Thứ Năm, 12/06/2014 14:22

Không rải muối, đốt vàng mã dưới gốc cây

Nhằm hạn chế tình trạng rải muối, đốt vàng mã dưới gốc cây, ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của cây, Trung tâm Công viên cây xanh Huế thường xuyên tuyên truyền các hộ dân sống dọc các tuyến đường, gần công viên… không rải muối, đốt vàng mã dưới gốc cây.

Cây long não trên đường Lê Lợi bị cạo vỏ và rải muối ở gốc

Trung tâm Công viên Cây xanh Huế cho biết, sau khi UBND TP. Huế ban hành quy định về đốt, rải vàng mã, trong đó có quy định đốt vàng mã trong thùng, trong khuôn viên gia đình…, người dân đã ý thức hơn trong việc đốt, rải vàng mã. Không như trước đây, vào những ngày rằm, mùng một, kỵ chạp…, người dân thường đốt vàng mã trước nhà không có thùng, khói bụi mù mịt, ảnh hưởng đến người đi đường. Có người còn đốt dưới gốc cây làm cây vàng lá, cháy cành. Một số cây nhỏ không chịu nổi sức nóng bị chết hoặc cằn cỗi.

Vào các tối rằm, mùng một, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế thường cử người kiểm tra các con đường để nhắc nhở người dân không đốt vàng mã ở gốc cây. Nếu phát hiện có tình trạng này đều yêu cầu ngừng đốt, dọn dẹp vệ sinh. Nếu tình trạng đó lặp lại nhiều lần, nhân viên Trung tâm phối hợp với các cơ quan chức năng lập biên bản xử lý.

Đối với việc rải muối dưới gốc cây, dù không xảy ra thường xuyên như đốt vàng mã, song vẫn có trường hợp người dân, kẻ xấu rải muối hột ở một số gốc cây, thảm xanh làm chết cây. Trước đây, tình trạng này hay xảy ra ở một số cây long não mới trồng ở đường Lê Lợi hay ở điểm xanh Trần Cao Vân. Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, rất khó để bắt quả tang và phát hiện những đối tượng này, do hoạt động thường vào ban đêm, trời tối, lúc vắng người, hơn nữa, nếu chỉ nhìn qua, người đi đường có thể nhầm tưởng nhân viên đang chăm sóc gốc cây. Việc xử lý đất để trồng lại cây khá mất thời gian vì muối đã thấm vào đất. Nếu trồng lại sớm, cây khó phát triển. Ngoài cải tạo, phun nước cho loãng muối, cần chờ thời gian dài mới có thể trồng lại cây. Do đó, hành động rải muối ở gốc cây cần được lên án. Trung tâm Công viên cây xanh Huế luôn khuyến khích và mong muốn người dân cung cấp thông tin nếu phát hiện có người rải muối vào gốc cây để có biện pháp xử lý, răn đe.

Ngoài ra, cũng có trường hợp phun acid sunfuric vào thảm cỏ, cây ở dải phân cách đường Lê Duẩn, khiến lá cây, cỏ cháy đen, thân cành khô, một thời gian sau cây chết. Đây đều là những hành động đáng lên án, khi TP. Huế đang hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố xanh quốc tế. Một trong những tiêu chuẩn và mục tiêu mà Huế hướng tới là nâng tỷ lệ xanh/m2/người lên gấp đôi so với hiện nay, tương đương 12m2xanh/người trong vài năm tới. Do đó, việc trồng, chăm sóc cây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà phải của cả toàn dân, khi cây xanh giữ vai trò điều hòa không khí, đem lại nguồn sống trong lành.

Linh Đan

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chấn chỉnh vấn nạn rải vàng mã tái diễn
Chấn chỉnh vấn nạn rải vàng mã tái diễn

Vấn nạn rải vàng mã trên bờ cũng như dưới các dòng sông trên địa bàn TP. Huế thời gian qua đã được chấn chỉnh, quản lý khá tốt. Tuy nhiên, thi thoảng vẫn có một số người dân hay chủ các thuyền rồng vẫn bất chấp những khuyến cáo từ cơ quan chức năng, lén lút rải vàng mã, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường.

Chỉ mong đủ gạo, muối hàng ngày
Chỉ mong đủ gạo, muối hàng ngày...

Lòng vòng một hồi, chúng tôi cũng đến được nhà cụ Nguyễn Thị Khớt, thôn 3, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, một địa chỉ được các đoàn viên Đoàn xã Thượng Nhật đã tìm hiểu trước để chuyến đi được thuận tiện.