Thứ Ba, 06/08/2013 10:31

Chúng tôi đã viết hai chữ “Hòa bình”

Hoàng Thảo Anh từng đoạt nhiều giải học sinh giỏi tiếng Pháp cấp tỉnh năm lớp 9, lớp 11, 12, giải Ba cuộc thi “Luật gia tài ba” do Trường đại học Luật Huế tổ chức, dự hội nghị quốc tế tại Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, phiên dịch viên trong triển lãm giáo dục Hoa Kỳ tại Đại học Huế, tham gia nhiều hoạt động tình nguyện “Tiếp sức đến trường”, Tiếp sức mùa thi”, “Hiến máu nhân đạo”, là thành viên Văn phòng Thực hành Luật, tham gia tư vấn tuyên truyền pháp luật cho phạm nhân trại Bình Điền... Ngay sau chuyến đi từ Nhật Bản trở về, sinh viên Hoàng Thảo Anh đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường.

Ra biển lớn, tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế về quê hương là mơ ước cháy bỏng của cô sinh viên năm thứ 4 Trường đại học Luật (Đại học Huế). Hoàng Thảo Anh đã thực hiện ước mơ khi vinh dự được Trung ương Đoàn chọn là 1 trong 10 sinh viên, thanh niên thay mặt cho tuổi trẻ cả nước tham gia chương trình JENESYS 2015, giao lưu thanh niên Nhật Bản- Đông Á.

Thảo Anh (giữa) cùng bạn bè trước Lâu dài cổ Himeji- di sản văn hóa thế giới nổi tiếng Nhật Bản. Ảnh nhân vật cung cấp

“Tôi đến từ thành phố Huế”

Hay tin Thảo Anh thi vào Khoa Luật, Đại học Huế (bây giờ là Trường đại học Luật), nhiều người cùng thốt ra câu hỏi: là học sinh chuyên Pháp tại sao lại...? Cô nữ sinh Trường THPT chuyên Quốc Học nắm trong tay bằng ngoại ngữ tiếng Pháp và tiếng Anh tương đương chuẩn DELF B2 châu Âu do Bộ Giáo dục Pháp và Hội đồng Anh cấp (giao tiếp và dịch thành thạo hai ngoại ngữ này) bày tỏ vì khát khao đến những “miền đất” mới. Thảo Anh khiến mọi người thán phục khi luôn nhận được giấy khen sinh viên giỏi trong các năm học và thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên của Đại học Huế. Nữ “luật sư” nhỏ nhắn “vào vai” cộng tác viên, biên tập viên của tạp chí Luật Khoa (www.luatkhoa.ogr)- ấn phẩm chuyên ngành về pháp luật) một cách “ngọt ngào”, dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt và được trả nhuận bút khá cao. Cô nàng còn là đồng sáng lập, đồng thời là phó chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng Anh của trường, tổ chức các hoạt động ngoại khóa và bồi dưỡng tiếng Anh cho các bạn sinh viên. Bởi vậy, trong hơn 500 hồ sơ các bạn sinh viên trên toàn quốc gửi về, hồ sơ của Thảo Anh (thông tin cá nhân, những chứng chỉ, chứng nhận về học tập, tham gia hoạt động xã hội và một số bài luận viết bằng tiếng Anh), đã được Trung ương đoàn đánh giá đủ tiêu chuẩn, có tiềm năng bước tiếp đến vòng phỏng vấn để chọn 10 bạn thay mặt cho tuổi trẻ cả nước tham gia chương trình JENESYS 2015, giao lưu thanh niên Nhật Bản - Đông Á, với chủ đề “Xây dựng hòa bình”.

Thảo Anh (áo dài bên trái ngoài cùng) cùng bạn bè các nước trải nghiệm viết thư pháp. Ảnh nhân vật cung cấp

“Am hiểu của bạn về Việt Nam, về thành phố mà bạn đang sống và tại sao bạn nghĩ chúng tôi sẽ chọn bạn?” là những “cánh cửa” tại buổi phỏng vấn trực tuyến mà Thảo Anh mở ra bằng “chìa khóa” kiến thức xã hội, hiểu biết và tình cảm đối với quê hương Việt Nam, con người, văn hóa Huế. Suốt chuyến đi (từ ngày 7-15/12/2015), giao lưu trao đổi với đại biểu thanh niên sinh viên đến từ 11 quốc gia trong khu vực (10 nước ASEAN, Đông Timor) và Nhật Bản, cô gái duyên dáng với chiếc áo dài truyền thống luôn nở nụ cười tự hào giới thiệu: “Tôi là người Việt Nam, tôi đến từ thành phố Huế”.

Sánh bước cùng bạn bè...

Trong các cuộc hội thảo, giao lưu, trải nghiệm, các bạn đã thảo luận về “xây dựng hòa bình”, chủ đề của chuyến đi ý nghĩa. Thảo Anh “mang” dòng sông êm đềm nổi tiếng đất Cố đô, hình ảnh các mẹ các chị với bước chân tảo tần trên những con đường bình yên hay nụ cười vô ưu của một em bé ... để chia sẻ với bạn bè các nước về hòa bình. Thảo Anh kể, cô rất hạnh phúc khi nhiều bạn khoe đã đến Việt Nam. Có bạn còn xuýt xoa Huế rất nên thơ, rất đẹp, mến khách và món ăn của Huế thật tuyệt vời. Nhiều bạn lại bảo, chưa từng được đến và trải nghiệm những điều đó, tuy nhiên họ “thấy”, yêu một Việt Nam và TP Huế thân thiện, năng động, tràn đầy năng lượng, thông qua hình ảnh của những thanh niên đại diện tham gia chuyến đi này. “Được đặt chân lên thành phố lịch sử Hiroshima, nơi từng hứng chịu thảm họa bom nguyên tử năm 1945, chúng tôi càng thấm thía ý nghĩa thực sự của hai chữ hòa bình, càng trân trọng và mong muốn cuộc sống bình yên, phát triển, tươi đẹp”. Cô sinh viên trường Đại học Luật Huế chia sẻ, dù đến từ các nước khác nhau, nhưng các bạn có chung nỗi xúc động, khiến nhiều khóe mắt rưng rưng.

Thảo Anh trải nghiệm viết thư pháp tại thị trấn  Kumacho-Nhật Bản. Ảnh: Q.Anh

Chuyến “đi ra thế giới” lần này đã giúp nữ thanh niên ưu tú xứ Huế có những trải nghiệm thú vị, quý giá về ẩm thực, văn hóa và về những tấm lòng. Homestay (ở nhà dân) là phần chương trình lưu lại trong hành trang mang theo về của Thảo Anh nhiều cảm xúc. “Khi đến sống cùng gia đình người Nhật, chúng tôi được họ xem là thành viên, sinh hoạt như một người Nhật thực thụ. Tôi đã học cách ăn một bữa ăn của người Nhật, cách sử dụng phòng tắm và nhà vệ sinh kiểu Nhật, phòng ngủ với chiếu Tatami..., được thưởng thức những khoảnh khắc tuyệt vời với gia đình host ở Onsen (một kiểu nhà tắm công cộng ngoài trời của Nhật)- nét văn hóa mà người Nhật rất tự hào. Đôi khi không cần ngôn ngữ, vẫn cảm nhận tình cảm chu đáo, ân cần, tận tâm như một người thân đối với người thân, thông qua cách chủ nhà chuẩn bị bữa cơm cho chúng tôi, trải chiếu chuẩn bị cho giấc ngủ...” Thảo Anh và bạn bè các nước càng hiểu rằng yêu thương, sẻ chia là không biên giới, là làm nên mùa xuân trường tồn. “Tin rằng, cũng như tôi, bạn bè các nước sẽ ghi nhớ cảm xúc khó quên khi trải nghiệm một buổi học thư pháp ở Kumacho-thị trấn nổi tiếng về thư pháp của Nhật Bản. Ở đó, chúng tôi đã tự tay viết hai chữ “Hòa bình”.

Quỳnh Anh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển
Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển

Chương trình đặc biệt mang tên “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” Tết Nguyên đán 2023 cùng với những hoạt động tri ân, thăm tặng quà Tết của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trong ngày 8/1 đã mang đến không khí yên lành, hữu nghị, hợp tác và phát triển nơi vùng cao biên giới A Lưới.

Việt Nam là biểu tượng hòa bình
Việt Nam là biểu tượng hòa bình

Các đại biểu dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC) đã thể hiện sự ngưỡng mộ, yêu mến của họ với lịch sử, đất nước con người Việt Nam. Việc Việt Nam đăng cai Đại hội là cơ hội để một lần nữa họ thấy Việt Nam cũng đang trên con đường phát triển đúng đắn.