Thứ Hai, 21/07/2014 09:15

Lãi suất mua nhà 5%/năm: “Cú hích” cho nhà ở xã hội

Mức lãi suất 5%/năm mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội nhưng vẫn rất cần những giải pháp cụ thể.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định áp dụng trong năm 2016 và năm 2017 đối với  dư nợ của các khoản vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là 5%/năm. Mức lãi cho vay này tăng 0,2%/năm so với năm ngoái.

Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, chương trình cho vay lãi suất 4,8%/năm nửa cuối năm 2016 chưa triển khai được, thì quyết định mới về mức lãi suất 5%/năm của Thủ tướng đã mở ra cơ hội mới cho người thu nhập thấp cũng như doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn, vẫn cần những giải pháp cụ thể tiếp theo.

Người mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Hưng Thịnh, Kiến Hưng, Hà Đông sẽ được bàn giao nhà vào quý II năm 2017.

Khu nhà ở xã hội Hưng Thịnh, thuộc Khu đô thị Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội được lập dự án trong giai đoạn gói 30.000 tỷ đồng đang có hiệu lực, nhưng khi triển khai thì gói này kết thúc. Do có vị trí thuận lợi, mật độ xây dựng thấp, chỉ 19%, nên ngay trong đợt đầu mở bán, số lượng hồ sơ đăng ký mua nhà rất đông.

Tuy nhiên, đến khi ký hợp đồng, số lượng người quyết định mua nhà chỉ chiếm khoảng 60%. Nguyên nhân là do nhiều khách hàng khó khăn về tài chính, lại không còn gói hỗ trợ ưu đãi của nhà nước nên họ không đủ khả năng mua nhà.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Kiến Hưng, chủ đầu tư dự án cho biết, chủ đầu tư đã chủ động giảm giá bán từ 13,24 triệu đồng/m2 xuống còn 12,38 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua được nhà, vẫn rất cần chính sách cho vay vốn ưu đãi từ Nhà nước.

Vì vậy, khi Thủ tướng có quyết định về mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội năm 2017 theo Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 5%/năm, chủ đầu tư cũng như nhiều người thu nhập thấp rất phấn khởi.

“Chúng tôi mong Chính phủ có chính sách và khi đã ra chính sách rồi thì phải làm sao để người mua nhà dễ tiếp cận được, nếu quy định quá chặt chẽ thì người mua nhà gần như khó tiếp cận nguồn vốn. Mong muốn của chúng tôi là người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn một cách chính thức và đúng đối tượng, từ đó cũng sẽ tạo thanh khoản cho chủ đầu tư. Đầu tư mà không thu hồi được vốn nhanh thì rất rủi ro cho chủ đầu tư”, ông Trung đề nghị.

Năm 2016, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, Chính phủ đã quyết định mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 100 là 4,8%/ năm, có thời hạn đến hết 31/12/2016. Tuy nhiên, sau khoảng nửa năm, chính sách này chưa đi vào thực tiễn do không bố trí được nguồn vốn.

Đến đầu năm 2017, Chính phủ quyết định áp dụng mức lãi suất là 5%/năm để cho vay mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100. Theo nhiều chuyên gia, mức lãi suất 5%/năm là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nên sắp xếp một gói vay cụ thể tương tự như gói 30.000 tỷ trước đây.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM phân tích, cần có gói vay cụ thể để các doanh nghiệp yên tâm làm và người dân mới yên tâm vay.

“Nếu chính sách không có số tiền cụ thể, giả sử người dân vay được 1 năm, 2 năm rồi lại kết thúc, lãi suất 5% khi đó sẽ kéo lên lãi suất thương mại trên dưới 10% thì rất khó cho người dân hoặc doanh nghiệp đã đầu tư, nên quy định này phải rất chặt chẽ. Một doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cũng phải 3-5 năm, người dân cũng phải vay khoảng 10 năm nên cần phải có sự đồng bộ và lâu dài mới làm được”, ông Đực cho biết.

Đồng quan điểm cần đưa ra cụ thể tổng lượng tiền cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, khi nào biết lượng tiền và cách thức cụ thể mỗi người được vay bao nhiêu phần trăm giá trị căn nhà… thì mới đánh giá được rõ về tác động của chính sách. Vì hiện nay, nhiều thông tin cho rằng việc vay tiền để mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ còn khó khăn, hoặc nếu được thì khả năng chỉ vay được lượng tiền nhỏ.

“Chúng ta chưa giải quyết được đến tận cùng vấn đề sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ vào năm 2016. Hiện ngân sách khó khăn, nguồn thu ngân sách hạn chế, bội chi, nợ công ở mức cao, đầu tư công nhu cầu khá lớn. Trong hoàn cảnh này, cần phải tìm nhiều giải pháp mới có thể có được một nguồn tín dụng ưu đãi để phát triển khu vực nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ như là gói 30.000 tỷ trước đây.”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu ý kiến.

Không ai muốn lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội 5%/ năm lại “bất động” tương tự như chương trình cho vay lãi suất 4,8%/năm như năm 2016. Chính sách luôn có độ trễ, nên người thu nhập thấp vẫn cần phải chờ đợi các văn bản hướng dẫn tiếp theo để có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi này.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách tín dụng để khai thác và huy động tối đa các nguồn tài chính, nguồn lực trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cũng xác định phát triển nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017. Đây là những cơ sở để có thể tin tưởng rằng, chương trình cho vay mua nhà ở xã hội lãi suất 5%/ năm sẽ sớm đi vào thực tiễn, thúc đẩy nhanh việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên
Hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên

Ưu tiên cho vay, hỗ trợ lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, gồm xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao là chủ trương thống nhất của ngành ngân hàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đều cam kết, các DN đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.

Gỡ vướng giải ngân gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2
Gỡ vướng giải ngân gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%

Gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước được Chính phủ công bố hồi tháng 5/2022. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định. Tiến độ thực hiện chương trình này rất chậm, hiện chỉ mới giải ngân được một phần nhỏ của gói hỗ trợ.