Người già ăn trầu. Ấy đã là nét văn hoá truyền thống. Với người làng Phù Bài, cái tình ấy không chỉ nồng đượm, chứa chan trong mỗi miếng trầu được bà con mời nhau mà còn là sự thân thiện giữa chủ và khách, cũng là cái tình để kết nối các mối quan hệ làng xóm láng giềng.
Nhà tôi có một giàn trầu. Gần giếng khơi nên quanh năm xanh tốt. Thường, mẹ chẳng hái bán bao giờ. Chỉ khi o hàng trầu ở chợ nhắn lên, mẹ mới hái vài nắm gửi về. Mẹ bảo, ấy là cái lộc của nhà. Mua bán chẳng bao tiền, nhưng luôn sẵn trong vườn để khi mấy nhà quanh xóm ới một tiếng là có ngay thì lại quý. Cái hay, vì trầu cau đã là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người làng, nên việc hàng xóm láng giềng san sẻ, biếu nhau chùm cau, nắm trầu đã là điều thường. Đôi khi, đó còn là thông điệp không lời để hàn gắn những va chạm nho nhỏ giữa các gia đình.
Têm trầu cho chồng
Ở Phù Bài, chuyện người trẻ ăn trầu cũng chưa bao giờ là điều mới. Đến nỗi, nếu ai lỡ ngạc nhiên về điều đó khi đến chơi làng, sẽ bị coi là người… cũ. Năm nay, ba mẹ tôi ngoài 50, nhưng tuổi bắt đầu ăn trầu thì đã lâu lắm rồi. “Khoảng 16-17 chi đó”, ba tôi bảo. Còn mẹ thì “từ hồi theo ba mi”. Nhà tôi, chỉ trừ 2 o em gái vừa qua ngưỡng 20 là chưa ăn cau trầu vì sợ đen răng, còn nữa, từ mệ cố, ba mẹ, anh chị... đều lấy trầu làm vui trong mỗi câu chuyện gia đình. Anh rể vừa qua ngưỡng tuổi băm, mỗi lần ghé nhà, sau tiếng thưa ba mẹ là lục tục vô tìm miếng trầu. Hỏi chuyện, anh còn khoe: “Anh mà đã ăn thua chi. Bạn anh dưới xóm, có mấy người trẻ hơn mà miệng nhai trầu dẻo... thôi rồi”. Chị tôi, thủa con gái không màng đến miếng trầu vì sợ răng úa mất duyên, nhưng từ dạo theo chồng đến nay, chỉ cần nhìn cái cách chị ăn trầu cũng biết trình độ ngoai đã thôi rồi không kém bạn chồng. Chị bảo: “Ngày ngày đi chợ nhớ quả cau miếng trầu cho mệ, lúc đầu chỉ tập ăn vài miếng với mệ vui nhưng riết thành quen. Mùa nắng đôi khi còn ngó lơ được, chớ mùa đông thì không thể”.
Thực tế, người trẻ ở Phù Bài ăn trầu không thường xuyên như người già, nhưng đó là “đầu câu chuyện” để mọi người gần gũi nhau hơn. Tuần rồi, nhà tôi có lễ tạ lăng cho người cô bà chết trẻ. Trời đông lành lạnh. Trong khi người lớn bàn chuyện đại sự nhà trên, thì anh chị em người trẻ chúng tôi lại lau hau nhà dưới với hàng tá chuyện trên trời dưới đất. Đón dĩa trầu mẹ đưa, chồng tôi vừa lấy một miếng cho vào miệng vừa xua tay chú em con o: “Mi đừng ăn, thêm công chúa nữa thì chết”. Chú em tếu táo thưa: “Dạ, anh ăn thế mà còn có thằng cu đầu lòng thì cho em xin một miếng thôi cũng được”. Cả bọn lại cười nghiêng ngả cho cái sự lém lỉnh. Cảm giác gần gũi chi lạ.
Khi tôi đang kể chuyện “Người trẻ ăn trầu” ở làng mình, một đồng nghiệp 7X ngạc nhiên: “Người trẻ mà cũng ăn trầu à? Mình tưởng chỉ có người già”. Chưa kịp san sẻ, thì một đồng nghiệp nam 8X từng trải: “Em ăn hoài ấy chứ gì, chẳng qua không chuyên nghiệp thôi”... Thế là, những người trẻ chúng tôi lại sôi nổi chuyện trầu cau, từ phong tục của người Đài Loan, tập quán người miền Bắc, nét văn hóa của người miền Trung đến 18 thôn Vườn Trầu của miền Đông Nam bộ. Toàn chuyện tận đẩu tận đâu, nhưng vẫn rất lạ, vẻ như không khí đang nồng vị ấm của vôi, cái chát ngọt của cau và chút the the của trầu.
Đồng Văn