Thứ Hai, 19/01/2015 05:11

Ấm áp, vững bền

Hết lòng sẻ chia giúp đỡ dân bản Ka Lô, Sê Sáp, Kô Tài (Lào), Bộ đội biên phòng (BĐBP) và Nhân dân Thừa Thiên Huế được nhân dân các bản bạn coi như người thân.

40 ngôi nhà và trường học

8 giờ sáng, chiếc xe bán tải rời Đồn Biên phòng A Đớt (A Lưới) đến bản Ka Lô, huyện Kà Lừm tỉnh Sê Kông (Lào). Con đường hẹp ngoằn ngoèo đồi dốc, nhiều “ổ gà ổ vịt” khiến chúng tôi chốc chốc lại bị nhồi lắc ngả nghiêng.

 BĐBP thăm hỏi, động viên học sinh bản Ka Lô vượt khó học tập

Thiếu tá Đoàn Văn Nam, nhân viên phiên dịch tiếng Lào và Thiếu tá Hồ Văn Hới, trợ lý tuyên huấn BĐBP tỉnh cho hay, bây giờ là mùa khô, việc đi lại thuận lợi. Còn mùa mưa, con đường nhiều chặng nhão nhoét bùn lầy, xe máy cũng đành “bó tay”, chỉ có thể chân không lội bộ. 

Ka Lô với những ngôi nhà sàn và ngôi trường chắc chắn hiện ra trong nắng. Những bàn chân nhỏ bé của lũ trẻ ríu rít qua chiếc cầu mang tên Hữu Nghị, do Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tặng. Hai phó bản Ra Pat Hốp và A Viết Ngưm đón chúng tôi bằng những cái bắt tay thật chặt. Hay tin BĐBP Việt Nam sang, bà con dân bản đến quây quần. 

Trong ngôi nhà sàn của anh Ra Pat Hốp, bên ấm nước bốc khói, bên những rổ dứa, dưa bở tươi rói dân bản mới hái từ rẫy về, chúng tôi không dứt chuyện trò. Rừng rẫy của người lớn, học hành của lũ trẻ, rồi câu chuyện lại quay về những ngày dựng bản.

Ngày trước, bản Ka Lô nằm ở vùng trũng, tách biệt, không có đường giao thông, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Năm 2008, dân bản di dời đến nơi ở mới, gần biên giới đối diện với địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng A Đớt. Để giúp dân bản, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trích nguồn kinh phí dựng tạm 40 ngôi nhà lợp tôn, đảm bảo gạo, muối, thực phẩm cho 40 hộ dân ổn định cuộc sống. Sau đó, vấn đề này được các anh đưa ra trong giao ban khối nội chính. Lãnh đạo tỉnh quyết định giúp người dân bản Ka Lô 40 ngôi nhà thật chắc chắn, mỗi ngôi nhà trị giá 60 triệu đồng, đồng thời làm việc với lãnh đạo tỉnh Sê Kông thống nhất chủ trương. Thời điểm ấy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng hỗ trợ 100 triệu đồng, cùng với số tiền 100 triệu đồng của UBMTTQ Việt Nam tỉnh xây trường học cho học sinh bản Ka Lô.

Đại tá Đồng Xuân Quỳnh, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Đớt nhớ lại, có chủ trương của lãnh đạo tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh giao cho đồn A Đớt cử cán bộ, chiến sĩ qua bản Ka Lô san mặt bằng để thi công. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đường sá lầy lội, lũ dữ bất thường, việc thi công, đặc biệt là vận chuyển vật liệu từ Việt Nam sang hết sức khó khăn. Những tấm tôn cồng kềnh có lúc phải mang vác trên vai trong khi chân bấm xuống bùn dò từng bước....

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, giúp dân bản Ka Lô sớm an cư, lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh liên tục lặn lội đến hiện trường trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sĩ. Những ngày cao điểm, 25 anh em biên phòng có nghề mộc được Chỉ huy trưởng cử đến. Ông cũng đích thân đi bộ, lội qua dòng suối nước ngập ngang bụng, cùng ăn, cùng ở lán với lính biên phòng, cùng chia sẻ bát cơm cho trẻ em, người già. Ròng rã hơn 1 năm, 40 ngôi nhà và ngôi trường chắc chắn khang trang, đã hoàn thành. Bản Ka Lô được an cư.

Quá trình thi công cầu Hữu Nghị do Việt Nam tặng bạn, BĐBP đồn A Đớt cũng “ghé vai” giúp đỡ. "Vận chuyển vật liệu hết sức gian nan nên dù có nửa đêm gà gáy, BĐBP Đồn A Đớt cũng gõ cửa làm việc với bạn, trực tiếp theo xe đưa vật liệu qua, cùng Đại đội bảo vệ biên giới (Lào) bảo vệ vật liệu”- Đại tá Đồng Xuân Quỳnh hồi tưởng.

Lan tỏa

Con suối thứ ba trên quãng đường sang bản Ka Lô khiến tôi giật mình vì khoảng cách giữa hai bờ khá rộng. Mà cũng bởi trước đó, tôi đã được nghe câu chuyện Thiếu tá Đoàn Văn Nam suýt bị nước lũ đổ về bất ngờ, cuốn trôi cả người và xe máy khi anh cùng hai đồng chí khác quay về sau chuyến sang bản thăm hỏi, động viên và trao số tiền cho các cháu học sinh vượt khó, được BĐBP Việt Nam hỗ trợ theo chương trình “nâng bước em đến trường”.

Gần 10 năm đã trôi qua, nhưng Đại tá Đồng Xuân Quỳnh, người đồn trưởng từng lăn lộn hơn 1 năm cùng xây nhà, dựng trường cho Ka Lô vẫn nhớ mồn một lời dặn của Tư lệnh Tư lệnh BĐBP Việt Nam, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến (lúc đó là Chỉ huy trưởng): “Anh em Việt- Lào tình cảm gắn bó keo sơn, no đói có nhau. Khó khăn gì bà con cứ nói với bộ đội, đồn sẽ giúp". Dặn bạn, cũng là lời cam kết với lòng mình, sẽ luôn bồi đắp tình cảm, chia sẻ, gắn kết. Vậy nên, khi trích tiền lương (mỗi suất 500.000đ/1tháng/1 cháu) hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn các xã biên giới Thừa Thiên Huế, Trung tướng, Tư lệnh Hoàng Xuân Chiến không quên những học sinh vượt khó của các bản bạn Sê Sáp, Ka Lô. Từ tình cảm, hành động của Tư lệnh, nhiều năm qua, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ, theo sát động viên hàng trăm học sinh nghèo chăm học, trong đó có hàng chục học sinh các bản Lào, theo chương trình “nâng bước em đến trường”. Trung tá Trần Văn Tuyển, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP tỉnh chia sẻ, tình cảm và hành động đó đã lan tỏa đến BĐBP các tỉnh khác trên toàn quốc.

Cùng dân bản quây quần bên ấm nước bốc khói, bà Nang Ngo, một người mẹ Lào có con được BĐBP hỗ trợ nâng bước đến trường đặt tay lên ngực, xúc động: “Nhờ có BĐBP, nhờ có Việt Nam mà dân bản Ka Lô có trường học, nhà chắc, yên tâm làm ăn. Con cái  được giúp học hành. Cảm ơn bộ đội Việt Nam nhiều lắm...”

Chính quyền, Nhân dân, BĐBP Thừa Thiên Huế giúp bản Sê Sáp (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) hàng chục ngôi nhà, trường học, đường ống nước tự chảy, thường xuyên tặng lương thực, thực phẩm, chăn ấm... cho dân các bản Sê Sáp, Ka Lô, Kô Tài. 

Quỳnh Anh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấm áp “blouse trắng”
Ấm áp “blouse trắng”

Chiếc áo blouse trắng đã gắn liền với hình ảnh giản dị, ân cần, ấm áp của các y, bác sĩ khi thăm khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Lấy người bệnh làm trung tâm, cán bộ, nhân viên y tế mỗi ngày luôn nỗ lực để điều trị tận tâm, chăm sóc tận tụy mà hạnh phúc đơn giản chỉ là sức khỏe, nụ cười và sự an tâm của người bệnh.

Mang Giáng sinh ấm đến với các bệnh nhi
Mang Giáng sinh ấm đến với các bệnh nhi

Ngày 25/12, Công ty CP Du lịch DMZ phối hợp với Công đoàn Bệnh viên Trung ương Huế tổ chức chương trình “Tinh thần Giáng sinh – Christmas Spirit” mang không khí Noel đến với bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện.

Miếng trầu của mẹ tôi…
Miếng trầu của mẹ tôi…

Mẹ tôi ăn trầu từ 14 tuổi, từ ngày còn tóc đuôi gà. Mới sáng tinh mơ, mẹ đã quang gánh theo bà tôi đi chợ huyện. Đường đất đá, lởm chởm sống trâu, hai mẹ con không có dép, nên đến chợ thì môi tím lại và đôi bàn chân cứng đơ, dẫm phải mảnh sành cũng chẳng biết đau. Đôi vai mẹ gầy nhô lên run bần bật vì đói, vì rét. Bà tôi giở trầu ra ăn, bảo: Con tập ăn trầu đi, sẽ thấy ấm người.

Ấm áp chiếc lồng ấp ngày đông
Ấm áp chiếc lồng ấp ngày đông

Huế vào những ngày đông tháng giá, khi những hạt mưa không còn rơi quá nặng để có thể tạo ra những cơn lụt triền miên đầy thương đau, mà thay vào đó là những hạt "mưa lâm thâm ướt dầm lá hẹ", đất trời miền Trung được khoác lên một chiếc khăn choàng màu xám. Từng cơn gió lạnh như muốn cắt vào da thịt cũng là lúc ông tôi lấy chiếc lồng ấp treo trên gác bếp xuống, nhẹ phủi cho những bụi tro và bồ hóng bay đi.