Những ngày này trời Huế trở rét. Mưa không quá tơi bời, gió không quá to, nhưng những sợi mưa giăng vẫn mang đến cái lạnh thấm thía cho những ai có việc cần phải ra đường.
Tưởng rằng mưa lạnh sẽ làm cây cối liêu xiêu, nhưng có dịp về làng vào những ngày mưa, tôi chợt nhận ra nhờ những cơn mưa, từng mảng xanh cây cối của quê tôi đã trở nên thẫm hơn tự bao giờ. Cây leo bờ bụi xanh thắm, những rừng tràm ven biển xanh mướt, dấu hiệu của sự cằn cỗi, của những ngày hè rát bỏng in hằn trên lá, trên thân cây thô ráp tiêu biến như chưa từng xuất hiện.
Cây cối được tắm đẫm nước mưa, tâm hồn tôi cũng được tưới tẩm bởi bao nhiêu ký ức ngày thơ bé. Con người thật là kỳ lạ, một hình ảnh, một âm thanh, đôi khi chỉ là một cái bóng thoáng qua thôi đã khiến người ta hao hao nhớ đến những kỷ niệm tưởng chừng đã rơi vào quên lãng.
Gắn với những ngày lạnh, với tôi thuở bé là những ngày vất vả nhất nhưng cũng rực rỡ nhất. Vất vả vì những cơn mưa dầm dề, áo mưa rách vạt trước vạt sau nhưng tôi vẫn đến trường hay phụ mạ ra đồng. Nhưng cũng rực rỡ bởi đây là thời điểm tết đã gần về, chỉ vài tháng nữa thôi là căn nhà nhỏ bé của tôi sẽ nức mùi mứt bánh, hoa cúc, hoa mai, vạn thọ.
Không háo hức sao được khi hàng xóm nhà tôi đã ươm những luống hoa cúc vàng nhỏ xíu. Thân cúc dù liêu xiêu trước mưa gió nhưng vẫn bật lên những chồi xanh non mơn mởn. Mạ tôi thì tất bật với hạt giống nào cải bẹ, cải củ, xà lách, dưa leo. Ba tôi nào cuốc những sào đất, rồi lo phân bón, vôi bột. Còn tôi, dù chỉ nhỏ như tai nấm mới mọc, song cũng đã biết phụ mạ nhổ cỏ, bón phân dưới cái rét căm căm. Những lần ra đồng như thế, tôi không biết gánh nặng cơm áo của ba mạ mình, chỉ tự nhủ lòng rằng với công sức của mình, dù nhỏ bé thôi, nhưng sẽ góp vào những bữa cơm ấm no ngày tết.
Năm nào cũng vậy, cứ độ này là ba tôi lại tranh thủ một buổi trưa để cuốc một vồng đất ươm những cành hoa vạn thọ. Không phải để bán buôn gì, những cây hoa vạn thọ vàng rực rỡ ấy sẽ được tỉa lá cẩn thận, trồng ngay hàng thẳng lối quanh nhà. Lúc còn bé, tôi cứ nghĩ ba mình tiết kiệm tiền sắm sửa nên trồng sẵn hoa, nhưng mãi về sau, tôi chợt nhận ra chẳng phải tiền nong, mà mạ tôi với tình yêu hoa cỏ mới là nguyên nhân khiến ba tôi bỏ một buổi trưa để cuốc cuốc, dặm dặm.
Một năm nọ, công việc đồng áng vất vả. Ngóng chờ hoài chẳng thấy ba cuốc vồng hoa vạn thọ kia. Thế là tôi, cô bé học sinh cấp hai lục tục chuẩn bị cuốc, xẻng, cắt cành những cây vạn thọ cũ để trồng. Với sức vóc ấy, tôi cuốc được một vồng hoa vạn thọ be bé dù nó chẳng ra dạng hình đẹp đẽ như dưới tay cuốc của ba tôi. Lúc bỏ phân chuồng, ươm cành, tưới nước xong xuôi thì ba tôi phát hiện. Khỏi phải nói ông đã ngạc nhiên như thế nào trước thành quả của tôi. Rồi ông cuốc một luống to hơn, ngay bên cạnh và trồng lại những cành vạn thọ mà tôi đã cắt ươm.
Sau hơn tháng, những cây vạn thọ ngày càng xanh tốt, tôi và đứa em út hè nhau buổi tối đi bắt ốc sên. Hôm vài con, có hôm vài chục, chúng tôi bắt ốc liên tục đến khi những búp hoa vạn thọ đổi màu, trồi lên những cánh hoa màu vàng bé xinh, hứa hẹn một mùa bông rực rỡ. Năm ấy là năm những đóa hoa vạn thọ to nhất ở nhà tôi.
Khỏi phải nói mạ tôi đã vui như thế nào, đôi mắt bà dù vết chân chim đã hằn rõ nhưng nụ cười vẫn vô cùng tươi tắn. Còn chị em tôi thì đua nhau xe rùa, cuốc xẻng, chúng tôi nhấc từng cây vạn thọ to gần bằng mình lên xe, đẩy về nhà. Dưới cơn mưa lất phất báo hiệu mùa xuân đến, những đóa hoa vàng rực ấy rung rinh trong gió, lấp lánh cười.
Mai Huế