Thứ Năm, 28/02/2019 14:22

Các địa phương gặp nhiều khó khăn trước thềm năm học 2021 - 2022

Ngày 31/8, thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho biết, qua rà soát bước đầu, có khoảng 50% học sinh các trường sẽ gặp khó khăn trong vấn đề học trực tuyến. Ngành giáo dục huyện A Lưới sẽ linh hoạt giải pháp để giải quyết khó khăn trước mắt.

Nhiều kịch bản cho năm học mớiKhởi động chương trình dạy học trên truyền hìnhGiảm khó cho phụ huynh trong đầu năm học

Học sinh nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa tại huyện A Lưới đang thiếu phương tiện, máy móc để học trực tuyến

Theo bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới, các trường đang thống kê cụ thể điều kiện từng học sinh. Tuy nhiên, qua rà soát bước đầu, có khoảng 50% học sinh thiếu phương tiện, máy tính hoặc điện thoại thông minh, thiếu internet để đáp ứng việc học trực tuyến năm học 2021 - 2022.

Riêng học sinh lớp 1, 2 và 6 học qua truyền hình có thể áp dụng giải pháp như năm học 2020 - 2021 là học từng nhóm học sinh gần nhà nhau học chung ti vi, phân công giáo viên theo dõi, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Tại huyện A Lưới, học sinh từ lớp 1 trở lên sẽ chính thức bước vào học tập từ ngày 6/9. Theo bà Hương, để giải quyết khó khăn trên, sau quá trình rà soát cụ thể điều kiện học sinh, giải pháp hướng đến dự kiến có thể bố trí giáo viên dạy trực tiếp (đối với các khu vực an toàn) theo từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm 7 - 10 em. Đồng thời, sẽ có các giải pháp tiếp theo phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Đối với khối mầm non, sau khi các cơ sở cách ly bàn giao lại điểm trường, tiến hành khử khuẩn và các công tác liên quan phòng, chống dịch, sẽ xem xét việc tổ chức dạy - học sau ngày 15/9.

*Tại thị xã Hương Thủy, trước diễn biến của dịch COVID-19, nhiều phương án linh hoạt trong năm học 2021 - 2022 đã được đưa ra. 

Giáo viên Trường TH số 2 Thủy Phù vệ sinh trường lớp để đón học sinh bước vào năm học mới 2021 - 2022

Cụ thể, ngoài dạy học trực tiếp, giáo dục Hương Thủy đã có những phương án thiết thực để học sinh, giáo viên trên địa bàn không bị gián đoạn trong quá trình dạy và học.

Hiện trên địa bàn TX. Hương Thủy có khoảng 24 ngàn học sinh ở 4 cấp: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Qua rà soát, có khoảng 15 - 20% học sinh chưa thể tiếp cận hình thức học trực tuyến hay trên sóng truyền hình tại năm học mới 2021 - 2022 do thiếu phương tiện, sóng truyền hình và Internet yếu hoặc chưa vươn tới, chủ yếu tập trung ở các vùng khó của một số xã: Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Phù...

Để học sinh không bị gián đoạn việc học, giáo dục Hương Thủy đã có những giải pháp thiết thực, linh hoạt bằng các phương án dạy học phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của học sinh, như: quay lại clip bài giảng của giáo viên hoặc in ra giấy (tùy trường hợp cụ thể), sau đó gửi đến từng phụ huynh, học sinh.

Liên quan đến khai giảng năm học mới, theo bà Ngô Thị Ái Hương – Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy, nếu đến ngày 5/9, diễn biến COVID-19 không quá phức tạp, lễ khai giảng vẫn được tiến hành theo hướng tinh gọn. 

*Tại huyện Phú Lộc, ngoài dạy học trực tiếp, ngành giáo dục huyện có đã đưa ra các phương án dạy học trực tuyến để không bị gián đoạn trong chương trình. Tuy nhiên, do điều kiện về cơ sở vật chất của phụ huynh và học sinh, địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong dạy - học trực tuyến.

Theo Phòng Giáo dục & Đào tạo Phú Lộc, qua rà soát có khoảng 50% học sinh chưa thể tiếp cận hình thức học trực tuyến hay trên sóng truyền hình trong năm học mới 2021 - 2022 này do thiếu phương tiện, sóng truyền hình... Cụ thể, đối với học sinh lớp 1, 2 và 6 dạy học qua truyền hình TRT, khối lớp 1, 2 có khoảng 2.794/5.142 học sinh không bắt được sóng TRT, chiếm tỷ lệ 54%; khối lớp 6 có khoảng 940/1.864 học sinh không bắt được sóng TRT, chiếm tỷ lệ hơn 50%.

Nguyên nhân chủ yếu do một số vùng của các xã Lộc Hòa, Lộc Bình, Xuân Lộc, Lộc An và thị trấn Lăng Cô không bắt được sóng truyền hình TRT. Nhiều phụ huynh còn dùng ti vi bình thường, bắt sóng anten, không có Smart TV để kết nối internet xem đài TRT.

Riêng đối với dạy học trực tuyến online, qua rà soát, cấp tiểu học có khoảng 5.802/13.064 học sinh và cấp THCS có 4.851/9.734 học sinh không thể tham gia học trực tuyến online, chiếm tỷ lệ lần lượt là gần 50% và hơn 44%.

Bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Phú Lộc cho biết, khó khăn của địa phương là rất ít gia đình có máy tính kết nối Internet để học sinh học online. Phụ huynh học sinh có điện thoại thông minh nhưng không có kết nối internet và không rành trong việc đăng nhập phần mềm dạy học, hướng dẫn học sinh học online. Hơn nữa, khi nhiều người đăng nhập cùng một lúc, đường truyền mạng sẽ chậm và khó đăng nhập để học...

Trước thực tế này, để không bị gián đoạn việc dạy và học, ngành giáo dục Phú Lộc đưa ra giải pháp bố trí giáo viên dạy trực tiếp đối với các địa phương an toàn. Trong đó ưu tiên dạy học trực tiếp cho số học sinh không có điều kiện học trực tuyến và học sinh có học lực yếu để hạn chế tập trung đông học sinh; tổ chức dạy trực tuyến cho các em học sinh gia đình có điều kiện phương tiện máy móc và học sinh có học lực khá, giỏi.

Đối với học sinh ở vùng phong tỏa, giãn cách không có điều kiện học trực tuyến, ngành sẽ có giải pháp linh hoạt như in bài giảng, quay lại clip bài giảng của giáo viên để gửi đến từng phụ huynh, học sinh.

Tin, ảnh:  Hữu Phúc - Hàn Đăng - Bá Trí

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa vẻ đẹp áo dài
Lan tỏa vẻ đẹp áo dài

Ngày hội tôn vinh áo dài với chủ đề “Phụ nữ Hương Thuỷ khoe sắc cùng áo dài” diễn ra sáng 26/2 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin & Thể thao TX. Hương Thủy, thu hút hàng trăm nữ cán bộ, hội viên trên địa bàn tham dự

Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh
Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh

Ngày 25/2, Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh, TP. Huế phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức chương trình Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh và học sinh các khối 8,9.

Giữ chữ cho em
Giữ chữ cho em

Thống kê sơ bộ, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30 học sinh nghỉ học sau Tết.