Thứ Hai, 30/09/2013 09:56

Lối thoát từ liên kết và chăn nuôi công nghệ cao

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, để có thể tồn tại, ngành bò sữa trong nước một mặt vẫn duy trì mô hình chăn nuôi nông hộ, song phải có sự liên kết; một mặt dần chuyển sang mô hình chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm hạ giá thành, tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm sữa.

Cách làm của tỷ phú bò sữa

Trái với tình cảnh khó khăn của nhiều hộ chăn nuôi bò sữa như ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, thời điểm này, ông Lâm Thanh Trân- tỷ phú bò sữa giữa cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) vẫn sống khỏe. Ông Trân hiện có một trang trại rộng tới 10ha và đang nuôi 100 con bò sữa. Ông Trân cho biết: “Năm 2000, sau khi trả hết nợ cho ngân hàng, gia đình tôi đã quyết định mở rộng và tiếp tục nâng cấp hệ thống chuồng trại, hố ủ thức ăn chua trên 100 tấn/năm. Ngoài ra, tôi cũng mua sắm các thiết bị, máy vắt sữa, máy cắt cỏ, máy băm thức ăn ủ chua, xe trâu kéo cỏ...”.

Trang trại của ông Lâm Thanh Trân nằm giữa vùng nguyên liệu xanh bạt ngàn ngô, cỏ ở  Mộc Châu.  Ảnh: T.Q

Theo ông Trân, để chăn nuôi quy mô lớn thì cần phải đầu tư máy móc công nghệ cao mới giúp nâng cao năng suất, chất lượng sữa để có được giá bán cao. Đặc biệt, ông Trân cho rằng, trong thời buổi làm ăn hiện nay, mỗi người nông dân phải tự biết liên kết với nhau và giữa những nông dân lại phải biết liên kết với đơn vị cung ứng, bao tiêu đầu ra. Chẳng hạn như, nếu mỗi hộ chỉ có 30-40 con bò, thì nên chung vốn với nhau để mua máy cắt cỏ hay máy vắt sữa, như thế vừa giảm bớt chi phí mua máy móc ban đầu, vừa tận dụng đến hết công suất sử dụng của máy…

"Nhìn chung, đàn bò giống Mộc Châu hiện đang có chất lượng tốt cho lượng sữa khoảng trên 7,3 tấn/chu kỳ, nếu là nền sản xuất bình thường, so với các nước Đông Nam Á thì Mộc Châu là cao nhất. Còn nếu so với Nhật Bản thì Mộc Châu còn thua, vì bò sữa tại đây cho 8,5 tấn sữa/chu kỳ, Hàn Quốc cũng đạt 8 tấn sữa/chu kỳ. Tiến tới, Mộc Châu cũng phải phấn đấu nâng lên 8 tấn sữa/chu kỳ”.

Ông Trần Công Chiến

Chia sẻ về thu nhập hiện tại của gia đình, ông Trân cho biết: Với số lượng đàn bò sữa lên đến hơn 100 con mỗi ngày cho khoảng trên 8 tạ sữa/ngày, đều được Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu thu mua, chế biến... Tính ra, mỗi năm gia đình ông bỏ túi cả tỷ đồng.

Ông Trân khẳng định, đích đến từ nay đến cuối năm 2016 là tăng quy mô trên 100 đến 200 con. Đồng thời, trang bị thêm nhiều thiết bị máy móc vào sản xuất như: Máy vắt sữa, máy băm cỏ, máy cắt cỏ và máy nông nghiệp… từng bước cơ giới hóa, nâng cao năng lực sản xuất.

“Tôi cho rằng, ngành chăn nuôi bò sữa nước ta vẫn có cơ hội phát triển, vì chúng ta hiện đã chủ động được nguồn thức ăn tương đối, cộng với tập quán, thói quen chăn nuôi từ lâu, nên vẫn có thể hạ giá thành xuống mức vừa phải hơn nữa để cạnh tranh”- ông Trân nói.

Đi tìm mô hình lý tưởng

Theo ông Trần Công Chiến - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam không có ưu thế bằng Mỹ hay Úc, New Zealand, bởi họ có đất đai rộng lớn, công nghệ hiện đại. Đặc biệt, đối thủ lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt là New Zealand. Đất nước này có diện tích nuôi bò lên tới 1,8 triệu ha với 119.000 trang trại, họ đang có khoảng 4-5 triệu con bò sữa nên giá thành rẻ hơn.

“Hiện, giá sữa của Việt Nam không thấp dưới 10.000 đồng/lít sữa tươi được, vì chi phí thức ăn của nước ta đang cao. Đơn cử như ở Mộc Châu, dù tự sản xuất được thức ăn tươi, nhưng những loạt thức ăn như khô dầu đậu tương  hoàn toàn phải nhập, hay cỏ cao sản Alpa một năm cần 5.000 tấn cho bò, bê cao sản vẫn phải nhập”- ông Chiến nói.

Ông Chiến cũng cho rằng, hiện giờ chúng ta đang phải nhập phần lớn sữa về tiêu dùng trong nước, vì thế nhà nước cần có chính sách về vốn ưu đãi, như ở Mộc Châu,  những người nuôi bò mới chỉ được vay ở phạm vi nhỏ. “Theo tôi, nhà nước phải làm thế nào đấy để người nông dân tiếp cận được nguồn vốn đầu tư sản xuất, mà đặc thù của chăn nuôi bò sữa có chu kỳ dài, nên phải cho vay ưu đãi trong ít nhất 5 năm, chứ nếu cho vay 3 năm, nông dân khó có thể trả nợ được ngay”- ông Chiến đề xuất.

Nói về thách thức của ngành bò sữa khi tham gia TPP, ông Chiến cho rằng, khi hội nhập sâu, đặc biệt là tham gia TPP, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam không có ưu thế bằng Mỹ, Úc, New Zealand. Tuy nhiên, sữa tươi vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam với chi phí bảo quản, vận chuyển sẽ lớn nên doanh nghiệp sản xuất trong nước nếu cố gắng sẽ có thể cạnh tranh bình đẳng và thành công.

Trong khi đó, đối với dự án chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH, đơn vị này lại muốn người nông dân tham gia vào một khâu trong chuỗi chăn nuôi, đó là trồng cỏ cung cấp thức ăn cho bò. Bà Thái Hương- Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết: “Chúng tôi có các khâu như chăm sóc, nuôi con giống; trồng cỏ; vắt sữa… Trong các khâu đó, chúng tôi xác định người nông dân tham gia vào khâu trồng cỏ, cung cấp thức ăn chăn nuôi là thích hợp nhất, nên đã mời họ tham gia”.

Theo ông Võ Quang Hòa- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), như TH đã cam kết với người dân, nông dân ở đây được đưa đi đạo tạo tay nghề, con em đi học về được nhận vào làm việc... Nhờ đó, mảnh đất nghèo nàn ngày xưa nay trở nên trù phú. Nhiều hộ nông dân ở quanh khu vực dự án đã mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, như dịch vụ, chăn nuôi, buôn bán...

Theo Dân việt

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã (HTX) làm khâu trung gian kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm đang được ngành nông nghiệp từng bước nhân rộng.

Phải có dấu ấn liên kết vùng
Phải có dấu ấn liên kết vùng

Kinh tế biển là lợi thế chung của các tỉnh trong khu vực và đây được xem là chìa khóa để phát triển và liên kết vùng.

Liên kết  hỗ trợ
Liên kết & hỗ trợ

Thông qua xây dựng các mô hình liên kết và hỗ trợ trực tiếp, các cấp hội phụ nữ ở Hương Trà là điểm tựa cho phụ nữ địa phương khởi nghiệp và phát triển kinh tế.

Kỳ vọng mới cho doanh nghiệp chăn nuôi
Kỳ vọng mới cho doanh nghiệp chăn nuôi

Ngành chăn nuôi của Việt Nam có liên hệ khá mật thiết với sự kiện mở cửa trở lại của Trung Quốc, do đó động thái này tạo ra những kỳ vọng mới cho doanh nghiệp chăn nuôi...