Thứ Hai, 06/05/2019 13:45

Phập phồng theo vụ hoa tết

Những ngày này, các vùng trồng hoa cúc nổi tiếng ở Huế, nông dân đang tất bật chăm sóc cho vụ hoa tết. Chăm bẵm, nâng niu từng chậu hoa đang vươn mình lên cao, chưa bao giờ người nông dân thôi âu lo, phập phồng về vụ hoa tết...

“Đội mưa” chăm hoa tếtLo trễ vụ hoa màu phục vụ tếtMượn đất “vàng” trồng hoa tếtTất bật lo vụ hoa Tết

Nông dân vùng hoa Thủy Vân chăm vụ hoa tết

Canh bạc vụ hoa

“Cả năm được vụ hoa tết này. Đã là nông dân trồng hoa tết thì phải trồng thôi, đôi khi người tính “không bằng trời tính”, nông dân Nguyễn Ngọc Phú, vùng hoa Thủy Vân (TP. Huế) thở dài.

Tranh thủ những ngày tạnh ráo, hửng nắng cuối tháng 10 đầu tháng 11, cả gia đình ông Phú cùng ra vườn hoa với hơn 500 chậu hoa cúc vừa được ươm trồng cách đây khoảng 3 tháng để chăm bón. Để có được sự phát triển đồng đều, xanh tốt cho hàng trăm chậu hoa cúc là chuyện không hề đơn giản.

Theo ông Phú, dù chăm sóc tốt tới cỡ nào chỉ cần gặp thiên tai cũng đành bất lực. Khu đất nơi lão nông tuổi gần 60 trồng hoa là dãy các lô đất đã được quy hoạch, phân lô và đã có chủ. Tuy nhiên, chủ ở vùng khác tới, chưa có ý định cất nhà nên ông Phú cứ thế “mượn tạm” để trồng hoa. Hơn chục năm làm nghề trồng hoa cúc, không thể kể hết thăng trầm, có năm lời cả trăm triệu, nhưng có năm may lắm hòa vốn.

“Mình chủ yếu lấy công làm lời. Dù chăm chỉ mấy, nhưng gặp lũ lụt lớn thì chịu, mất trắng như chơi”, ông Phú nói và dẫn chứng vụ hoa tết năm 2020, lũ lụt triền miên, nước dâng rồi rút khiến hàng trăm chậu hoa của ông bị ngâm nước, hư, chết. Vụ hoa năm đó, ông còn hơn 200 chậu bán ra thị trường, coi như lấy lại được vốn.

Nông dân trồng hoa cúc vụ tết tất bật với công việc chăm bón

500 chậu hoa cúc năm nay so với năm trước là ít, bên cạnh lo lắng mưa lũ không dám trồng nhiều, còn đó là nỗi lo dịch bệnh, sợ thị trường hoa chơi tết sẽ giảm người mua. Nghe người hỏi chuyện, vừa tưới phân, vợ ông Phú cạnh đó mấy luống hoa nói với: “Trồng 6 tháng, nhưng phải qua đêm giao thừa mới biết vụ hoa thành công hay không”. Theo người trồng hoa cúc, bên cạnh chuyện thiên tai, thì việc bị ép giá cũng khiến họ vừa lo, vừa uất và ớn lạnh với cái quy luật oái ăm đó. Mọi thứ như canh bạc.

Quanh khu đất trồng hoa cúc của vợ chồng ông Phú, là cả trăm lô đất quy hoạch được người dân Dạ Lê, Thủy Vân mượn tạm để trồng hoa chẳng khác gì một cánh đồng hoa tuyệt đẹp. Thời điểm này, vụ hoa được 3 tháng, cây hoa cục cao tầm 70cm đang được người dân chẻ tre chuẩn bị dựng vè cho cây và thắp sáng điện, thúc hoa phát triển kịp tiến độ.

Cách đó không xa, vườn hoa bà Nguyễn Thị An với hơn 1.000 chậu đang được bà tưới nước. Bà kể, có năm thì mưa dai dẳng, khiến lụt ngập hư, chết hoa. Năm nay ngược lại, mưa quá ít, thiếu nước nên phải câu đường dây, tưới nước liên tục. Ngoài ra, theo kinh nghiệm trồng của bà, đây là thời gian cây phát triển nhanh nên phải chăm bón, coi sóc thật kỹ, vừa điều chỉnh để búp nở theo tiến độ và ý của người trồng.

“Phải tính toán kỹ lưỡng thời gian sinh trưởng, phát triển, tránh để hoa nở trước hoặc sau tết, bởi giá bán sẽ không được cao, chất lượng cũng kém đi”, bà An tâm sự và cho rằng tình hình thời tiết năm nay khá ổn định, hoa phát triển tốt, không lo mưa lũ nên cũng an tâm phần nào.

Mong thị trường ổn định

Không riêng gì vùng hoa Thủy Vân, nhiều vùng hoa khác như Phú Thượng, Thuỷ Dương, Thủy Thanh… người nông dân cũng đang tất bật với vụ hoa cúc để kịp phục vụ thị trường hoa Tết Nhâm Dần 2022. Ngoài thị trường là các hội chợ hoa tết, hoa cúc của nông dân Huế thường được thương lái từ Quảng Bình, Quảng Trị vào mua tận vườn.

Lão nông Lê Phước Trai (Phú Thượng, TP. Huế) cho rằng, việc trồng hoa chỉ là một phần, phần tìm đầu ra cũng quan trọng không kém. Ngoài đấu lô, bày bán ở các khu chợ hoa tết như mọi năm thì nay đường sá thuận tiện, người mua có thể tìm đến để chọn mua tại nhà người trồng.

Theo ông Trai, ngày trước khi chợ hoa tập trung về đường Lê Duẩn (đoạn trước mặt Kỳ Đài) và Khu ngã 6 đường Hùng Vương, thì nay chợ hoa được phân ra nhiều nơi nên không còn sôi động như trước. “Cái chi cũng rứa, buôn bán xôm tụ mới đông vui, chứ tách nhỏ ra, lẻ tẻ buồn với khó bán lắm”, ông Trai kinh nghiệm. Vì thế, mà những năm gần đây, ngoài bán cho thương lái phương xa, ông chủ yếu bán tại nhà thông qua hình thức quảng bá, rao bán trên mạng xã hội. Việc này vừa tiết kiệm rất nhiều chi phí, đổi lại có thể giảm giá thành để dễ chiều lòng người mua.

Hỏi lo ngại gì cho vụ hoa năm nay, ông Trai thật lòng nói đến thời điểm không sợ mưa bão, chỉ mong tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, để người dân ăn nên làm ra, kinh tế phát triển và có tiền sắm hoa chơi tết. Người bán phải có người mua, thị trường xoay vòng, như chính phận đời của những chậu hoa. “Và cũng mong người chơi hoa, nên mua sớm, đừng để cận giờ giao thừa mới tìm mua, ép giá. Như vậy được người ta, mà thiệt thòi dân trồng hoa, tội lắm”, người đàn ông có hơn chục năm dầm sương dãi nắng với nghề trồng hoa nói với giọng thật thà.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Quảng Điền làm giàu
Nông dân Quảng Điền làm giàu

Phong trào sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi tạo động lực cho nhiều hộ nông dân nghèo ở Quảng Điền vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng.

Song hành cùng nông dân
Song hành cùng nông dân

Bằng nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, các cấp Hội Nông dân huyện Phú Lộc đã song hành cùng hội viên nông dân trong phát triển kinh tế, qua đó tập hợp được nhiều nông dân vào tổ chức hội.

Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới
Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới

Hàng ngàn máy cày, máy thu hoạch lúa gặt đập liên hợp hiện đại được các hợp tác xã, người dân mua sắm, ứng dụng vào sản xuất, nhưng vẫn chưa đáp ứng trước yêu cầu trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay.