Chủ Nhật, 24/11/2019 09:10

Học đúng tuyến vẫn ổn

Đây đó vẫn có tình trạng phụ huynh “chạy” một suất vào các “trường điểm” trong thành phố, song con số này đã hạ nhiệt rất nhiều so với trước.

Học sinh cần thích nghi

Phòng thư viện ở Trường tiểu học Thủy Biều được đầu tư khang trang, phục vụ việc đọc của các em

Tiện cả đôi đường

Có năm, hẹn một vị hiệu trưởng của một trường tiểu học đến làm việc, nhưng suốt hai tuần tôi không tài nào gặp được. Sau này mới biết, thời điểm đó chị phải “trốn” vì có quá nhiều người gửi gắm xin một suất vào trường. Có lúc, nhiều người cứ mặc định trong đầu, cấp tiểu học và trung học sẽ phải đem con về các trường trong thành phố, dẫu đường đến trường của các em xa ngái.

Thực ra, phụ huynh cũng có cái lý khi một thời gian dài, các trường vùng ven khá nhếch nhác, trường lớp chật hẹp, phòng học đều xuống cấp, không có phòng chức năng, sân chơi bãi tập, thiếu giáo viên bộ môn. Quan trọng hơn là tỷ lệ học sinh vào các trường THPT tốp đầu hàng năm chỉ đếm trên đầu ngón tay nên nhiều người nản, chấp nhận cho con học trái tuyến.

Nhớ lại chuyện xưa, thầy Hiệu trưởng Trường tiểu học Thủy Biều, Dương Hồng Thắng trải lòng, có lúc tôi thấy chạnh lòng khi mỗi năm chỉ tuyển sinh đầu cấp được khoảng 85 em, còn trên 100 em trên địa bàn lại ngược xuôi xuống phố học trái tuyến, dẫu chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền,vận động...

Những năm gần đây, nhiều gia đình trẻ đến các vùng ngoại ô thành phố để làm nhà. Xu thế chọn trường gần nhà cho con cũng đã bắt đầu thay đổi. Chị Dương Ngọc Thắm, nhà ở phường Thủy Xuân kể rằng, ông bà nội ngoại ở xa nên chúng tôi muốn con học gần nhà để chủ động trong việc đi học. Hơn nữa, trường học giờ đã khang trang, học sinh học bán trú hai buổi/ngày nên tôi nghĩ học ở đâu cũng được đầu tư giống nhau, chỉ cần bố mẹ luôn đồng hành cùng con… là ổn.

Thực tế, một số trường vùng ven đã phải nhận đến 20% học sinh trái tuyến, do các em chưa nhập hộ khẩu nhưng đang sinh sống tại địa phương. Thầy Hiệu trưởng Dương Hồng Thắng lý giải, trường vừa mới giải trình với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố về việc nhiều lớp học có đến 41 em/lớp học vượt quy định 35 em/lớp học. Tuy nhiên, tất cả các em đều học đúng tuyến nên nhà trường không thể từ chối.

Không riêng Trường tiểu học Thủy Biều, hiện các trường vùng ven TP. Huế đều có tỷ lệ học sinh học đúng tuyến khá đông. Theo Hiệu trưởng Trần Ngọc Song, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, đây là dấu hiệu vừa mừng, vừa lo. Trường đã đạt chuẩn quốc gia lần 2 nên đã được đầu tư cơ sở vật chất, phòng thực hành, phòng chức năng đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Mừng hơn, khi tỷ lệ học sinh vào các trường THPT tốp đầu ngày càng nhiều, nên giảm hẳn tình trạng “xuống phố” như trước. Còn lo là số lượng học sinh đông nên phải nâng cao chất lượng dạy và học, để phụ huynh yên tâm “chọn mặt, gửi vàng”.

Cân đối nguồn lực ở các trường

Bộ mặt của các trường ven thành phố đã thay đổi, nhất là nhiều trường có quỹ đất rộng rãi, được đầu tư quy mô nên cơ sở vật chất khá đồng đều; có phòng chức năng, phòng thí nghiệm đầy đủ. Thậm chí, nhiều trường còn trẻ hóa đội ngũ để thay đổi chất lượng giáo dục trong thời đại công nghệ số. Hiện nay, TP. Huế có đến 66 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 62,9%), hướng tới chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên.

Theo ông Nguyễn Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế, giải pháp tốt nhất để hạn chế tình trạng học trái tuyến là phải tính đến việc cân đối nguồn lực, không nên tập trung vào các trường trung tâm, mà đầu tư đều để đảm bảo cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện dạy và học.

Đội ngũ giáo viên ở các trường trên địa bàn TP. Huế đều được đảm bảo. Với tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn mầm non 96,74%, tiểu học 90,22%, THCS 96,21% sẽ có một  đội ngũ giáo viên tương đồng về mặt chất lượng. Phân bổ giáo viên về các trường dựa trên các điều kiện nhu cầu của các trường, nguyện vọng của giáo viên được dạy gần nhà, hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu giáo viên ở các trường trong thành phố và vùng lân cận.

 Cô Phạm Thị Minh Thư, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: Năm 2020 trở về trước, trường thường thiếu giáo viên dạy bộ môn toán, tin, ngữ văn, công nghệ. Từ năm 2021 đến nay, toàn trường có 30 giáo viên đạt tỷ lệ 1,9 giáo viên/lớp, nghĩa là đủ giáo viên bộ môn, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Cơ chế bắt buộc học sinh học đúng tuyến đã tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh đầu cấp có chất lượng hơn. Các trường phải phát huy nội lực, tạo thương hiệu hoặc có cách tuyên truyền, vận động phù hợp để giữ chân học sinh. Khi cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên giữa các trường gần như tương đồng thì chắc chắn tình trạng chạy trường, chạy lớp sẽ giảm đáng kể.

Bài, ảnh: HUẾ THU

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh
Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh

Ngày 25/2, Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh, TP. Huế phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức chương trình Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh và học sinh các khối 8,9.

Giữ chữ cho em
Giữ chữ cho em

Thống kê sơ bộ, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30 học sinh nghỉ học sau Tết.