Thứ Bảy, 04/01/2020 07:48

Tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2022

Đến đầu tháng 7, công tác chuẩn bị để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2022 ở Thừa Thiên Huế cơ bản hoàn thành. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng được triển khai chặt chẽ, nhằm bảo đảm an toàn cho kỳ thi.

Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022Đảm bảo cấp cứu y tế và phòng dịch COVID-19 trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thôngPhó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Học sinh có thể thi tại trường

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra ngày 7-8/7. Tại Thừa Thiên Huế, kỳ thi sẽ được tổ chức tại 37 điểm thi, đặt tại các trường trên địa bàn 9 huyện, thị xã và TP. Huế với 588 phòng thi và 13.345 thí sinh đăng ký dự thi. Học sinh trường nào có thể thi tại trường đó, nên trong số 37 điểm thi đã có 33 điểm trường THPT ứng với 9 huyện, thị xã, thành phố. Điều này phù hợp và dễ dàng cho thí sinh, nhất là thí sinh vùng cao có thể dự thi không vất vả.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) điều động hơn 2.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ công tác thi. Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, năm nay thí sinh không được đem vật dụng vào, mà phải để cách xa 25m so với phòng thi. Khuyến nghị thí sinh hạn chế đưa vật dụng đến phòng thi, nhưng sở cũng sẽ bố trí một số phòng để vật dụng của thí sinh. Sở GD&ĐT rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư đáp ứng yêu cầu tổ chức thi, đặc biệt là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến theo đúng tiến độ của kỳ thi.

Các phương án giúp thí sinh chống nóng được triển khai, như bố trí nước, quạt đầy đủ tại phòng thi; trường hợp thí sinh không đảm bảo sức khỏe như bị choáng, ngất sẽ có bộ phận y tế túc trực sẵn sàng trợ giúp các em. Theo quy định, các thí sinh F0 với COVID-19 được đặc cách, có thể tham dự thi trực tiếp tại phòng thi dự phòng. Công tác kiểm tra chéo được thực hiện kỹ càng. Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT về Huế chuẩn bị kiểm tra các điểm thi sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều điểm mới cần lưu ý

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, về cơ bản kỳ thi vẫn giữ ổn định như những năm trước, nhưng có một số điều chỉnh kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh và bảo đảm an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi. Điểm mới đáng lưu ý là, thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021 - 2022 bắt buộc phải đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến. Những thí sinh không nằm trong đối tượng trên có thể đăng ký thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT (nếu có) trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở GD&ĐT quy định. Cụ thể, thí sinh học xong chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp THPT; hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp ở các năm trước; thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp nay dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng (thí sinh tự do).

Đề thi được xây dựng bảo đảm đúng yêu cầu, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông cũng như công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Thí sinh cũng cần lưu ý, những nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay. Đề thi gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đồng thời cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao để phân hóa kết quả thi của thí sinh. Các em cần rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm ở các tổ hợp tự nhiên, tổ hợp xã hội và nên tận dụng hết thời gian để làm bài cho tốt.

 Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Thế nhưng, đối với các ngành/trường có tính cạnh tranh cao, Bộ GD&ĐT cũng đã khuyến cáo các trường tăng cường tự chủ, chỉ nên sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ sơ tuyển, sàng lọc. Các trường cần có thêm các hình thức sát hạch, phỏng vấn hoặc bài thi chuyên biệt để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển sinh, bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng tuyển sinh.

“Rõ người, kín việc”

Tốt nghiệp THPT là kỳ thi quốc gia, mục đích là tốt nghiệp nhưng còn xét tuyển đại học, tính cạnh tranh rất cao nên cần tổ chức an ninh an toàn ở từng điểm thi. Bởi vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ của một ngành mà cần sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để bảo đảm sự công bằng và tin cậy, phải làm rõ trách nhiệm từng mắt xích, phân công nhiệm vụ rõ ràng tại từng hội đồng thi. Còn ông Nguyễn Tân thì cho rằng, cần có một kế hoạch tổng thể, bảo đảm phân công “rõ người, kín việc”. Sự phối hợp phải nhịp nhàng, chặt chẽ, công tác chỉ đạo phải quyết liệt, dứt điểm. Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để không có vi phạm và không thể vi phạm, bảo đảm cho một kỳ thi nghiêm túc, nếu còn một thí sinh vi phạm quy chế thì kỳ thi chưa thành công.

Năm nay, việc đăng ký tuyển sinh muộn hơn so với các năm trước, nhưng thời gian để thí sinh suy nghĩ, lựa chọn, thay đổi nguyện vọng được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi khá dài (khoảng 6 tuần), giúp thí sinh có được nhiều thuận lợi hơn trong việc chọn trường, chọn ngành, chọn nghề trong tương lai. Nhiệm vụ trước mắt của các em hiện nay là tập trung cao độ vào ôn tập, rèn luyện kỹ năng làm bài, nâng cao năng lực, chuẩn bị tâm thế vững vàng để tự tin bước vào kỳ thi và đạt kết quả cao nhất có thể.

Bài, ảnh: HUẾ THU

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt 80 học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia
Gặp mặt 80 học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia

Chiều 21/2, Sở GD&ĐT gặp mặt 80 học sinh trong đội tuyển tham gia kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2022-2023. UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chúc mừng, động viên các em có một kỳ thi đạt kết quả tốt.

Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt với thời tiết cực đoan gia tăng
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt với thời tiết cực đoan gia tăng

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, có thể sẽ phải chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, bao gồm các đợt sóng nhiệt khắc nghiệt, lũ lụt lớn và tình trạng hạn hán nghiêm trọng, đặt ra những thách thức đối với an ninh lương thực và an ninh năng lượng của quốc gia này.