Doanh nghiệp Huế khảo sát để hình thành sản phẩm phù hợp giai đoạn thích ứng
Doanh nghiệp chờ đợi
Những ngày đầu năm mới, nhóm du khách Nguyễn Anh Kh., đến từ Hà Nội vào Huế du xuân. Khách mua vé vào tham quan Đại Nội có mức giá 200 nghìn đồng/vé/khách. Nhóm bạn thắc mắc là không phải giá vé đang được giảm 50%, tức là còn 100 nghìn đồng/vé/khách? Nhân viên bán vé thông báo là từ ngày 1/1/2022, giá vé đã trở lại mức bình thường, không còn giảm giá như trong năm 2021. Đã đến Huế du lịch, giá vé cao hay thấp lúc này không phải là yếu tố tác động đến tham quan của khách, song nhóm du khách vẫn tỏ ra không hài lòng.
Đối với khách tour, ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng phân tích, hiện nay, có một yếu tố gây ra khó khăn cho Huế về việc thu hút khách chính là giá tour. Giá tour đến Huế hiện nay còn cao hơn cả đi Phú Quốc, Đà Nẵng. Nên theo các đối tác lữ hành ở các địa phương, khi đặt lên “bàn cân” chọn điểm đến, tỷ lệ đến Huế giảm. Chẳng hạn như giá tour đi Phú Quốc hiện tại khoảng 3,9 triệu/khách cho chuyến đi 3 ngày 2 đêm. Trong khi đó, đến Huế với cùng thời gian tour lại có kinh phí 4,8 triệu/khách. Hai chi phí khiến giá tour đến Huế cao hơn là phí vận chuyển hàng không và phí tham quan. Ở Phú Quốc, khách ít tốn kinh phí tham quan vì chủ yếu là nghỉ dưỡng biển, còn khi đã đến Huế, khoảng 90% khách sẽ đi tham quan di sản.
“Đối với doanh nghiệp lữ hành hiện tại, phải tính toán, cân đối từng chi tiết để có những mức giá tốt, mà chất lượng dịch vụ phải được đảm bảo. Để kích cầu du lịch, hầu hết các địa phương hiện nay đều có chính sách giảm giá vé, hoặc chính sách khi mua nhiều vé sẽ được giảm theo số lượng. Tính cạnh tranh vô hình trung đang trở nên rất lớn thời điểm này. Còn ở Huế đã gần cuối tháng 2 vẫn chưa công bố chính sách về giá tham quan, chính sách giảm giá theo số lượng cũng chưa được áp dụng. Việc chậm trễ này đang ảnh hưởng đến sự thu hút khách từ phía doanh nghiệp”, ông Thuận phân vân.
Một giám đốc doanh nghiệp lữ hành thuộc “top” đầu ở Huế cũng thẳng thắn, làm tour giai đoạn này quá khó vì giá tour quá cao. Trong giai đoạn phục hồi này, doanh nghiệp rất cần vào những chính sách hỗ trợ, những giải pháp kích cầu đủ nhanh, đủ mạnh và đồng bộ từ phía Nhà nước.
Trong kế hoạch phục hồi của ngành du lịch giai đoạn 2021 - 2022, giải pháp quan trọng được nhấn mạnh là triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước, như thực hiện chính sách giảm phí tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, hệ thống bảo tàng công lập trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu cơ chế để sớm ban hành chính sách hoa hồng cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến tham quan các điểm di tích trên địa bàn tỉnh. Nhưng hiện vẫn chưa được triển khai.
Hội Lữ hành tỉnh mong muốn, xu hướng đi du lịch thời gian qua và trong tầm 6 tháng đến 1 năm tới vẫn sẽ là du lịch tự túc, khách đi theo nhóm gia đình và bằng xe cá nhân. Việc có giá ưu đãi, thêm các dịch vụ sẽ là yếu tố để khách lựa chọn tour. Do đó, trong giai đoạn phục hồi này rất cần những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước; trong đó, giảm giá vé tham quan là rất cần thiết để doanh nghiệp thuận lợi, mạnh dạn trong thiết kế tour tuyến.
Chính sách cần kịp thời
Trở lại câu chuyện về giảm giá vé tham quan di sản trong năm 2022 để thu hút khách. Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, với 200 nghìn đồng/khách, nếu xét tổng quan các điểm tham quan du lịch trong cả nước là không phải cao, nhưng luôn tạo ra cảm giác cao đối với doanh nghiệp lẫn du khách, bởi khi tham di sản lâu nay vẫn thế, thiếu các dịch vụ và du khách thấy không xứng đáng với số tiền đã bỏ ra để vào tham quan.
Theo ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, định hướng của trung tâm là sẽ không giảm giá vé mà sẽ tổ chức thêm các hoạt động để làm phong phú dịch vụ trong hệ thống di sản. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thuận góp ý, nếu không giảm giá vé, các điểm di tích cần công bố các hoạt động mới, lịch trình diễn ra trong ngày, đó cũng là giải pháp kích cầu phù hợp, giúp doanh nghiệp chủ động trong xây dựng tour.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, theo nguyên tắc phát triển, khi đã giảm giá sẽ khó để tăng trở lại. Hướng đi giữ giá vé và tăng dịch vụ, các tiện ích được đánh giá tối ưu. Dù thế, về vĩ mô trong giai đoạn cần tổng lực để phục hồi ngành du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách giảm giá, kích cầu vẫn cần được triển khai. Ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh để có những chính sách kích cầu hấp dẫn hơn trong thời gian đến.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia đánh giá, trong giai đoạn thích ứng đưa du lịch trở lại trạng thái bình thường, giá dịch vụ là một trong những “gạch đầu dòng” quan trọng, cùng với tour an toàn, khép kín; dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ là yếu tố để thu hút khách. Mỗi điểm đến sẽ có một cách làm khác nhau, quan trọng là chính sách đó có phù hợp, đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu đối với dòng khách chủ lực.
Khi đưa ra một chính sách nào đó, cần tính toán và phân tích mặt được, mặt không trên nhiều khía cạnh. Nếu giảm giá mà thu hút được khách, có thể nguồn thu từ bán vé giảm xuống, nhưng chuỗi cung ứng được lợi, nguồn thu trong dân, doanh nghiệp được tăng lên… thì việc giảm giá cần được triển khai. Việc giảm giá cũng cần có lộ trình, kế hoạch, rõ ràng, thông tin để doanh nghiệp và du khách biết, tránh tình trạng bất ngờ, có những phản ánh trái chiều như thời gian qua.
Bài, ảnh: Đức Quang