Thứ Hai, 12/08/2019 16:25

Xây dựng văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục

Mong muốn xây dựng một môi trường ứng xử có văn hóa cho học sinh, Lê Thị Thanh Hà và Trần Ngọc Bảo Chi (học sinh lớp 8/2 Trường THCS Thủy Châu - TX. Hương Thủy) thực hiện đề tài: “Nâng cao nhận thức của học sinh Trường THCS Thủy Châu về xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử học đường”.

Giáo dục Hương Thủy & mục tiêu xây dựng 100% trường học đạt chuẩn quốc gia

Cô Cẩm Nhung (giữa) và 2 học sinh cùng tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu trong quá trình thực hiện đề tài

Theo đánh giá, đây là một đề tài khó, cũng như để thuyết phục được ban giám khảo và giành giải nhì lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi (không có giải nhất) tại cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật dành cho học sinh trung học TX. Hương Thủy mới đây lại càng khó hơn. Bởi, bất cứ ai cũng có thể hiểu một cách khái quát về văn hóa ứng xử, nhưng để đưa ra giải pháp cụ thể từ đó xây dựng thói quen ứng xử có văn hóa trong môi trường học đường chứ không chỉ dừng lại ở “lý thuyết” mới là vấn đề.

Không chỉ vậy, dù đối tượng nghiên cứu và áp dụng của đề tài chỉ trong phạm vi Trường THCS Thủy Châu, nhưng nếu nhìn rộng ra, đề tài này có tính lan tỏa, có thể áp dụng ở bất cứ môi trường giáo dục nào, từ đó giúp những học sinh chưa có lối ứng xử văn hóa có những cách ứng xử chuẩn mực, phù hợp.

Theo cô Trần Thị Cẩm Nhung - giáo viên hướng dẫn trực tiếp 2 học sinh thực hiện đề tài: “Nếu môi trường học đường thiếu văn hóa thì không thể thực hiện được chức năng truyền tải những kiến thức, giá trị nhân văn cho học sinh, cho thế hệ trẻ. Phần lớn học sinh trong nhà trường hiện nay có kiến thức rộng, nhanh nhạy, có khả năng ứng dụng những kiến thức học vào thực tiễn cao, quý trọng thầy cô, đoàn kết với bạn bè, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ đang ứng xử một cách thiếu văn hóa”.

Thanh Hà và Bảo Chi chia sẻ, Trường THCS Thủy Châu của 2 em là ngôi trường thân thiện, không khó để bắt gặp những cuộc thoại đầy ý nghĩa và cảm động giữa học trò với thầy cô; những cuộc trao đổi thú vị giữa bạn bè cùng trang lứa; những hình ảnh học trò chào thầy cô, chào bác bảo vệ với thái độ lễ phép; hay những hình ảnh động viên, giúp bạn vượt qua khó khăn, thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng, gia đình nạn nhân của thiên tai bão lũ...

“Thực tế vẫn có một bộ phận không nhỏ đang ứng xử một cách thiếu văn hóa từ những lời nói, hành vi chưa đẹp, chưa tích cực, như: xem chương trình văn nghệ không biết vỗ tay cổ vũ, động viên bạn bè; nghe đại biểu phát biểu ngồi dưới nói chuyện riêng...; một số bạn có thái độ thiếu tôn trọng thầy cô, xả rác bừa bãi, thiếu trung thực, có hành vi bạo lực học đường...”, Thanh Hà dẫn chứng.

Chính từ thực trạng đó, cùng câu hỏi: làm thế nào để xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử của các bạn cùng trường; làm thế nào duy trì, nhân rộng những tấm gương có văn hóa ứng xử đẹp; làm sao để giúp một số bạn có cách ứng xử chuẩn mực, phù hợp trong từng tình huống, từ tháng 9 - 12/2021, sau khi thu thập, phân tích và tổng hợp tài liệu, 3 cô trò đã hệ thống hóa lịch sử nghiên cứu vấn đề; các khái niệm liên quan, như: nhận thức, văn hóa, văn hóa ứng xử học đường..., tiếp đó, bằng các phương pháp thống kê, phân tích, điều tra bằng bảng hỏi, phỏng vấn sâu..., 3 cô trò đã nghiên cứu, đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao nhận thức của học sinh về vấn đề này.

"Trong quá trình khảo sát, hầu hết các ý kiến của học sinh, giáo viên và phụ huynh đều cho rằng, những yếu tố tác động lớn nhất đến văn hóa ứng xử học đường bao gồm: bạn bè, gia đình, nhà trường, môi trường xã hội và ý thức cá nhân, trong đó, yếu tố tự ý thức của chính học sinh đóng vai trò rất quan trọng. Và để nâng cao văn hóa ứng xử một cách bền vững, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình, xã hội và quá trình tự giáo dục của bản thân học sinh", cô Nhung chia sẻ.

Trên cơ sở đó, đề tài đã đưa ra những giải pháp cụ thể, như: giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua mạng xã hội bằng cách đưa các hình ảnh đẹp, việc làm có ý nghĩa của học sinh lên trang Fanpage của trường; định hướng cho học sinh trong việc đăng tải hình ảnh, thông điệp, ứng xử văn hóa trên mạng xã hội; kết hợp Liên đội xây dựng những chương trình, như: “Những câu chuyện đẹp”, “Chúng em làm phát thanh viên”... với nội dung hướng đến những câu chuyện đẹp về văn hóa ứng xử học đường.

Ngoài ra, tăng cường tiến hành những hoạt động trải nghiệm để từng học sinh được tham gia trực tiếp với tư cách là chủ thể của hoạt động; xây dựng CLB văn hóa ứng xử học đường, giúp học sinh vừa có cơ hội thể hiện năng khiếu vừa góp phần lan tỏa đến các học sinh khác thông qua vẽ tranh, tổ chức các trò chơi, đóng các tiểu phẩm, thi sáng tác thơ văn... về văn hóa ứng xử học đường; xây dựng đội ngũ quản lý, giám sát học sinh một cách đồng bộ, có tổ chức; tham gia tổ tư vấn tâm lý để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó có những giải pháp giúp học sinh có cách ứng xử phù hợp...

Với cái nhìn đa chiều về văn hóa ứng xử học đường, thời gian tới, những chủ nhân của đề tài này tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu bằng cách tiến hành khảo sát các trường THCS còn lại trên địa bàn thị xã; đồng thời, đề xuất nhà trường tổ chức thêm các buổi ngoại khóa, tạo điều kiện cho HS thành lập CLB, tổ chức các buổi giao lưu; học sinh cần tham gia tích cực những buổi giao lưu, các diễn đàn, tìm hiểu về xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử học đường...

Bài, ảnh: Hàn Đăng

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943
Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943

Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục), Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam) và GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khẳng định, bản Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức mạnh soi đường quốc dân đi của văn hoá.

Chuyện phố đêm thành Huế
Chuyện phố đêm thành Huế

Phố đêm không chỉ thuần túy nói chuyện những khu phố về đêm mà chính không gian “phố”, thời gian về “đêm” đó phải là nơi chứa đựng những nét riêng của văn hóa địa phương để giới thiệu, thu hút du khách sau cả “ngày” tham quan, khám phá các nơi khác.

Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022
Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022

Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục,... Đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.