Thứ Bảy, 24/08/2013 21:43

Tái cơ cấu nông nghiệp phải theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao tại cuộc họp thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 24/2. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.


Toàn cảnh cuộc họp

Theo trình bày của ông Hồ Sĩ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNN, tái cơ cấu ngành nông nghiệp có mục tiêu tổng quát là phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm; cơ cấu kinh tế nội ngành: nông nghiệp 44,4%, lâm nghiệp 6,5%, thủy sản 45,3%, dịch vụ nông lâm nghiệp 3,8%; sản lượng lương thực có hạt từ 31-32 vạn tấn/năm; sản lượng thủy sản đạt 73 ngàn tấn/năm; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 1,7-2 lần so với năm 2015… 

Đề án tập trung vào việc đầu tư để chuyển đổi khoảng 3.300 ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng núi, bãi ngang ven biển, đến năm 2020 ổn định diện tích lúa nước 52.000 ha, thanh trà đạt 1.000 ha, sắn công nghiệp từ 6.500-7.000 ha, cao su khoảng 13.500 ha, rau an toàn 600 ha, lạc 3.600 ha, ngô từ 2.000-2.500 ha. Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, có điều kiện đảm bảo môi trường, sản lượng thịt hơi đạt trên 45 ngàn tấn/năm (tăng 45% so với năm 2015), sản lượng mật ong nuôi đạt 2.000 tấn với 5.500 đàn.

Ngoài ra, phát triển lâm nghiệp bền vững, từng bước chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đầu tư thâm canh, trồng rừng gỗ lớn để từng bước thay thế dần gỗ rừng tự nhiên; đến năm 2020 diện tích rừng đạt 293,2 ngàn ha, trong đó rừng sản xuất đạt 122,1 ngàn ha. Phát triển thủy sản theo hướng ổn định diện tích nuôi ao hồ hiện có, phát triển nuôi cá hồ thủy lợi, thủy điện, hồ chứa nước tự nhiên, nuôi cá lồng, nghiên cứu các giống thủy sản giá trị cao như cá hồi, cá tầm…; phát triển NTTS trên vùng đầm phá, trên vùng cát ven biển theo hướng tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phấn đấu đến năm 2020 đạt 900 ha tôm nuôi trên cát với sản lượng 13,5 ngàn tấn; giảm dần đội tàu gần bờ để tăng đội tàu xa bờ có công suất 90 CV trở lên từ 15% hiện nay lên 30% năm 2020..

Các đại biểu dự họp tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến vào các lĩnh vực tái cơ cấu của ngành. Trong đó, đề nghị cần xác định vùng quy hoạch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trọng điểm, chọn một số loại cây, con chính, có thế mạnh là đặc sản của địa phương mà nơi khác không thể cạnh tranh được đưa vào tái cơ cấu phù hợp theo từng vùng nhằm tránh tình trạng chồng chéo và khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Một số đại biểu góp ý, nội dung đề án cần cụ thể các chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu theo từng giai đoạn; các giải pháp tái cơ cấu cần rõ ràng, tạo được sự đồng thuận, khai thác triệt để nguồn lực tự nhiên và hiệu quả sử dụng đất đai.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải thực hiện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Tái cơ cấu trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị cao và thân thiện với môi trường; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có lợi thế của tỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Do vậy cần xác định rõ cái nào là lợi thế, mũi nhọn, trọng tâm để tái cơ cấu, trong đó cần có giải pháp liên kết từ chuỗi sản xuất đến tiêu thụ nông sản, mà chú trọng là liên kết 5 nhà (nhà băng, nhà tiêu thụ, nhà sản xuất, nhà khoa học và nhà nước) trong phát triển nông nghiệp; có giải pháp tái cơ cấu trong từng cây, con cụ thể, nhất là cây, con đặc trưng của Huế có mà nơi khác không có để tập trung sản xuất với chính sách hỗ trợ về giống chất lượng cao về công nghệ sản xuất; đồng thời chọn những sản phẩm có thế mạnh, có tính cạnh tranh cao để tập trung cao năng xuất, hiệu quả, số lượng chất lượng…

Trần Dương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đòn bẩy” cho sản xuất nông nghiệp
“Đòn bẩy” cho sản xuất nông nghiệp

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ (theo Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh) tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN), thông qua các mô hình, dự án (DA) góp phần tăng trưởng sản xuất nông nghiệp (SXNN), năng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trên thị trường.

Từng bước tái cơ cấu nông nghiệp
Từng bước tái cơ cấu nông nghiệp

Cùng với nguồn lực từ các chương trình khuyến công, khuyến nông, nhiều tổ chức, đơn vị cũng tiếp nhận nguồn lực từ các dự án nâng chất lượng sản phẩm nông nghiệp địa phương.