Chủ Nhật, 24/03/2019 06:16

Chuẩn bị lực lượng và phương tiện ứng phó bão số 6

Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã mạnh lên thành bão (bão số 6). Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bão, đặc biệt chú trọng công tác ứng phó thiên tai trong bối cảnh an toàn dịch bệnh.

Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi gió mạnh, mưa lũ lớnBão số 5 cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 230kmChủ động trước các tình huống bất ngờ

Phương tiện từ biển vào âu thuyền tránh trú an toàn

An toàn cho ngư dân

Tính đến chiều ngày 23/9, các địa phương đã tiến hành kêu gọi 2.047 phương tiện tàu thuyền với 11.288 lao động vào bờ tránh trú an toàn. Còn 15 tàu với 62 lao động hoạt động ở khu vực phía nam của vịnh Bắc bộ, cách bờ khoảng 30-45 hải lý, đã nắm được thông tin bão và đang tiến hành di chuyển vào bờ. Trước đó, ứng phó ATNĐ mạnh lên bão, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai 5 điểm bắn pháo hiệu cho tàu thuyền, hỗ trợ ngư dân sắp xếp phương tiện khi vào bờ và đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19.

Ghi nhận của PV, tại các xã vùng biển ngày 23/9 đã bắt đầu có mưa lớn, nhiều phương tiện tàu thuyền đã vào bờ tránh trú an toàn. Đại úy Nguyễn Minh Phú, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Thuận An (Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP tỉnh) thông tin, tổng số phương tiện tàu thuyền trên địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An quản lý là 419 phương tiện, với 2.159 lao động. Đến nay đã kêu gọi hết số phương tiện và tàu thuyền vào bờ. Trong đó, có 50 phương tiện với 278 lao động là tàu thuyền các địa phương khác. Để đảm bảo an toàn cho những lao động này khi vào tránh trú bão, cùng với đảm bảo công tác chống dịch theo quy định, sau khi neo trú, những lao động này được lực lượng y tế của tổ kiểm soát phòng chống dịch test nhanh COVID-19, khai báo y tế và đưa đi cách ly tập trung.

Ông Phan Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hải (Phú Vang) cho biết, âu thuyền Phú Hải hiện nay vừa thi công nâng cấp, vừa khai thác nhưng vẫn đảm bảo an toàn và luồng lạch ổn định tạo điều kiện cho tàu thuyền trong và ngoài tỉnh ra vào tránh trú bão với công suất khoảng 500 phương tiện. Địa phương đã bố trí lực lượng thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi tham gia sắp xếp tàu thuyền giúp ngư dân.

Khai báo y tế, test nhanh COVID-19 đối với ngư dân ngoại tỉnh

Sẵn sàng ứng phó

Ứng phó với bão lần này, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã duy trì lực lượng 680 cán bộ, chiến sĩ cùng 18 phương tiện tàu thuyền cứu hộ, cứu nạn ứng cứu khi có tình huống cần thiết. Chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển và Hải Đội 2 sẵn sàng lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức, hướng dẫn phương tiện, thực hiện công tác phòng, chống dịch giúp ngư dân khi vào khu neo đậu.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đơn vị đã có công điện yêu cầu các địa phương phối hợp với Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế tổ chức kiểm đếm, quản lý các tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn tại bến, các khu neo đậu tránh trú đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây tránh va trôi…

Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi kiểm tra công tác an toàn, khơi thông dòng chảy, đề phòng lũ quét, sạt lở đất; rút toàn bộ công nhân vùng có rủi ro thiên tai cao ra khỏi công trình. Bố trí biển báo nguy hiểm cho người dân ở khu vực hiện trường đang thi công dang dở.

Ngoài ra, các địa phương tổ chức rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng xung yếu. Có phương án chống úng, bảo vệ diện tích hoa màu, thủy sản chưa thu hoạch xong. Hướng dẫn người dân đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly.

Để chủ động ứng phó thiên tai, nhất là nguy cơ xảy ra bão, ATNĐ, mưa lớn nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương, các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát và ngăn chặn tình trạng người dân vào rừng để sản xuất, khai thác, du lịch và các hoạt động khác trong thời gian thiên tai, bão lũ. Phối hợp các lực lượng thực hiện công tác tuần tra, chốt chặn kiểm soát ở các cửa rừng và các địa bàn mà người dân có đất sản xuất hay trang trại trong rừng, không để người dân vào rừng nhằm tránh thiệt hại về nhân mạng, tai nạn, mất tích xảy ra do mưa bão.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển
Đầu tư đê kè ứng phó sạt lở biển

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, sóng lớn cộng triều cường đã làm đường bờ biển trên địa bàn tỉnh sạt lở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nhiều năm nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, chỉ mới đầu tư xây dựng kè khoảng 50% trên chiều dài bờ biển bị sạt lở.

Chuẩn bị chu đáo, huấn luyện chất lượng
Chuẩn bị chu đáo, huấn luyện chất lượng

Đến thời điểm này, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP. Huế, ban CHQS 36 xã, phường và 189 đơn vị tự vệ đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho mùa huấn luyện mới đạt kết quả tốt.

Chuẩn bị tốt để chiến sĩ mới sớm thích nghi
Chuẩn bị tốt để chiến sĩ mới sớm thích nghi

Năm 2023, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh được giao nhiệm vụ tiếp nhận và huấn luyện 260 chiến sĩ mới. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị từ nơi ăn, ở, đến mô hình, học cụ, thao trường bãi tập để sẵn sàng tiếp nhận và huấn luyện chiến sĩ mới đã cơ bản hoàn tất.

Xây nhà ứng phó thiên tai cho cộng đồng
Xây nhà ứng phó thiên tai cho cộng đồng

Nhiều hạng mục công trình thuộc dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - dự án thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA) đã triển khai thi công hoàn thiện ở các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả, bền vững cho sự phát triển các đô thị và hỗ trợ năng lực cho cộng đồng chống chịu với biến đổi khí hậu.