuất kinh doanh ách tắc dẫn đến nợ… bảo hiểm các loại.

Một thống kê của BHXH tỉnh, nợ của các đơn vị cùng tham gia BHXH, BHYT, BHTN tính đến 30/6/2021 ở Thừa Thiên Huế là 197.050 triệu đồng, tăng 1.679 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2020; tổng số nợ chiếm 5,85% so với số phải thu theo kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Qua phân loại, nợ BHXH là 168.446 triệu đồng (bao gồm nợ chậm đóng: 16.073 triệu đồng, nợ đọng: 14.058 triệu đồng, nợ kéo dài: 105.889 triệu đồng, nợ khó thu: 32.425 triệu đồng); nợ BHYT là 21.152 triệu đồng và nợ BH thất nghiệp là 6.214 triệu đồng; nợ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 1.237 triệu đồng. Ngoài ra, số tiền ngân sách Nhà nước chưa chuyển vào quỹ BHYT cũng lên tới 7.167 triệu đồng.

Làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 từ sau dịp lễ 1/5 đến nay khiến các doanh nghiệp một lần nữa “chao đảo”. Ông Lê Hồng Phúc, Phó Trưởng phòng Quản lý thu (BHXH tỉnh) cho biết, có tới 40% doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ (dưới 10 người lao động) và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực du lịch nên dịp này hầu như không có khách, không có doanh thu, dẫn đến nợ BHXH, BHYT.

Không để vin vào cớ dịch bệnh

Tỷ lệ nợ 5,85% so với số kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao là cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khiến cho các doanh nghiệp bị tổn thương, thậm chí có trường hợp phá sản được xem là nguyên nhân. Do gặp khó nên việc chuyển nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của một số doanh nghiệp không kịp thời, dẫn đến nợ đọng.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, thường xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến nợ kéo dài, số tiền nợ lớn nhưng chưa được xử lý nghiêm nên dẫn đến xem thường các quy định của pháp luật. Có thể liệt kê một vài gương mặt tiêu biểu: Công ty CP May xuất khẩu Đại Việt, Công ty TNHH SP Bio Energy, Công ty CP Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế, Công ty ĐTXD Giao thông thủy lợi Thừa Thiên Huế, Công ty TNHH Việt Đức, Doanh nghiệp tư nhân đá Granite Bảo Nhân... Tình trạng này chủ yếu là do nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động hạn chế. Trong khi đó, công tác khởi kiện còn nhiều vướng mắc...

Theo ông Lê Hồng Phúc, BHXH tỉnh đang đẩy mạnh kiểm soát không để DN vin cớ dịch bệnh để chậm đóng, nợ đóng BHXH, BHYT. BHXH tỉnh sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành phối hợp với BHXH tỉnh xử lý, thu hồi nợ BHXH, giảm tỷ lệ nợ của các DN; phối hợp với UBND các huyện tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT tại các DN; rà soát, phân loại đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng để xác định rõ nguyên nhân nợ đọng và có phương án đôn đốc thu hiệu quả. “Nếu đơn vị, DN nào đang hoạt động tốt vẫn trốn đóng, BHXH tỉnh sẽ tiến hành thanh tra đột xuất để làm căn cứ đề xuất xử lý vi phạm hình sự theo quy định của Luật BHXH và Bộ luật Hình sự”, ông Lê Hồng Phúc nhấn mạnh.

Bảo đảm chỉ tiêu phát triển

Cùng với việc đôn đốc thu đối với những đơn vị nợ kéo dài, BHXH tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, nhất là phối hợp với Công an tỉnh xử lý nghiêm những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thời gian qua, BHXH Thừa Thiên Huế đã ban hành công văn xin điều chỉnh giảm kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 do ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch COVID - 19; tổ chức thanh tra chuyên ngành và thanh tra đột xuất nhiều đơn vị sử dụng lao động theo kế hoạch. Quá trình thanh tra và sau khi ban hành kết luận thanh tra, BHXH tỉnh đã đôn đốc các đơn vị nợ chuyển nộp tiền nợ BHXH, BHTN và BHYT với tổng số tiền là 3.850,5 triệu đồng. BHXH tỉnh cũng chủ động làm việc với các đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động theo dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp để có căn cứ theo dõi tình hình, trực tiếp làm việc, đôn đốc các đơn vị chuyển nộp tiền nợ theo đúng luật định.

Đặc biệt, xác định công tác thu BHXH, BHYT là nhiệm vụ trọng tâm nên ngay từ đầu năm, cùng với đẩy mạnh công tác thu nợ BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra các biện pháp và chỉ tiêu phấn đấu phát triển các loại hình bảo hiểm. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát nhưng nhờ triển khai tích cực, đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, thu và thu nợ, nên việc thực hiện các chỉ tiêu dự toán thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt những kết quả tích cực. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng so với cuối năm 2020 và so với cùng kỳ năm 2020; số tiền thu cũng tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Bài, ảnh: THU HUẾ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Tạo sức hút từ những việc nhỏ
Tạo sức hút từ những việc nhỏ

Gần gũi với người lao động (NLĐ), hiểu và giúp đỡ NLĐ kịp thời các vấn đề liên quan đến đời sống và việc làm là cách Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phong Điền tạo sức hút cho công đoàn.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.

Gian nan tìm việc làm
Gian nan tìm việc làm

Nếu chẳng may bị mất việc, phụ nữ tuổi trung niên sẽ gian nan tìm việc làm do các cở sở sản xuất, kinh doanh… chủ yếu tuyển dụng lao động trong độ tuổi từ 18 - 35.