Thứ Bảy, 30/11/2019 05:29

Nhận diện năng lực ngành kinh tế mũi nhọn

Với tiềm năng phong phú, du lịch từ lâu được xác định là ngành kinh tế hướng đến mũi nhọn của Thừa Thiên Huế.

13 triệu USD (tương đương 301,080 tỷ đồng) là tổng số vốn viện trợ không hoàn lại mà Chính phủ Hàn Quốc dành cho Thừa Thiên Huế với mục tiêu  xây dựng văn hóa, du lịch TP. Huế giai đoạn 2021-2025 trên nền tảng thông minh, cùng nguồn vốn đối ứng xấp xỉ 41,680 tỷ đồng.

Tại lễ khởi động dự án đầu tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá, dự án "Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh" giai đoạn 2021-2025 nói trên đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược phát triển của tỉnh nhà trong tương lai; góp phần quan trọng cho khai thác và quảng bá nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch của TP. Huế nói riêng và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Với tiềm năng phong phú, du lịch từ lâu được xác định là ngành kinh tế hướng đến mũi nhọn của Thừa Thiên Huế. Cùng những “mỏ quặng” di sản triều Nguyễn,  biển, đầm phá, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa tâm linh… ngành du lịch được nhận định là “ngành công nghiệp không khói” nhiều triển vọng “đẻ trứng vàng” của Huế.

Thực tế cho thấy, cách đây chừng 20 năm, du lịch Huế từng dẫn đầu khu vực miền Trung về sức hấp dẫn điểm đến, thu hút lượng khách. Tuy nhiên, so với tiềm năng, hiện tại, ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn này của Huế tăng trưởng chưa ngang tầm.

 Mới đây, tại buổi họp thường kỳ tháng 4, đánh giá tăng trưởng hậu COVID-19, lãnh đạo UBND tỉnh nhận định, nền kinh tế của tỉnh có dấu hiệu phục hồi tốt, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu, mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội… Dù vậy, lĩnh vực du lịch (cùng với nông-lâm-ngư nghiệp) vẫn còn nhiều khó khăn, riêng ngành du lịch phục hồi chậm, lượng khách có xu hướng giảm.

Không chỉ khó khăn trong giai đoạn hậu COVID-19, cách đây gần 10 năm, khi du lịch Huế có dấu hiệu “chững” lại, các chuyên gia đã cảnh báo, từ vị trí dẫn đầu khu vực miền Trung, nguy cơ du lịch Huế có khả năng tụt hạng (so với tốc độ bứt phá của Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Đà Lạt…), do những nguyên nhân như sản phẩm ít đổi mới, thiếu các nhà đầu tư tầm cỡ, hạ tầng giao thông hạn chế, công tác xúc tiến quảng bá chưa sâu, thiếu nguồn nhân lực chất lượng…

Chỉ riêng về hạ tầng giao thông, được ví như “xương sống” của ngành du lịch nhưng đang còn nhiều hạn chế, đặc biệt là giao thông kết nối du lịch biển. Ở trung tâm thành phố như tại phường Thủy Biều, các sản phẩm du lịch cũng khó khai thác vì các loại xe từ 29 chỗ ngồi trở lên không thể di chuyển đến. Ở những điểm đến mới như hồ Khe Ngang, hồ Sơn Thọ, dù là điểm “check - in” mới vào mùa hè đã 3 năm nay nhưng hiện chỉ thu hút được khách đi xe máy, do ô tô khó tiếp cận. Thiếu năng lực dịch vụ lưu trú chất lượng cũng là vấn đề, khi cả tỉnh hiện chỉ có 3.500 phòng khách sạn 3 - 5 sao trong tổng số 13.000 phòng, dẫn đến dễ dàng quá tải những lúc cao điểm như dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay. Riêng về tiềm năng, ngay như du lịch tâm linh, với nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng, gắn với ẩm thực chay, văn hóa Phật giáo nhưng chưa thu hút được du khách…

Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng một ngành du lịch lợi nhuận cao, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là một trong những mục tiêu được xác định theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Để du lịch Huế thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đi đầu về đóng góp ngân sách, tạo công ăn việc làm, tạo doanh thu xã hội, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên…, ngoài sự hợp tác, kêu gọi những dự án hỗ trợ, đầu tư có tính đột phá, cần có chiến lược, chính sách tương xứng về phát triển hạ tầng, tiếp cận thị trường, đầu tư nhân lực, làm mới sản phẩm… Đặc biệt, cần phân khúc rõ thị trường để đầu tư sản phẩm chủ lực, tránh sản phẩm gì du lịch Huế cũng có nhưng còn dàn trải, manh mún, thiếu sức cạnh tranh, chưa tạo được giá trị cao như hiện nay.

Nhật Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt
Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt

Công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trong năm 2022 cho biết, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Ngay từ tháng 4/2022, thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019, với 69 đường bay đã được tái khai thác, mở mới và tăng tần suất. Nhờ vậy, nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè, sản lượng khách nội địa đã hồi phục hoàn toàn và tăng trưởng 40 – 42% so với cùng kỳ năm 2019 trong các tháng 6 - 8/2022.

Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động
Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động

Cùng với sở thích, đam mê, thế mạnh bản thân, chọn ngành theo dự báo thị trường lao động là tiêu chí mà thí sinh cần chú ý trước ngưỡng cửa đăng ký xét tuyển đại học (ĐH).

Các nghị quyết hứa hẹn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Các nghị quyết hứa hẹn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

10 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ chín nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 20/2. UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân chủ trì kỳ họp. Tham dự kỳ họp còn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Cẩn trọng khi luyện thi đánh giá năng lực trên mạng
Cẩn trọng khi luyện thi đánh giá năng lực trên mạng

Để vào đại học, thí sinh có khá nhiều phương thức để dự tuyển. Ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), xét tuyển bằng học bạ, thí sinh còn có cơ hội trúng tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do một số đại học lớn tổ chức.

Thúc đẩy xây dựng tương lai kiên cường và bền vững
Thúc đẩy xây dựng tương lai kiên cường và bền vững

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang thúc đẩy chương trình nghị sự năm 2023, nhằm xây dựng một tương lai kiên cường và bền vững, khi các quan chức đến từ 21 nền kinh tế thành viên nhóm họp tại Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất và các cuộc họp liên quan.