Vẻ đẹp của sông Hương, giá trị của sông Hương có lẽ không cần phải nhắc lại. Nó không thể được lượng hoá và đã được nhiều người, nhiều thế hệ tụng ca với không biết bao nhiêu là bút mực. Dân địa phương và các doanh nghiệp du lịch cũng không bỏ qua “tiềm năng thế mạnh sẵn có” để khai thác, kiếm sống và làm giàu. Thuyền rồng thuyền phụng sông Hương cũng vì lý do trên mà nở rộ từ một vài thập kỷ gần đây để phục vụ du khách. Phổ biến là phục vụ khách nghe ca Huế trên sông; chở khách du lịch theo tour; hoặc có khi là phục vụ cho các gia đình, nhóm bạn có nhã hứng bồng bềnh sóng nước ngao sơn du thuỷ…
![](https://file.baothuathienhue.vn/data2/image/news/2013/20130709/fckimage/75861453741398_8.jpg) |
Sông Hương xứ Huế
|
Về hình thức, các con thuyền phục vụ du lịch trên sông Hương có cái thuyền đôi, có cái thuyền đơn; có chiếc vẽ rồng có chiếc sơn phụng; có chiếc mới, cũng có chiếc đã phai màu… Song, tất cả lại có chung một điểm tương đồng là…máy nổ rất giòn, rất to. Điều này dường như gây phản cảm ghê gớm với Huế tĩnh lặng thâm nghiêm, với Hương giang mộng mơ huyền nhiệm… Nó khiến nhiều du khách không cảm thấy thoải mái, hài lòng.
Đã có những ý kiến đề nghị tìm hướng cải thiện. Chẳng hạn như thiết kế những “chiếc hộp tiêu âm” - điều mà nhiều người thợ chuyên ngành cho là không phức tạp và không tốn kém lắm. Hoặc làm như ở suối Yến - chùa Hương (Mỹ Đức-Hà Nội) là chèo tay. “So với suối Yến thì Sông Hương rộng hơn, song nước lặng lờ chứ không chảy xiết. Rất nhiều điểm tham quan, du lịch ở đôi bên mà cự ly không xa trung tâm thành phố lắm. Huế lại nổi tiếng là thành phố xanh, thành phố sinh thái-du lịch; còn sông Hương là con sông vô giá thuộc hàng đẳng cấp, rất cần và rất đáng được bảo vệ.… Chuyển ngay sẽ là chuyện không đơn giản. Song, có thể làm từng bước. Trước mắt, cần có giải pháp (cho vay ưu đãi chẳng hạn) để các chủ thuyền chuyển sang sử dụng các loại máy ít ô nhiễm, ít phát tiếng ồn hơn.
Khảo sát, quy định ở một số đoạn sông có cảnh quan hữu tình, ngang qua di tích quan trọng...tất cả thuyền bè đều phải chuyển từ chế độ cơ giới sang chèo tay; những thuyền - tàu phục vụ sản xuất có trọng tải lớn không thể chèo thì buộc chuyển lưu thông vào một số giờ giấc nhất định...” - Báo Thừa Thiên Huế từng có những đề xuất như thế. Song, tất cả gần như rơi vào thinh không (?!!)
Mới đây, tôi và một số đồng nghiệp có dịp thăm Malaysia và Singapore - đảo quốc sư tử biển. Sông Melaka và sông Singapore chỉ là những con sông rất đỗi bình thường nếu đem so với sông Hương của Huế. Vậy nhưng chính quyền các quốc gia này xem chừng rất trân trọng các con sông của họ. Các con thuyền du lịch ở đây đều phải chạy bằng ắc quy điện. Êm re và không hề có dầu mỡ thải ra dòng nước. Chạy điện, nhưng không hề yếu. Đó là những chiếc thuyền gỗ cỡ lớn, sức chứa áng chừng độ 40-50 người. Thuyền chạy phăm phăm mà chúng tôi vẫn có thể vừa ngắm cảnh vừa chuyện trò thoải mái chứ không phải “hò hét” khản giọng mới nghe được như khi đi thuyền chạy bằng máy nổ ở sông Hương xứ Huế. Chuyện không khó, lại lợi rất nhiều phương diện, người ta làm được sao mình lại không? Chất lượng dịch vụ tăng, giá phục vụ có tăng theo chắc cũng chẳng ai phàn nàn. Bởi đó là quy luật. Cần nhớ, chỉ đi một đoạn tàu điện ngầm cho biết, sau đó xuống thuyền chạy chừng 45 phút để ngắm cảnh (chủ yếu là nhà cao tầng), chúng tôi đã phải chấp nhận chi ra 40 đô Sing, tức khoảng 700 ngàn đồng cho mỗi người. Dân ta làm tiền Việt, sang bạn tiêu tiền đô còn chịu được. Huống hồ thiên hạ làm tiền đô, sang ta tiêu tiền Việt, rẻ vô cùng trời đất, kêu ca nỗi gì. Vấn đề vẫn là chất lượng dịch vụ. Và hãy thử bắt đầu bằng việc nâng chất thuyền rồng…