Thứ Hai, 20/05/2019 14:00

Cô giáo Pa Cô đam mê với nghề

Cô Hồ Thị Và, sinh năm 1978, người dân tộc Pa Cô (A Lưới) là một trong những tấm gương điển hình được ngành giáo dục tuyên dương năm 2021. Điểm nổi bật của cô giáo mầm non là niềm đam với nghề đã giúp cô vượt qua khó khăn.

Trao yêu thương đến thế hệ sauCô giáo mê nghề, yêu trẻ nơi biên giới

Cô Hồ Thị Và cùng các cháu Trường mầm non Hồng Vân

Cô Hồ Thị Và trải lòng: Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ theo nghề bố mẹ, nhất là giáo viên mầm non vì vất vả, sáng đi sớm, chiều về muộn, đêm lại soạn giáo án, rồi làm đồ chơi, dường như không có thời gian để chăm sóc gia đình. Có lẽ nghề chọn tôi khi năm 2000, tôi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo nộp hồ sơ học đại học thì lãnh đạo phòng thuyết phục tôi đi dạy hợp đồng giáo viên mầm non dân lập tại địa phương. Sau khi suy tính tôi đồng ý, dù lương thấp nhưng được gần con. Sau 5 năm dạy hợp đồng, tôi đã được UBND huyện A Lưới tuyển dụng vào biên chế.

Gắn bó với Trường tiểu học Hồng Vân được tầm 8 năm, cô được điều động về Trường tiểu học Hồng Thủy làm tổ trưởng chuyên môn phụ trách khối mầm non. Cô Hồ Thị Và bảo, khi đến trường mới chỉ muốn  bỏ cuộc. Toàn trường chỉ có 3 phòng học dành cho khối mầm non nhưng đều xuống cấp, không có phòng vệ sinh, không có nước. Dạy ra làm sao khi bàn ghế không có, các em muốn viết, vẽ, tô… phải nằm dưới sàn nhà. Khó khăn trăm bề khi đường xá đi lại từ các thôn đến lớp học quá xa, nơi gần khoảng 4km, xa nhất lên đến 10km. Đường đèo khó đi, nhất là mùa mưa bùn lầy, trơn trượt, không biết bao lần chị bị tai nạn và thoát chết trong gang tấc khi đến trường. Lúc đó, hầu như phụ huynh không muốn đem con ra lớp. Suy đi, tính lại, cô cùng với thôn trưởng, phụ huynh đi khảo sát nguồn nước tự chảy trên rừng với  hơn 3.000m ống nước mới đến trường và làm nhà vệ sinh tạm cho các em. Thấy cô nhiệt tình, lại quyết tâm nên chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí xây nhà vệ sinh, lắp ống nước, còn phụ huynh đồng hành với nhà trường trong việc bỏ ngày công bắt nước về lớp học.

Năm 2009, Trường mầm non Hồng Thủy được thành lập (tách trường mầm non ra khỏi trường tiểu học). Cô Hồ Thị Và được được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường mầm non Hồng Thủy. Cơ sở chính khang trang nhưng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học thiếu rất nhiều. Nhiều phụ huynh còn xem việc đưa trẻ đến trường là trách nhiệm của nhà trường. Khó khăn đó không làm cô Và nản chí, cô tìm ra nhiều hình thức tuyên truyền vận động mọi nguồn lực đầu tư xóa phòng học tạm, giảm điểm lẻ đến mức thấp nhất, tăng cơ sở bán trú tập trung, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ ở Trường mầm non Hồng Thủy.

Năm 2011, Trường mầm non Hồng Thủy tiếp tục nhận thêm cơ sở lẻ Pa Ay ở khu tái định cư, tăng lên 6 cơ sở. Từ cơ sở chính tới cơ sở lẻ Pa Ay xa hơn 4km chưa có đường nhựa, mùa mưa giáo viên phải đi bộ, có lúc mưa to, nước dâng cao nên bị chia cắt, giáo viên phải ở lại 1 tuần hết mưa mới ra được. Cơ sở mới dân thưa thớt, khó khăn trăm bề, việc đóng góp tiền ăn càng khó khăn, nhưng cô  vẫn quyết định tổ chức ăn bán trú tập trung ở cơ sở Pa Ay. Cô tính toán, tiền ăn các cháu mẫu giáo đã có chế độ hỗ trợ ăn trưa của Nhà nước nên phụ huynh không phải đóng nhiều, còn những cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì nhà trường kêu gọi và vận động mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đóng góp 1 tháng 15.000 đồng để xây dựng “Quỹ cháu nghèo”.

Công việc trường lớp giờ đã ổn, nhưng năm 2017 chồng cô chẳng may qua đời. Một mình cô phải gồng gánh, vừa làm cha, vừa làm mẹ khi lo cho 5 người con và cháu của chồng ăn học. Mỗi ngày, cô phải dậy sớm vượt quãng đường từ nhà đến trường tầm 40km mà không có người đàn ông trụ cột trong gia đình đỡ đần, gánh vác. Thế nên, đầu năm 2021, cô được ngành giáo dục tạo điều kiện về công tác gần nhà tại Trường mầm non Hồng Vân. Cô bảo, dù ở cương vị quản lý nhưng mình vẫn muốn thực hiện ước mơ của mình. Mình sẽ cùng các cô giáo trong trường chuyên tâm vào việc dạy trẻ, chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ cho các em để những “A Kay” có cơ hội đến trường, không còn lang thang theo bố mẹ lên nương rẫy...

Nói về cô Hồ Thị Và, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới Lê Thị Thu Hương cho biết: Cô Và là một giáo viên có nhiều đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý cũng như tận tâm chăm sóc các cháu. Những trường mà cô Và đã công tác đều có những dấu ấn riêng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm hẳn. Với những nỗ lực đó, năm 2021, cô Và là một trong hai giáo viên của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Theo đuổi đam mê
Theo đuổi đam mê

Đam mê công nghệ thông tin, Nguyễn Phan Nguyên Bảo (lớp 12 Tin 2, Trường THPT chuyên Khoa học) đã đăng ký tham gia cuộc thi “Edison – Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khoa học” do trường tổ chức. Bạn đồng hành cùng Bảo là Nguyễn Huỳnh Minh Nhật (lớp 11 Toán – Lý).

Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin
Từ sợ đến đam mê công nghệ thông tin

Đó là câu chuyện của Lê Ngọc Hoàng, 22 tuổi, hiện là sinh viên khóa 43 ngành Công nghệ Thông tin Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoàng còn được biết đến là một sinh viên giỏi với nhiều thành tích đáng nể.

Phạm Đức Lương, cậu học trò đam mê lịch sử
Phạm Đức Lương, cậu học trò đam mê lịch sử

Với cậu học trò Trường THPT Thừa Lưu (Phú Lộc) Phạm Đức Lương, việc học không đơn thuần chỉ là thu nạp kiến thức, đó còn là hành trình chinh phục và vượt qua những thách thức của bản thân.

Những người trẻ đam mê làm thiện nguyện
Những người trẻ đam mê làm thiện nguyện

Với những nỗ lực trong công tác an sinh xã hội, Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên Hương Trà vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2022.