Thứ Ba, 28/01/2020 07:15

Khi người dân cùng kiểm tra, giám sát

Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tại nhiều địa phương, người dân được tham gia bàn bạc và quyết định, được giám sát, kiểm tra và thụ hưởng những thành quả trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Người dân cùng giám sát tiến độ công trình

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Phan Ngọc Thọ và các đại biểu bên hành lang hội thảo

Nhân dân đồng tình ủng hộ

Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong xây dựng NTM, Đảng ủy xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quyền giám sát của Nhân dân đến từng khu dân cư. Qua đó, phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong việc giám sát trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền địa phương.

Bà Ngô Thị Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Thủy Phù khẳng định, thể hiện rõ nét nhất là việc công khai cho dân biết và để dân đóng góp ý kiến về quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch sử dụng đất, các vấn đề kinh tế - xã hội của xã thông qua việc niêm yết ở nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Qua đó, việc huy động đóng góp của Nhân dân trong xây dựng hạ tầng, nhất là bê tông hóa giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng… theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm nhận được sự đồng tình ủng hộ tích cực từ Nhân dân. Người dân đã đóng góp 12,4 tỷ đồng làm hơn 11.500m đường giao thông; hiến 100% đất và 1,2 tỷ đồng làm mới 5 nhà sinh hoạt cộng đồng.  

“Việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong việc xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phát huy vai trò chủ thể, Nhân dân đã thể hiện được vai trò, quyền làm chủ của mình, được tham gia bàn bạc và quyết định, được giám sát, kiểm tra và thụ hưởng những thành quả trong việc tham gia xây dựng NTM. Quyền làm chủ của Nhân dân, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy; dân chủ trực tiếp được mở rộng, góp phần xây dựng NTM ngày càng thực chất hơn” - Bí thư Đảng ủy xã Thủy Phù khẳng định.

Với những cách làm tương tự, nhất là việc công khai dân chủ, minh bạch về chủ trương, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng NTM. Sau hơn 10 năm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong phát huy trách nhiệm của hệ thống chính trị và người dân, TX. Hương Thủy là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng NTM với 7/7 xã đạt chuẩn NTM. 

Không có điểm kết thúc

Tại hội thảo về phát huy quyền dân chủ vừa được tổ chức gần đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là mục tiêu xuyên suốt của thực thi dân chủ cơ sở trong xây dựng NTM của tỉnh.

Việc phát huy quyền giám sát của Nhân dân ở địa bàn khu dân cư đã phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân, khơi dậy sức mạnh tổng hợp trong Nhân dân để thực hiện thành công chương trình mục tiêu xây dựng NTM. Đây là chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân, khi có chủ trương đúng, người dân đồng lòng, cán bộ quyết tâm thì sẽ có được kết quả cao.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý, việc nâng cao nhận thức xây dựng NTM là vấn đề liên quan tới cộng đồng, cần tăng cường tuyên truyền vận động thuyết phục và làm rõ vai trò chủ thể của người dân. Xây dựng NTM là phong trào có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, phải thường xuyên, liên tục, phải thống nhất phương châm “Người dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; gắn việc thực hiện với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành phát huy những kết quả đạt được, chung tay huy động nguồn lực xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Để đạt được điều này, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng NTM. Để nội dung này không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực Nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Qua đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần cùng với tỉnh xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Người dân toàn tỉnh đã đóng góp tiền mặt 115 tỷ đồng; 520.216 ngày công lao động, trị giá 140,6 tỷ đồng; hiến trên 3,1 triệu m2 đất, trị giá 267 tỷ đồng; tháo dỡ gần 9.000m2 tường rào, trị giá 201 tỷ đồng; hiến 857 nghìn cây các loại và các loại hoa màu, trị giá 21,5 tỷ đồng... để cùng với chính quyền xây dựng các công trình phúc lợi, bê tông hóa đường giao thông, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng… Nhờ đó, đã có 61/94 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM; có 2 địa phương cấp huyện được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Bài, ảnh: Thái Bình

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Y tế cơ sở, y tế dự phòng - cánh tay nối dài trong phòng, chống dịch bệnh
Y tế cơ sở, y tế dự phòng - cánh tay nối dài trong phòng, chống dịch bệnh

Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội đề nghị tỉnh làm rõ nhiều vấn đề như, cơ chế thanh toán kinh phí để mua test kít; chính sách đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế,… đặc biệt, những kiến nghị của tỉnh cần cụ thể hơn để đoàn giám sát có cơ sở tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.