Điểm sáng của TDTT Thừa Thiên Huế
Làm quen với cờ vua từ năm lên 7 tuổi, sau thành công ở một vài giải đấu nhỏ, đến tháng 5-2002 là thời điểm tài năng của Như Ý “phát lộ”. Sau khi được triệu tập vào đội tuyển trẻ của tỉnh, sau 3 tháng tập luyện dưới sự dẫn dắt của HLV Bảo Tài, Như Ý giành được 3 huy chương bạc (HCB) và một huy chương vàng (HCV) tại giải Cờ vua trẻ toàn quốc tổ chức ở Vũng Tàu. Cũng từ đó, phong độ của Như Ý càng lúc càng chói sáng. Năm 2008, Như Ý vô địch cờ chớp toàn quốc tại TP HCM, tiếp đó là một lúc giành 6 HCV tại giải U18 Cờ vua trẻ Đông Nam Á, HCV cá nhân U16 giải Vô địch cờ vua trẻ châu Á 2008, tại Iran, HCV cá nhân và đồng đội giải Vô địch đồng đội nữ châu Á 2009 tại Ấn Độ.
Thành công nối tiếp thành công, năm 2010 cũng là năm Như Ý “đào” được khá nhiều huy chương. Tham gia 14 giải trong và ngoài nước, Như Ý giành được 5 HCV và 1 HCB U20 nữ giải Cờ vua trẻ Đông Nam Á tại Philippines, 1 HCV và 1 HCĐ tại giải Vô địch cờ vua trẻ U18 châu Á ở Trung Quốc, HCĐ cá nhân giải Cờ vua trẻ thế giới tại Hy Lạp...
Trở lại với thành tích mới nhất của Như Ý tại SEA Games 26, để có được tấm HCV môn cờ chớp, ít ai biết được, trước giờ thi đấu 15 phút, nữ kỳ thủ xứ Huế bị trúng gió. Nếu lúc đó uống thuốc trị cảm cúm, nhức đầu thì đỡ nhưng chắc chắn khi xét nghiệm sẽ bị dính dopping. May mà mượn được chai dầu gió, xoa vội xoa vàng rồi ba chân bốn cẳng vừa chạy vừa nén đau để đến địa điểm thi đấu.
Nhưng xoa dầu không thì chưa đủ, cơn nhức đầu vẫn tiếp tục hành hạ trong lúc Như Ý phải căng từng sợi thần kinh, phải tính toán chi li nhưng thần tốc từng nước cờ một trong suốt 9 ván cờ liên tiếp trong ngày (3 phút 2 giây cho 1 ván). Có khi đau quá tự nhiên nghĩ quẩn, muốn bỏ cuộc, nhưng cứ nghĩ khi được nghe tiếng Quốc ca vang lên trên đất khách, được khoác lên người lá Quốc kỳ và đứng trên bục cao nhất, mọi cơn đau dường như tan biến, Như Ý tâm sự.
Dù trúng gió nhưng Như Ý vẫn đứng trên bục cao nhất ở nội dung cờ chớp tại SEA Games 26
Sau Bảo Trâm là Như Ý và...?
Thống kê sơ bộ, Huế là nơi cờ vua thuộc diện “âm thịnh, dương suy”. Mà cái “âm thịnh” của Huế cũng xứng đáng dẫn đầu toàn quốc cả về lượng và chất. Với 1 đại kiện tướng quốc tế: Bảo Trâm, 4 kiện tướng quốc tế: Thuận Hóa, Thanh Khiết, Như Ý, Kim Phụng và 1 kiện tướng quốc tế liên đoàn: Ngân Bình, có thể nói từ trước đến nay, chưa có tỉnh, thành nào trên toàn quốc so được với Huế về số lượng cũng như chất lượng nữ VĐV cờ vua. Ngay cả TP. Hồ Chí Minh, đơn vị mạnh về cờ vua cũng chỉ có 4 kiện tướng quốc tế là Thanh An, Tường Vân, Thiên Kim và Quỳnh Anh. Trong số đó, Tường Vân vốn của Đồng Tháp về đầu quân. Hay như Hà Nội, tiếng là có 2 đại kiện tướng quốc tế là Thanh Tú và Bảo Trâm nhưng ai cũng biết, danh hiệu đại kiện tướng quốc tế mà Bảo Trâm có được cũng từ “lò” cờ vua Huế mà ra.
Huế xứng đáng là địa phương dẫn đầu cả nước về cờ vua nữ. Đó là điều đáng tự hào. Nhưng thực tế cho thấy, cờ vua Huế đang có xu hướng đi xuống. Sau thời của Thuận Hóa, Thanh Khiết thì những cái tên như Bảo Trâm, Như Ý và Kim Phụng từng giúp Huế “làm mưa làm gió” ở làng cờ quốc gia và cả quốc tế. Tuy nhiên, sự ra đi mới đây của Bảo Trâm (đầu quân cho Hà Nội) khiến cờ vua Huế mất đi một đại kiện tướng quốc tế cũng như gióng lên hồi chuông báo động về nạn “chảy máu” VĐV cờ vua.
Thật ra, sau Bảo Trâm, Như Ý, Kim Phụng vẫn là 2 VĐV được tỉnh ưu đãi, tạo điều kiện nhất cũng như đủ tầm để thay thế Bảo Trâm. Tuy nhiên, ở lứa kế cận Như Ý và Kim Phụng, dù vẫn còn đó một số VĐV trẻ, nhưng để có thể lấp đầy khoảng trống của các đàn chị để lại thì còn một khoảng cách khá xa.
Ông Lê Xuân Bình – PGĐ Sở VH-TT-DL đón mừng Như Ý trở về từ SEA Games 26 tại sân bay Phú Bài
Lý do, theo HLV Bảo Tài, không dám mơ đến các giải quốc tế, ngay cả các giải quốc gia, lớp VĐV trẻ của Huế cũng có quá ít cơ hội cọ xát. Trước đây, cờ vua Huế tại các giải trẻ quốc gia vẫn liên tục đem về huy chương nhưng vài ba năm trở lại đây, thành tích của Huế ở đấu trường nói trên gần như là con số 0. Tại giải cờ vua trẻ được tổ chức tại Bình Dương năm 2010, 8 VĐV của Huế vẫn không thể lọt được vào tốp 10, HLV Bảo Tài nêu ví dụ.
Ngoài việc điều kiện cọ xát, thi đấu còn quá ít thì đa số VĐV cờ vua đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nếu bỏ tất cả để chuyên tâm vào cờ vua trong lúc chế độ đãi ngộ không xứng đáng, liệu mấy ai đủ tự tin cho con em mình gắn với nghiệp cờ vua. Ngay cả với Như Ý, Kim Phụng có đẳng cấp kiện tướng quốc tế nhưng 1 tháng cũng chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng. Nếu so với mặt bằng chung thì quá thấp, một số tỉnh tuy không có bề dày cờ vua như Huế nhưng số tiền VĐV cùng đẳng cấp nhận được thấp nhất cũng đã 6 triệu đồng, HLV Bảo Tài bộc bạch.
Năm 2011, thể thao tỉnh nhà nói chung và cờ vua Huế được bừng sáng với tấm HCV SEA Games 26 của Như Ý. Điều này chính là nguồn động viên lớn để Như Ý tiếp tục chinh phục vinh quang ở những đấu trường khác lớn hơn. Tuy nhiên, sau cuộc trò chuyện trên chuyến xe đón Như Ý từ sân bay Phú Bài do Trường trung cấp TDTT tổ chức vào chiều 24-11, tự nhiên thấy chạnh lòng. Bởi Như Ý tâm sự, chắc em cố gắng thi đấu cho tỉnh nhà thêm 1-2 năm nữa rồi tìm nơi khác đầu quân. Ở đâu cũng được, miễn là chế độ đãi ngộ đủ để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Thật ra em đã muốn đi từ lâu, nhưng vì thầy (HLV Bảo Tài), vì Huế mà em còn nấn ná đến bây giờ. Sau SEA Games 26, em tham gia một số giải quốc tế và quyết tâm đạt được thành tích cao nhất, đó là một cách để trả nợ quê hương, trả nghĩa gia đình, thầy cô, bạn bè. Đến lúc đó, nếu đầu quân cho tỉnh, thành khác em nghĩ cũng chẳng ai trách cứ gì.
Cờ vua Huế đã mất Bảo Trâm và có nguy cơ sẽ mất nốt Như Ý. Như vậy, liệu một mình Kim Phụng và lứa VĐV nhi đồng có đủ sức lấp đầy khoảng trống cũng như tiếp tục làm rạng danh thể thao tỉnh nhà trong tương lai?
Hàn Đăng