Thứ Bảy, 16/03/2019 14:16

Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Theo Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Nhu cầu nhân lực lớn, sinh viên cần chuẩn bị kiến thức và kỹ năngDạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh

Sẽ không bắt kịp chương trình nếu giáo viên không nâng cao trình độ (ảnh minh họa, chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Kẻ háo hức, người âu lo

Mới đây gặp chúng tôi, cô V.T.N.T.L, giáo viên dạy môn tiếng Anh của Trường tiểu học Phú Thượng 1 (TP. Huế) cho hay: “Trình độ học sinh học thông qua nhiều kênh nên giáo viên không tự trau dồi thì sẽ khó khăn. Tôi vẫn muốn đi học để nâng cao trình độ”. Cũng với suy nghĩ tương tự, nhớ vào dịp khai trường năm học 2019 - 2020, chúng tôi có dịp tiếp xúc với cô giáo N.T.N, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế năm 2015, dạy học tại một trường tiểu học trong thành phố. Theo lời cô N.T.N, theo tiêu chuẩn trước đây, với trình độ cao đẳng, cô được xếp vào hạng trên chuẩn. Thế nhưng, theo quy định mới của Luật Giáo dục năm 2019, cô N. trở thành giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo nên cô mong muốn được đi học.

Không có được sự háo hức và chủ động như 2 đồng nghiệp, cô giáo T.N. A. giáo viên Trường THCS P., năm nay đã 50 tuổi, có thâm niên dạy học 27 năm, thì lại khác. Còn hơn 5 năm nữa mới nghỉ hưu theo chế độ, nhưng khi nghe tin mình thuộc đối tượng phải học nâng chuẩn từ trình độ cao đẳng lên đại học, cô A. phân vân. Vẫn biết việc học tập nâng cao trình độ sẽ giúp giáo viên đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi của công việc trong tình hình mới. “Nhưng với giáo viên có tuổi đời, tuổi nghề như tôi, việc học tiếp lên đại học trong 2 năm không phải chuyện dễ dàng. Đáng lo là, nếu không học, không biết có được tiếp tục giảng dạy hay không?”. Cô A. trăn trở và lo lắng.

Háo hức hay âu lo cũng đều có lý do chính đáng. Những giáo viên có tuổi đời còn trẻ, có nhiều mục tiêu phấn đấu xem việc nâng chuẩn không chỉ giúp họ chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp, mà còn là cơ hội để nâng cao kiến thức và kỹ năng sư phạm. Còn với những giáo viên lớn tuổi, đặc biệt những người chuẩn bị về hưu thì lo lắng cũng là dễ hiểu, khi mà tiêu chuẩn và mục tiêu phấn đấu không còn có ý nghĩa và bản thân lại gặp khó khăn trong việc tiếp thu những kiến thức mới.

Tự chủ động….  nâng chuẩn

Toàn tỉnh có khoảng 1.600 giáo viên chưa đạt chuẩn, chủ yếu là mầm non, tiểu học còn bậc học trung học cơ sở có 366 giáo viên. Có thể nói, số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn mới không nhiều so với tỉnh khác và chiếm tỷ lệ thấp so với con số hơn 18 ngàn giáo viên bậc học mầm non và phổ thông của toàn tỉnh.

Trường tiểu học Phú Thượng 1 có 9 giáo viên có trình độ cao đẳng, chưa đạt chuẩn nên năm 2020, các giáo viên đã đi học để lấy bằng cử nhân. Thời gian đi học chủ yếu là thứ 7, chủ nhật và học trực tuyến. Giáo viên đi học từ nguồn kinh phí tự túc chưa được Nhà nước hỗ trợ. Thực tế là, nhiều giáo viên muốn đi học nhưng chờ cả năm mới có lớp. Thị xã Hương Trà có 20 giáo viên cần nâng chuẩn theo quy định. Đến nay, một số giáo viên đã nộp hồ sơ học liên thông lên đại học. Các trường đã động viên và tạo điều kiện cho các giáo viên tiếp tục đi học để nâng cao trình độ. Tại Nam Đông, bậc học trung học cơ sở còn 10 người, mầm non 2 người và tiểu học 26 người có trình độ chưa đạt chuẩn. Đa số đăng ký các lớp học, nhưng một số môn phải đang tìm lớp và học phí được huyện hỗ trợ.

Cũng bởi vì lo không được đứng lớp và trình độ bị tụt hậu, nhiều giáo viên đã tự bỏ tiền túi và được các trường tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn. “Chiếu theo quy định thì tôi phải học liên thông lên đại học mất khoảng 2 năm nữa. Thế nên, tôi chủ động đăng ký học nâng chuẩn và được nhà trường tạo điều kiện để theo học”. Cô giáo N. chia sẻ.

Khi lộ trình sẵn có

Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Theo đó, lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được tiến hành trong 10 năm, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 1/7/2020 (ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành) đến ngày 31/12/2025. Giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030. Độ tuổi phải nâng trình độ chuẩn đối với giáo viên mầm non là còn đủ 7 năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu; giáo viên tiểu học 8 năm; giáo viên trung học cơ sở còn đủ 7 năm.

Lộ trình nâng trình độ chuẩn kéo dài trong nhiều năm, do đó nhà trường có thể tính toán số lượng giáo viên đi học theo từng năm để phù hợp với thực tiễn từng trường và giáo viên. Những giáo viên này sẽ được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn trước. Giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn sẽ được tạo điều kiện về thời gian và được hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo theo quy định. Họ có thể vừa làm, vừa học. Thời gian, hình thức học tập cũng có thể thực hiện linh hoạt, như học trực tuyến, học tập trung, học trực tuyến kết hợp với tập trung, học vào ngày nghỉ, học trong hè. Giáo viên cũng được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục; được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật, trong đó có phụ cấp đứng lớp.

Giám đốc Sở GD & ĐT Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân cho biết, trên cơ sở kế hoạch của Bộ GD&ĐT,  ngành đã trình UBND tỉnh đề án nâng chuẩn giáo viên, xác định lộ trình bố trí nguồn kinh phí, sàng lọc đối tượng hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị uy tín, tránh đào tạo tràn lan. Thừa Thiên Huế phấn đấu sẽ đạt chuẩn cho giáo viên trong năm 2026.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh
Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh

Ngày 25/2, Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh, TP. Huế phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức chương trình Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh và học sinh các khối 8,9.

Giữ chữ cho em
Giữ chữ cho em

Thống kê sơ bộ, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30 học sinh nghỉ học sau Tết.