Thứ Hai, 13/10/2014 10:02

Bảo hiểm y tế và những cải thiện đáng kể

Theo kết quả đánh giá của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2016 do Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ cộng đồng (CECODER), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố vào 4/4 vừa qua, lĩnh vực bảo hiểm y tế được xem là một trong những cải thiện đáng kể của năm qua. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng ở nội dung thành phần, góp phần tạo nên thay đổi với việc tăng điểm một cách đáng kể ở chỉ số nội dung cung ứng dịch vụ công.

Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân được thể hiện qua PAPI 2016 cho thấy, đánh giá của người dân về dịch vụ y tế công lập đã tăng 0,08 điểm so với 2015. Tỷ lệ người được cấp bảo hiểm y tế cũng đã tăng từ 62,85% năm 2015  lên 73,66% của 2016. Nếu so với các năm 2011, 2012, 2013 và 2014, tỷ lệ này tăng (%) theo thứ tự là 21,38; 13,7; 16,43 và 12,77. Cần lưu ý, việc tăng điểm ở các chỉ số nội dung thành phần của PAPI không hề đơn giản. Đó là con số cộng bình quân từ 14.063 người dân được chọn ngẫu nhiên, đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu định lượng.

Những con số khác từ PAPI 2016 cũng cho thấy, hơn 55% số người được hỏi cho biết bảo hiểm y tế có tác dụng rất tốt năm 2016, trong khi tỷ lệ này ở năm 2015 chỉ là 51%. Số người trả lời kiểu nước đôi về việc bảo hiểm y tế “có tác dụng ít nhiều” giảm từ 8% năm 2015 xuống còn 4%. Chất lượng dịch vụ và chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi cũng có xu hướng được đánh giá cao hơn với 32% cho biết dịch vụ này là “rất tốt”, cao hơn 9% so với 2015.

Ở phạm vi hẹp, hoạt động bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh cũng là một trong những điểm mạnh và ở top đầu so các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngay từ giữa năm 2016, 92% dân số trên địa bàn tỉnh đã có bảo hiểm y tế. Tỷ lệ này đã vượt mức chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho Thừa Thiên Huế trong năm 2016 là 89% và vượt luôn mức đặt ra cho năm 2020 là 90,5%.

Các bệnh viện tuyến huyện, các trạm y tế ở cơ sở cũng đã tăng cường nhân lực, nâng cấp trang thiết bị; kết nối tốt với các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương để đảm bảo quyền lợi của người dân trong khám chữa bệnh, trong đó bao gồm cả chất lượng khám, điều trị và cung ứng thuốc trong điều trị… Hiện bảo hiểm y tế toàn dân là mục tiêu mà Thừa Thiên Huế đang hướng đến. Tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế thông qua việc thực hiện và không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật ở lĩnh vực này, bố trí ngân sách và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân địa phương tham gia; tập trung hỗ trợ người thuộc hộ gia đình cận nghèo, bảo đảm 100% người thuộc hộ gia đình cận nghèo được tham gia BHYT; hỗ trợ người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư có mức sống trung bình và HSSV để tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của các nhóm đối tượng… là các giải pháp được đặt ra để hướng đến việc để đạt mục tiêu đề ra.

Hẳn nhiên còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được giám sát, điều chỉnh, kiểm tra và quản lý tốt hơn, nhằm cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất cho người dân. Trong sự cải thiện chung ở cấp vĩ mô, những kết quả đạt được trên địa bàn ở lĩnh vực hoạt động này cũng góp vào điểm tăng thêm cho chỉ số nội dung thành phần của cung ứng dịch vụ công. Điều cơ bản mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là những cải thiện đáng kể và người dân địa phương đang được phục vụ tốt hơn …

Nguyễn An Lê

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật
Cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật

Không chỉ cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, các hoạt động của dự án CBM (Community – Based Rehabilitation) giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống.

Thêm “cần câu” cho người lao động
Thêm “cần câu” cho người lao động

Được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn cho công nhân viên chức, lao động nghèo (Quỹ Trợ vốn) của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, nhiều gia đình đoàn viên công đoàn đã có thêm cần câu, tăng thêm thu nhập, từng bước cải thiện đời sống.