Thứ Ba, 02/11/2010 14:05

Ngôn ngữ trong mặt nạ tuồng Huế

Đã từng có nhiều cuộc hội thảo đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật một thời được xem là quốc kịch dưới triều Nguyễn?

Không chọn cách khôi phục các kịch bản, trình thức biểu diễn, tuyển chọn diễn viên… chúng tôi đi tìm một ngôn ngữ tuồng với hai câu thơ được khắc họa trên khuôn mặt của người diễn viên:

Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc

Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi

Diễn viên tuồng phải biết làm họa sĩ

Cách đây hơn 1 năm, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân La Cháu - nghệ nhân tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn. Cụ cho biết, trong nghệ thuật hát tuồng, chiếc mặt nạ là đạo cụ sân khấu quan trọng bậc nhất của loại hình nghệ thuật này. Có thể nói, mặt nạ là một phần tạo nên cái hồn, cái chất của nghệ thuật tuồng. Dưới ánh đèn sân khấu tuồng, màu sắc dùng trong mặt nạ phải thật đậm, đường nét phải thật rõ, để khắc hoạ cá tính của nhân vật, và nhất là để tăng sự biểu đạt của khuôn mặt diễn viên. Mỗi mặt nạ tuồng tự nó nói lên lòng trung hiếu, lòng nhân ái, tinh thần dũng cảm. Người diễn viên tuồng ngoài việc phải biết hát hay, múa đẹp, còn phải biết làm một họa sĩ để tự kẻ mặt nạ nhân vật. Tuy vậy, một người diễn viên tuồng dù trình độ nghề nghiệp có giỏi đến đâu cũng không thể nào nắm hết tất cả, họ chỉ có thể vẽ được một số ít bộ mặt nạ nhân vật nhất định nào đó mà mình thường đảm nhiệm.

NSƯT La Cẩm Vân hóa trang mặt nạ tuồng Chung Vô Diệm

Theo NSƯT La Cẩm Vân, trước khi biểu diễn, mỗi diễn viên tuồng phải tự hóa trang cho mình bằng cách cảm nhận về tính cách và thân phận của nhân vật, trên nền tảng những quy định chuẩn mực về mặt nạ cho mỗi loại nhân vật. Nhưng khó nhất là vẽ đôi mắt, bởi đây là nơi thể hiện tính cách nhân vật rõ nét nhất. Dù hóa trang theo kiểu mặt nào thì có một điểm chung là vùng sát xung quanh đôi mắt phải được để tự nhiên. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là dấu vết của việc đeo mặt nạ ngày trước, người khác lại giải thích, trong hát tuồng, con mắt của diễn viên cũng phải tích cực diễn xuất, nên phải chừa trống như thế mới thấy được “cái thần” của đôi mắt.

Mỗi mặt nạ, một tính cách

 Mặt nạ tuồng Huế với ba tông màu chủ đạo là đen - đỏ - trắng và thêm một số màu phụ trợ như: xanh, xám… Mỗi tông màu gắn với từng mô típ nhân vật cụ thể, như: mặt đen - đại diện cho sự rắn chắc; mặt trắng - vẽ sự bạc bẽo; mặt mốc - dành cho kẻ xu nịnh, phản trắc; mặt rằn – kẻ tướng mạo xấu xí, tính tình nóng nảy; mặt đỏ - tỏ rõ sự trung can nghĩa khí...

Các diễn viên tuồng Đồng Ấu dưới triều Nguyễn

Đã từng hóa thân nhiều vai diễn tuồng từ khi còn là diễn viên lớp Đồng Ấu, nghệ nhân La Nguyên cho biết, khi vẽ mặt nạ tuồng, ngoài những quy định chung về tính cách và xuất xứ của nhân vật, nó còn có sự thay đổi, biến chuyển tùy thời điểm, tùy tình thế. Như những nhân vật sống ở miền sông nước hay ở biển đều được gọi là kép sông, kép nước chứ không gọi là kép biển. Tuy ở sông hay ở biển đều là kép nước, nhưng nhân vật ở biển thì phải kẻ mặt màu đỏ, còn ở sông thì phải màu xám. Theo giải thích, nhân vật ở biển chịu nắng nên mặt phải màu đỏ, còn nhân vật sinh sống gần sông, đôi khi, đôi lúc còn được ở chỗ râm, mát nên màu da của nhân vật không thể giống như người miền biển được.

Khi đã theo nghiệp học tuồng, các diễn viên đều phải theo học vẽ mặt nạ. Trước tiên, bản thân người học phải tự nhớ, tự học màu sắc và thứ tự, chi tiết các bước vẽ, rồi tự mày mò, tìm tòi vẽ theo các vai mà các nghệ nhân đã vẽ. Người học phải tự bắt chước chứ không được chỉ vẻ cụ thể phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu…

Theo các nhà nghiên cứu về tuồng, mỗi mặt nạ tuồng khi được vẽ đều mang tính cách điển hình, tính cách ấy theo nhân vật đồng hành xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn. Do đó, các nét vẽ thường lấy từ các hình tượng như: long, ly, quy, phượng tương ứng để tượng trưng cho vua, quan, sự vĩnh cửu và vẻ đẹp sang quý. Riêng các họa tiết trên khuôn mặt các nghệ nhân xưa căn cứ vào tướng số của con người như: “Những người ti hí mắt lươn, trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người...”, “Đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà” hay “Râu rìa, lông ngực đôi bên, Chẳng phường phản bạn, cũng tên nịnh thần”… Tính cách của nhân vật liên quan đến loài vật cũng được thể hiện rõ trên từng mặt nạ, như nhân vật Cáp Tô Văn trong vở Đàng Chinh Đông ở thời nhà Đường (Trung Quốc), hiện thân của Cáp Tô Văn là con rồng xanh nên khi hoá trang mặt nạ Cáp Tô Văn cũng có những hoạ tiết tương tự như con rồng. Hoặc vai Yêu cá trong vở Lý Phụng Đình, người xưa gọi Yêu cá là cá hoá rồng nên mặt nạ vừa có sừng vừa có mang tượng trưng như cá. Vai Chung Vô Diệm do kiếp nạn nên phải đội lốt của quỷ Dạ Xoa nên mặt nạ của Chung Vô Diệm rất xấu xí, nhưng khi thoát lốt sẽ trở thành một cô gái cực kỳ xinh đẹp.

Theo ông Trương Tuấn Hải, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, về cơ bản, cách hoá trang mặt nạ tuồng ở ba miền Bắc - Trung - Nam đều giống nhau về việc sử dụng các gam màu vào tính cách của nhân vật. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ văn hóa đặc trưng của vùng miền, nên mỗi nơi có cách thể hiện nét vẽ khác nhau. Riêng Huế, nơi nghệ thuật tuồng đã đạt đến đỉnh cao, xứ sở của những con người tế nhị có cuộc sống êm đềm bên dòng sông Hương, núi Ngự nên các nét vẽ khi được khắc họa lên gương mặt của người nghệ sĩ cũng nhẹ nhàng, thanh thoát.

Trọng Bình
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.