Chủ Nhật, 12/04/2020 06:44

Chiến lược y tế đón đầu cho Huế

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, TP. Huế có gần 266km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã. Quy mô này đặt ra nhu cầu cấp bách về việc tổ chức thêm 1 bệnh viện đa khoa tuyến quận/huyện trên địa bàn TP. Huế, hoạt động song song với Trung tâm Y tế TP. Huế. Đó cũng là xu hướng đón đầu sự phát triển khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Y tế lấy ý kiến chuyên gia về chiến lược chống dịch năm 2022Vaccine – vũ khí chủ lực trong chiến lược '5K cộng'Chủ động chống lao với Chiến lược 2XG7 tìm kiếm chiến lược chung phòng chống virus corona

Các kỹ thuật cao trong phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Huế

Đáp ứng nhu cầu người dân

Nhiều năm nay, gia đình ông Lê Hữu Hạnh (SN 1954) ở phường An Cựu (TP. Huế) đều chọn Bệnh viện Giao thông Vận tải (BV GTVT) Huế là nơi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB-BHYT) cho các thành viên trong gia đình. Theo ông Hạnh, nhiều lần gia đình ông đến đăng ký KCB-BHYT tại Trung tâm Y tế TP. Huế nhưng do lượng bệnh nhân đông, ông quyết định tìm đến cơ sở y tế khác để thăm khám. Qua tìm hiểu, ông được biết thẻ BHYT của mình có thể KCB-BHYT tại BV GTVT Huế, thế là từ đó, các thành viên trong gia đình ông có thẻ BHYT với nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Trạm Y tế phường An Cựu, đều được chuyển đến KCB-BHYT ở BV GTVT Huế mà không cần qua thủ tục chuyển tuyến.

“Sau khi Luật Bảo hiểm y tế được sửa đổi, bổ sung, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện, đều được quyền KCB-BHYT ban đầu tại các bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, gọi là thông tuyến huyện. Do đó, gia đình tôi được quyền chọn lựa chuyển đến KCB-BHYT ở BV GTVT Huế mà vẫn hưởng đầy đủ quyền lợi, đồng thời góp phần giảm tải cho Trung tâm Y tế TP. Huế” - ông Hạnh bộc bạch.

Anh Phạm Quốc Anh, ở thôn Cư Chánh 1, xã Thủy Bằng (TP. Huế), nhập viện tại BV GTVT Huế đã lâu, với các khoản chi phí về kỹ thuật, thuốc men và giường bệnh, anh phải chi trả số tiền khá lớn. Tuy nhiên, nhờ được điều trị theo thủ tục BHYT thông tuyến huyện nên anh chỉ chi trả số tiền rất ít, lại được chăm sóc tận tình, chu đáo. Quốc Anh bày tỏ: “Các y, bác sĩ ở đây rất tận tình, chu đáo, dù bệnh nhân khá đông nhưng khâu thủ tục khám BHYT cho tôi và công tác chăm sóc bệnh nhân được quan tâm, giải quyết nhanh chóng. Tôi cảm thấy rất hài lòng”.

Ông Huỳnh Đức, ở phường Phú Thượng, đang điều trị các bệnh lý về phục hồi chức năng tại BV GTVT Huế, cho biết thêm: “Theo quy định mới của Luật BHYT, BV GTVT Huế là bệnh viện cấp III thuộc tuyến huyện, nên người dân chúng tôi có quyền tự do lựa chọn cơ sở KCB-BHYT tuyến huyện trên địa bàn tỉnh và được hưởng 100% chi phí theo quyền lợi mà không cần bất kỳ thủ tục hành chính nào…”.

Các y, bác sĩ Bệnh viện GTVT luôn chăm sóc bệnh nhân chu đáo, ân cần. Ảnh: MC

Chiến lược cho y tế Huế

Bệnh viện GTVT Huế tiền thân là Bệnh viện Đường sắt Huế, được thành lập năm 1975, trực thuộc Bộ GTVT. Suốt 47 năm qua, bệnh viện đã tồn tại trên địa bàn TP. Huế, hoạt động phục vụ Nhân dân trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận. Còn nhớ câu chuyện BV GTVT Huế đã từng lên hạng gặp khó suýt “phá sản” đành phải xuống hạng để phát triển. Đó là thời điểm cuối năm 2013, BV GTVT Huế được nâng từ hạng III lên hạng II. Đây là thời điểm được Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT) tạo điều kiện hỗ trợ để BV phát triển, xây dựng thương hiệu thu hút bệnh nhân, hướng đến việc tự chủ về tài chính.

Tuy nhiên, khi chuyển lên hạng II (tuyến tỉnh), đơn vị không còn là địa chỉ tiếp nhận KCB-BHYT ban đầu, mà chỉ được nhận các trường hợp chuyển từ tuyến huyện lên. Lượng bệnh truyền thống KCB theo BHYT trước đó giảm dần qua hàng năm. Với mô hình BV hạng II tuyến tỉnh, đơn vị bộc lộ nhiều khó khăn vì nhân lực, vật lực hạn chế. 

Không thu hút bệnh nhân không thể phát triển lâm sàng, nhiều bác sĩ có chuyên môn lần lượt ra đi làm cho hoạt động KCB của BV rơi vào thế khó, suýt “phá sản”.

Từ năm 2017, BV GTVT Huế đã nhìn nhận lại, đề xuất và được ngành chủ quản cùng Sở Y tế Thừa Thiên Huế quyết định trở lại BV hạng III vào ngày 15/1/2018. Sau khi trở lại hạng III, BV GTVT Huế là cơ sở KCB-BHYT ban đầu tương đương tuyến huyện nên có 2 nhóm đối tượng đến KCB-BHYT. Từ đó, phân bố đối tượng KCB ngoại trú tăng lên bình quân hằng năm từ 72.000 đến gần 76.000 lượt bệnh nhân, trong đó đối tượng thông tuyến chiếm tỷ lệ gần 71%; đối tượng KCB nội trú hằng năm bình quân từ 4.000 đến 6.000 lượt bệnh nhân, trong đó đối tượng thông tuyến chiếm tỷ lệ hơn 80%. Và, BV GTVT Huế trở thành đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính 100% từ cuối năm 2018.

Theo lãnh đạo BV GTVT Huế, nguồn thu từ KCB-BHYT của nhóm đối tượng thông tuyến huyện chiếm tỷ trọng 75%. Đây là nguồn thu chủ yếu để BV xây dựng phương án đảm bảo tự chủ chi thường xuyên và đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1472/QĐ-BGTVT ngày 31/7/2020 về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2021-2023. Đây cũng là nguồn thu chủ yếu để đơn vị xây dựng phương án tự chủ chi thường xuyên theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP giai đoạn 2022-2025.

Mới đây, thực hiện Nghị quyết 19 Hội nghị BCH TW 6 (Khóa XII) về chuyển y tế bộ ngành về địa phương quản lý, Bộ GTVT đã tiến hành chuyển giao BV GTVT Huế và được UBND tỉnh ra quyết định số 344/QĐ-UBND về việc tiếp nhận vào ngày 27/1/2022.

Theo tinh thần Nghị quyết 19, Hội nghị BCH TW6 (Khóa XII) về nội dung chuyển y tế bộ ngành về địa phương quản lý với mục đích để BV phát triển tốt hơn, và giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn. Đồng thời, theo Quyết định 1922 của Thủ tướng Chính phủ là chuyển giao nguyên trạng cấp bệnh viện, tổ chức, bộ máy, tài sản... Như vậy, việc bố trí sắp xếp BV GTVT Huế tiếp tục hoạt động với BV hạng III tuyến quận/huyện như nó đã vốn tồn tại sẽ là chiến lược đón đầu sự phát triển khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bởi khi đó, việc thành lập quận ở phía nam sông Hương sẽ thuận lợi trong khâu tổ chức cơ sở y tế cho quận mới để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe, KCB cho người dân trên địa bàn, vì nó đã tồn tại một BV GTVT Huế tuyến quận/huyện tự chủ 100%, không phụ thuộc vào ngân sách tỉnh.

Mặt khác, việc sắp xếp BV GTVT Huế ở tuyến quận/huyện sẽ đảm bảo quyền lợi cho gần 653 ngàn người dân TP được lựa chọn cơ sở KCB-BHYT ban đầu mà lâu nay họ đã tin tưởng, gắn bó, điều trị, góp phần giảm tải cho Trung tâm Y tế TP. Huế. Và, điều đáng quan tâm hơn là nhằm tránh cho BV GTVT Huế dẫm lại “vết xe đổ” của mình cách đây gần 10 năm về trước.

Bá Trí

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi
Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 gồm 12 Chương, 121 Điều (tăng 3 Chương và 30 Điều so với Luật năm 2009). Với những điểm mới của Luật sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sở
Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sở

Tại buổi làm việc với Trung tâm Y tế huyện Phú Vang (Trung tâm) chiều 20/2, ông Dương Thanh Bình, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của đơn vị này.