Trẻ em xếp hàng chờ ăn cơm tại một trường học ở Kenya. Ảnh: OCHA
Theo lời Tổng thư ký Guterres, "báo cáo của LHQ cho thấy tỷ lệ tiến bộ ở nhiều khu vực còn chậm hơn mức cần thiết để có thể đạt được các mục tiêu vào năm 2030".
Sử dụng dữ liệu gần đây nhất, báo cáo SDG hàng năm cung cấp cái nhìn tổng quan về các nỗ lực thực hiện của thế giới cho đến nay, nêu bật những lĩnh vực tiến bộ và những lĩnh vực đòi hỏi phải có nhiều hành động hơn nữa để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Cần những nỗ lực nhanh chóng
Trong khi gần 1 tỷ người đã thoát khỏi đói nghèo cùng cực kể từ năm 1999, khoảng 767 triệu người vẫn đang sống trong cơ cực vào năm 2013, hầu hết trong số đó rơi vào tình cảnh rất mong manh.
Mặc dù đã có được những tiến bộ đáng kể, nhưng số trẻ em ở độ tuổi dưới 5 vẫn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy dinh dưỡng. Năm 2016, khoảng 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc.
Từ năm 2000 đến năm 2015, tỷ lệ tử vong ở người mẹ trên toàn cầu giảm 37% và tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm 44%. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, 303.000 phụ nữ đã thiệt mạng trong khi mang thai hoặc sinh con và 5,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đã chết vào năm 2015.
Trong lĩnh vực năng lượng bền vững, trong khi việc tiếp cận với nhiên liệu và công nghệ sạch để nấu ăn tăng lên 57% vào năm 2014 từ mức 50% năm 2000, thì hơn 3 tỷ người vẫn thiếu điều kiện được tiếp cận với công nghệ và nhiên liệu nấu ăn sạch, dẫn đến 4,3 triệu người ước tính đã chết vào năm 2012.
Từ năm 2015 đến năm 2016, sự hỗ trợ cho phát triển chính thức tăng 8,9% về khối lượng và đạt mức 142,6 tỷ USD - một mức cao mới. Tuy nhiên, trên thực tế, viện trợ song phương cho các nước kém phát triển nhất đã giảm 3,9%.
Tiến trình không đồng đều
Những lợi ích của sự phát triển không được chia sẻ đều nhau. Dựa trên số liệu từ năm 2010 đến 2016, trung bình, phụ nữ phải dành thời gian làm những công việc nội trợ và chăm sóc không lương cao gấp 3 lần nam giới.
Thiệt hại về kinh tế từ các mối nguy hiểm tự nhiên hiện nay đã đạt mức trung bình từ 250 tỷ USD đến 300 tỷ USD mỗi năm, và tác động không cân xứng đến các quốc gia nhỏ và dễ bị tổn thương.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu đã giảm từ 6,1% năm 2010 xuống còn 5,7% vào năm 2016, nhưng số thanh niên không có việc làm vẫn cao gần gấp 3 lần người lớn. Vào năm 2015, 85% dân số đô thị sử dụng các dịch vụ nước sạch được quản lý an toàn, so với chỉ 55% số dân nông thôn được tiếp nhận dịch vụ này.
Ông Wu Hongbo, Phó Tổng Thư ký về Các vấn đề Kinh tế và Xã hội phát biểu: "Trao quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương là điều rất quan trọng để chấm dứt đói nghèo và thúc đẩy sự thịnh vượng cho mọi người, ở mọi nơi".
Khai thác sức mạnh của dữ liệu
Theo dõi hiệu quả các SDGs đòi hỏi phải có nguồn dữ liệu dễ tiếp cận, tin cậy, kịp thời và phân tách ở tất cả các cấp, gây ra một thách thức lớn đối với các hệ thống thống kê quốc gia và quốc tế.
Mặc dù số liệu có sẵn và chất lượng đã được cải thiện đều đặn trong nhiều năm qua, nhưng năng lực thống kê vẫn cần được củng cố trên toàn thế giới. Cộng đồng thống kê toàn cầu đang nỗ lực để hiện đại hóa và tăng cường các hệ thống nhằm giải quyết tất cả các khía cạnh của sản xuất và sử dụng dữ liệu cho các SDGs.
Báo cáo SDGs năm 2017 dựa trên số liệu mới nhất về các chỉ số được lựa chọn của khung chỉ số SDG toàn cầu, do Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp quốc (DESA) soạn thảo với các đầu vào từ nhiều tổ chức quốc tế và khu vực.
Tố Quyên (Lược dịch từ UN)