Thứ Sáu, 13/03/2020 10:58

Tìm về chút hương quê

Chợ Đình – ngôi chợ nhỏ quê tôi – với cái tên thật dễ hiểu và dễ nhớ. Sở dĩ gọi là chợ Đình đơn giản vì nó nằm cạnh một ngôi đình trong làng. Ngôi đình cổ kính đã có từ rất lâu đời, dưới những tán cây cổ thụ sum suê. Không biết vì sao mà mọi người lại họp chợ ở đây, tôi chỉ biết là khi tôi còn nhỏ, mỗi lần mẹ bảo đi mua củ hành, bó rau về nấu cơm chiều thì tôi lại chạy ù ra ngôi chợ nhỏ nằm kế bên ngôi đình này.

Về ngang bến cũ

Ký ức thời thơ ấu được theo bà, theo mẹ đi chợ trên những con đường làng rợp bóng tre, thơm mùi rơm rạ với những món quà quê chưa bao giờ lại ngon đến thế. Những món quà quê dân dã, từ chiếc bánh đa, bánh rán cho tới con tò he sặc sỡ để rồi lại tiếc rẻ chẳng dám ăn hết.

 Nhắc tới chợ quê - ta có cảm giác nó quê không chỉ ở mặt hàng mà cả cách bán hàng của những bà, những chị - vậy mà ta lại yêu nét duyên quê ấy. Không hề có hàng sạp hay bàn ghế, người dân quê tôi chỉ có những thúng, những rổ, lót thêm chỗ ngồi dưới đất đã họp thành một ngôi chợ với vài gian hàng nhỏ, người mua lẫn người bán, ai cũng luôn nở một nụ cười đầy thân thiện... Những đồng tiền lẻ ở ngôi chợ nghèo quê tôi có những giọt mồ hôi vất vả, dãi dầu nắng mưa và chứa cả tình người.

Không ồn ào, không chen chúc, chợ họp lại vào cuối giờ chiều, tầm 4h đến 6h là chợ tan. Đó cũng là lúc các cô, các chú được nhận lại những thành quả lao động của một ngày; dù ít hay nhiều vẫn chỉ cười, như lời mệ Oanh vẫn nói với tôi khi chợ tan mà mệ vẫn còn mấy mớ rau chưa bán được: “Không bán được thì đem về luộc lên là tối ni có một món rau luộc, vừa chất lượng mà khỏi sợ sâu bệnh chi hết”. Hay hình ảnh chú Nam phì phèo điếu thuốc cười vô tư khi tôi hỏi cá ít như thế thì sao đủ, chú nhìn tôi cười và bảo: “Trời còn có lúc mưa, lúc nắng huống chi tôm cá, ngày ni ít cá thì mai mốt lại có thêm nhiều, mình sống bằng nghề ni, không bắt trước thì cũng bắt sau, lo chi con”. Niềm lạc quan đó thật cần biết bao trong bộn bề cuộc sống hiện tại...

 Đã có lúc cuộc sống cuốn ta đi trong vòng xoay cơm áo gạo tiền, nhưng lúc tĩnh tâm lại, chợt nhận ra những cái nhẹ nhàng mà những “người nhà quê" như bà tôi, bác tôi đang có lại thấy thèm cái cảm giác của quê mùa ấy, nhất là cái cảm giác được hòa vào không gian của chợ Đình với những sự đơn giản đáng trân trọng.

Khi cuộc sống ngày càng phát triển, những phiên chợ quê như chợ Đình quê tôi cũng dần dần biến mất, thay vào đó là những khu chợ quy mô, được bê tông hóa.

Cũng có thể, những phiên chợ quê sẽ không còn phù hợp trong cuộc sống hiện đại, nhưng mỗi lần đi ngang qua đây tôi vẫn cảm nhận chợ Đình quê tôi vẫn còn mãi như thế với cảm giác yên bình ngày xưa; để nhận được những lời thăm hỏi, động viên của các bà, các bác trong làng, tìm về với những món hàng vặt dân dã, tìm về với một phần ký ức tuổi thơ và nhắc nhớ về những điều xưa cũ.

Phương Nhi

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nệm rơm nồng nàn
Nệm rơm nồng nàn

Ngày mùa đông lạnh giá, đáng sợ nhất là cái rét buốt tê cóng kèm theo mưa phùn. Sáng sớm hé cửa trông ra thấy trời bàng bạc màu sương, con gái tôi năn nỉ xin mẹ được nghỉ học một buổi. Nghe con nói, tôi bất giác bật cười. Ngày xưa, mình cũng… lười y thế. Cũng tìm đủ lý do để được ở nhà vào ngày mưa lạnh, nằm lì trên chiếc nệm rơm nồng nàn hơi ấm.

Ký ức của người trở về
Ký ức của người trở về

Trong dòng ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt, những tháng ngày cầm súng nơi chiến trường thì có lẽ Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 là khoảng thời gian người cựu binh, Đại tá Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1943, tại Bố Trạch, Quảng Bình) không thể nào quên. Bởi ông đã cùng đồng đội can trường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và may mắn trở về...

Ký ức đồng chiêm
Ký ức đồng chiêm

Lễ hội đua ghe thực sự chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong đời sống tinh thần và cả đời sống tâm linh của cư dân đầm phá...

Ký ức trò chơi dân gian
Ký ức trò chơi dân gian

Nghe tin Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đưa trò chơi dân gian vào các tiết sinh hoạt, ngoại khóa ở các trường học và khuyến khích các trường đưa một số trò chơi dân gian thành môn thi đấu trong các cuộc thi thể thao, tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ.

Một thuở giếng khơi
Một thuở giếng khơi

Đắn đo, suy tính mãi, cha mẹ tôi quyết định dựng lại gian bếp và khu công trình phụ tắm giặt, vệ sinh.