Thứ Hai, 30/03/2020 17:07

Truyền lửa cho phong trào phụ nữ

Những Chi hội trưởng chi hội phụ nữ Nam Đông là hạt nhân nòng cốt trong phong trào, hoạt động hội. Họ không chỉ là những người trực tiếp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn đưa các hoạt động của các cấp hội đến hội viên và người dân.

Cụm thi đua số 5 Hội Phụ nữ Bộ Công an ký kết giao ước thi đuaPhụ nữ là hạt nhân thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nướcBảo vệ môi trường theo cách của phụ nữ

Chị Phạm Thị Mừng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ka Tư (xã Hương Phú) là người có thâm niên làm công tác hội. Không biết đi xe máy, chiếc xe đạp cũ kỹ là phương tiện gắn bó thân thiết với chị suốt 33 năm công tác. Nhờ chiếc xe đạp, chị rong ruổi khắp các nẻo đường, đến từng nhà của hội viên để tuyên truyền, vận động được dễ dàng hơn. Thôn Ka Tư cách trung tâm xã khoảng 10km, đường sá đi lại không được thuận lợi. Nhờ tài vận động khéo léo, thấu hiểu đời sống của hội viên, nên chị Mừng nắm bắt kịp  thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên để tuyên truyền, vận động.

Trước đây, thôn Ka Tư tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất xã. Hai năm trở lại đây giảm rất nhiều so với các năm trước. Tình hình học sinh bỏ học giữa chừng vẫn luôn là điểm nóng trong mỗi dịp tết hay bước vào năm học mới. Được sự quan tâm của các cấp và sự kiên trì vận động, kịp thời nắm tình hình ở cơ sở của chị Chi hội trưởng nên tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm hẳn. Chị Mừng sẵn sàng giúp đỡ hội viên trong chi hội khi khó khăn, hoạn nạn. Những hội viên không có tiền để mua bảo hiểm y tế, chị cho mượn để mua mới hoặc nối hạn thẻ bảo hiểm kịp thời.

Với tên gọi AKA rất quen thuộc trước đây, thôn 3, xã Thượng Quảng hiện nay chủ yếu là người dân tộc Cơ Tu. Thôn 3 được biết là một trong những thôn có phong trào xây dựng quỹ hội nổi bật không chỉ của xã Thượng Quảng mà còn của toàn huyện Nam Đông, gắn với vai trò của Chi hội trưởng Hồ Thị Đe và Chi hội phó Hồ Thị Lành. Thông qua vận động của hai chị, Chi hội Phụ nữ thôn 3 từ nhiều năm qua đã thành lập nhóm 20 chị giúp nhau ngày công làm quay vòng từ chị số 1 đến chị số 20  rồi quay vòng lại, hằng tuần họp nhóm vào thứ bảy và chủ nhật.

Qua hoạt động chung với nhóm, chị em quen dần cứ làm hết việc cho chị này rồi đến chị kia, nào là cỏ ruộng, cỏ sắn, bón phân cao su, chăm sóc cây  keo, cao su, làm vườn, chặt củi… Không những đổi công giúp việc, chị Đe còn đưa ra quy định xây dựng quỹ hội, mỗi người mỗi ngày góp 10.000 đồng. Ngoài quỹ hội, chi hội 3 còn có hai con bò cho những chị khó khăn nuôi để lấy lãi. Chi hội trưởng và chi hội phó đã đến gõ cửa từng nhà vận động chị em giúp từng lon gạo, gùi củi, để giúp những chị có hoàn cảnh khó khăn. Đáng nói, đã huy động chị em giúp chị Lê Thị Ốp 30 công thu hoạch lúa và số tiền 500.000 nghìn đồng khi chị đi nằm viện ở Huế.

Qua các phong trào phụ nữ, đã xuất hiện ngày càng nhiều những người “truyền lửa”. Ở xã Hương Hữu, có chị Hồ Thị Diệp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Rung Ghênh nổi bật qua phong trào phụ nữ “Chung tay bảo vệ môi trường”. Ở xã Hương Xuân có chị Phạm Thị Phương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của thôn 10. Thực hiện chủ trương của huyện, chị vận động chi hội thành lập 1 tổ liên kết cam Nam Đông. Thượng Nhật có Chi hội trưởng thôn Tà Rinh còn rất trẻ Hồ Thị Ban, vận động xây dựng được 10 mô hình góc bếp sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc miền núi.

Chi hội trưởng chi hội phụ nữ hiện nay ở Nam Đông xuất thân khá đa dạng. Họ chủ yếu là cán bộ trưởng thành từ phong trào cơ sở, nhưng cũng có thể là cán bộ, giáo viên nghỉ hưu. Nhiều chị đã có những sáng kiến, cách làm hay mang lại quyền lợi thiết thực cho hội viên, phụ nữ và gia đình của họ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Các chị là chỗ dựa bền vững, niềm tin, niềm tự hào của tổ chức hội ở cơ sở.

Chị Nguyễn Thị Vân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ 5 thị trấn Khe Tre chia sẻ kinh nghiệm: “Để phong trào phụ nữ ngày càng phát triển vững mạnh, chi hội trưởng cần phải bám sát chương trình công tác của cấp trên, đồng thời bám sát hoàn cảnh thực tế của chị em phụ nữ của địa phương, từ đó đề ra kế hoạch cho hoạt động hội của địa phương. Đặc biệt, chi hội quan tâm đời sống của chị em vì đây là công tác vận động phụ nữ, vận động quần chúng nên rất cần hiểu rõ chị em, từ đó giúp đỡ kịp thời và đưa phong trào ngày càng vững mạnh”.

Thực tế cho thấy, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, các chị, những cán bộ hội cơ sở với tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, chính là người “truyền lửa” cho chị em phụ nữ ở địa phương, thúc đẩy phong trào hoạt động hội ở huyện Nam Đông ngày một đi lên.

Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp
Nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp

Gắn với thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cấp hội phụ nữ ở TP. Huế đã và đang nhân rộng mô hình phụ nữ khởi nghiệp.

Không để ai bị bỏ lại phía sau
Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bằng những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp hội phụ nữ Thừa Thiên Huế hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.